DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Tỉnh Hòa Bình: Đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn

13/03/2015 00:00
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từng bước đáp ứng yêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Xuất phát từ nhu cầu của lao động và thị trường, đào tạo nghề theo lĩnh vực nông nghiệp là một trong những hình thức, hướng đi chủ yếu của tỉnh Hòa Bình trong những năm qua. Theo đó, việc triển khai thực hiện trong năm 2014 và 05 năm (2010 – 2014) theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đạt được những kết quả nhất định.
Tỉnh Hòa Bình sơ kết 05 năm thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Năm 2014, Sở NN&PTNT được UBND tỉnh giao thực hiện công tác đào nghề cho lao động nông thôn với tổng kinh phí 700 triệu đồng. Sở đã giao cho Trung tâm Khuyến nông – Khuyến lâm và Trung tâm giống cây trồng thuộc Sở tổ chức đào tạo cho 10 lớp nghề  nông nghiệp cho 300 lao động nông thôn. Gồm các nghề đào tạo: bảo vệ thực vật, trồng cây có múi, nuôi và phòng trị bệnh cho gà, lợn, trâu bò; nuôi cá lồng; nuôi trồng thủy sản nước ngọt; sản xuất lâm nghiệp quy mô nhỏ; trồng ngô; ủ phân vi sinh. Trong đó có chi phí hỗ trợ đào tạo và chi phí tiền ăn cho học viên. Tính trên địa bàn toàn tỉnh, đã tổ chức đào tạo được 91 lớp nghề nông nghiệp cho 2.71 lao động nông thôn. Trong đó lao động nữ là 1.909 chiếm 69%, nam là 852 người, chiếm 31%, đối tượng được hưởng thụ chủ yếu là người dân tộc thiểu số và người thuộc hộ nghèo, các nghề đào tạo chủ yếu trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

Trong 05 năm (2010 – 2014), toàn tỉnh tổ chức đào tạo được 272 lớp nghề nông nghiệp cho 7941/9569 người có nhu cầu học nghề, đào tạo đạt 82,9% so với người có nhu cầu học nghề. Trong đó lao động nữ là 4.624 người chiếm 58%, lao động nam là 3.317 người. Riêng đối với Sở NN&PTNT, Sở cùng các đơn vị trực thuộc Sở tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn dưới 03 tháng tại các huyện trên địa bàn tỉnh, gồm 21 lớp với tổng số 643 lao động nông thôn học nghề về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản…

Sau 05 năm thực hiện Đề án, dưới sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các ban, ngành đoàn thể, nhận thức chung về vai trò quan trọng của dạy nghề nông nghiệp cho LĐNT đã có nhiều chuyển biến tích cực. Góp phần phát triển nguồn nhân lực nông thôn, xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội và chung tay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Nhiều văn bản hướng dẫn được ban hành, các hoạt động đào tạo nghề tại các đơn vị được tạo điều kiện để triển khai thực hiện. Phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý dạy nghề (tổ chức lớp đào tạo kỹ năng dạy nghề cho ngành nông nghiệp), đáp ứng nhu cầu dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn. Nhiều nông dân đã lựa chọn nghề, cơ sở dạy nghề cho phù hợp khả năng và điều kiện sản xuất tại địa phương để học nghề. Sau khi học, áp dụng các kiến thức vào tổ chức sản xuất và bước đầu nâng cao được thu nhập.

Tuy nhiên, nguồn kinh phí đầu tư cho lĩnh vực dạy nghề nông nghiệp lao động nông thôn còn hạn chế, chủ yếu do ngân sách Trung ương hỗ trợ thông qua Đề án; định mức kinh phí đào tạo còn thấp, đối với một số nghề cần mua con giống. Đào tạo nghề nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào mùa vụ, cấp nguồn và phế duyệt dự toán gây khó khăn cho các đơn vị triển khai thực hiện. Nhiều lao động nông thôn, nhất là lao động người dân tộc thiểu số, lao động vùng sâu, vùng xa có trình độ văn hóa thấp, chưa nhận thức đúng về lợi ích của học nghề nên chưa nhiệt tình tham gia.

Qua 05 năm triển khai thực hiện, nhiều bài học kinh nghiệm đã được rút ra, trong đó cần tiếp tục tăng cường hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của các cấp ủy Đảng, UBND các cấp (trong đó cấp huyện là quan trọng nhất), sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, đoàn thể ở địa phương. Đây là nhân tố quan trọng nhất để thực hiện thắng lợi Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Cần có hệ thống văn bản hướng dẫn đúng, đủ, dễ thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người học, cơ sở dạy nghề và các cơ quan đơn vị quản lý liên quan, có đủ danh mục nghề, chương trình, giáo trình, tài liệu dạy nghề trình độ sơ cấp theo tiêu chuẩn quốc gia. Xây dựng được kế hoạch chi tiết đào tạo nghề cho lao động nông thôn tới từng xã và gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, gắn với xây dựng nông thôn mới. Phải có sự gắn kết chặt chẽ giữa chính quyền các cấp, DN, cơ sở dạy nghề và người học nghề từ khâu xác định nhu cầu đào tạo (đầu vào), tổ chức đào tạo đến giải quyết việc làm (đầu ra). Công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động dạy nghề được thực hiện thường xuyên ở tất cả các khâu và tất cả các cấp.

Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một đề án có tính nhân văn sâu sắc vì vậy nhận được sự ủng hộ, đồng thuận rất cao của các tầng lớp nhân dân. Trong những năm tiếp theo (2016 – 2020) tỉnh Hòa Bình xây dựng các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, trong đó tiếp tục hướng vào đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn.

Tang tuong phan Giam tuong phan
Đánh giá bài viết

0.0/5 (0 Lượt đánh giá)