Để làm tốt công tác hội nhập kinh tế quốc tế, các Cấp ủy đảng, chính quyền đã đẩy mạnh công tác thông tin truyền truyền, phổ biến. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước hội nhập quốc tế nói chung, hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng. Phổ biến các cam kết, trách nhiệm, nghĩa vụ của Việt Nam khi tham gia Hiệp ước quốc tế. Tổ chức lồng ghép các chương trình hành động vào kế hoạch cụ thể của từng ngành, từng lĩnh vực quản lý, phù hợp với tình hình địa phương. Nắm vững tư tưởng, dư luận xã hội; đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc, thù địch về quá trình hội nhập.
Tỉnh quan tâm thực hiện hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, triển khai chính sách thu hút đầu tư. Nổi bật là tập trung cải thiện các thủ tục hành chính, minh bạch hóa môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư tìm hiểu, nghiên cứu, triển khai dự án trên địa bàn. Tỉnh cũng quan tâm nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù, cạnh tranh để thu hút các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước vào đầu tư tại tỉnh. Quan tâm, lắng nghe, chung tay giải quyết những khó khăn cho doanh nghiệp. Lũy kế 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 5 dự án đầu tư được cấp mới, với tổng số vốn đầu tư đăng ký khoảng 1.050 tỷ đồng. Trong đó, có 1 dự án đầu tư nước ngoài và 4 dự án đầu tư trong nước. UBND tỉnh đã điều chỉnh chủ trương đầu tư 6 dự án, chấp thuận đầu tư 3 dự án. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 715 dự án đầu tư còn hiệu lực hoạt động với tổng số vốn đăng ký trên 246.000 tỷ đồng. Có 36 dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị với tổng số vốn đầu tư đăng ký khoảng 23.000 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm, ước có 210 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký khoảng 4.750 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, số lượng doanh nghiệp cấp mới bằng 98.6% số vốn đăng ký bằng 112%.
Thị trường hàng hóa diễn ra sôi động, giá cả các mặt hàng tương đối ổn định. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 66 doanh nghiệp hoạt động xuất, nhập khẩu. Trong đó, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu chính chia thành 5 nhóm, gồm: 17 doanh nghiệp linh kiện điện tử, 21 doanh nghiệp dệt may, 2 doanh nghiệp kim loại, 9 doanh nghiệp nông sản và 17 doanh nghiệp thuộc nhóm hàng hóa khác. Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt trên 969 triệu USD, tăng 26,48% so với cùng kỳ, thực hiện 48,48% so với kế hoạch năm. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt trên 686 triệu USD, đạt 17,83% so với cùng kỳ, đạt 49,89% so với kế hoạch năm. Thị trường xuất khẩu vẫn tập trung ở các nước: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU... Phát triển thêm một số nước như Canada, Anh, Ấn Độ, Châu Phi.
Hoạt động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp khắc phục khó khăn về nguyên liệu đầu vào, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm tăng 3,2%. Một số lĩnh vực tăng, như: Khai thác khoáng sản, công nghiệp chế biến, chế tạo. Ngành nông nghiệp cũng triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy nội lực trong quá trình hội nhập quốc tế. Nhiều sản phẩm nông nghiệp đã đạt tiêu chuâtn OCOP của tỉnh. Ngành nông nghiệp cũng đang hỗ trợ các chủ thể duy trì tốt 72 mã vùng trồng và 5 mã số cơ sở đóng gói. Hỗ trợ 12 tấn muối ớt sang Hàn Quốc và tiếp tục hỗ trợ các địa phương xuất khẩu các mặt hàng nông sản. Công tác quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm được quan tâm. Đến nay, cơ quan chức năng đã cấp Giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm cho 46 cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản; kích hoạt 77.000 tem ra thị trường cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Hiện nay, tỉnh Hòa Bình đang thực hiện cam kết thoản thuận quốc tế với các địa phương nước ngoài, như: Luông Pha Băng (Lào), Hủa Phăn (Lào), TUV (Mông Cổ), thành phố Gimje và tỉnh Jeollabuk (Hàn Quốc), Quận Ulju, thành phố Ulsan (Hàn Quốc). Trong 6 tháng, tỉnh đã ký kết 2 bản thỏa thuận quốc tế; phê duyệt 7 chương trình, dự án phi chính phủ nước ngoài với tổng giá trị cam kết trên 1,5 triệu USD; phê duyệt điều chỉnh, bổ sung vốn cho 2 dự án. Các thỏa thuận ký kết, chương trình dự án giữa tỉnh Hòa Bình với các đối tác nước ngoài đều tuân thủ các quy định hiện hành về thỏa thuận hợp tác quốc tế, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế, xã hội và chủ trương hợp tác quốc tế của địa phương. Tháng 4/2024, tỉnh đã tổ chức 1 đoàn công tác tham gia chương trình Quảng bá địa phương Việt Nam tại Hoa Kỳ và Canada. Thông qua chương trình đã cung cấp thêm những thông tin, tài liệu giới thiệu về tiềm năng thế mạnh và cơ hội hợp tác đầu tư, thương mại của tỉnh Hòa Bình, góp phần mở rộng mối quan hệ giữa tỉnh Hòa Bình với các đối tác, thị trường tiềm năng.
Thời gian qua, số lượng khách đến tỉnh tăng rất nhanh, đặc biệt vào dịp cuối tuần hoặc những ngày nghỉ lễ. 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh ước đón 2.600 nghìn lượt khách. Trong đó, khách quốc tế đạt 260 nghìn lượt người. Thị trường khách du lịch quốc tế đến Hòa Bình chủ yếu đến từ các nước Châu Á, chiếm 59,1%; tiếp đó là thị trường Châu Âu là 25,1%; thị trường Châu Mỹ chiếm 10,8%; Châu Úc chiếm 4,1% và Châu Phi chiếm 0,9%. Khách du lịch đến tỉnh đều lựa chọn các sản phẩm: Du lịch cộng đồng; du lịch làng nghề thủ công truyền thống; du lịch nghỉ dưỡng, thể thao, giải trí... Đây là điều kiện để tỉnh tiếp tục xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu du lịch tỉnh gắn với hình ảnh đặc trưng, độc đáo mang bản sắc văn hóa các dân tộc nhằm thu hút được nhiều du khách đến du lịch trải nghiệm.
Trong bối cảnh tình hình thế giới có những chuyển động nhanh chóng, thực hiện kịp thời chỉ đạo của Trung ương, tỉnh Hòa Bình đã tích cực, chủ động trong công tác hội nhập kinh tế quốc tế và đạt được những kết quả quan trọng. Bằng việc phát triển kinh tế theo hướng đa dạng, hình thành chuỗi giá trị hàng hóa ổn định, chất lượng đã giúp tỉnh mở rộng thị trường, nâng cao cạnh tranh, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. Việc tham gia tích cực hội nhập kinh tế cũng giúp doanh nghiệp, chủ thể sản xuất trên địa bàn phát triển sản xuất, đổi mới và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Qua đó, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, tạo động lực cho phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh./.