DetailController

Chương trình nghiên cứu, đề tài khoa học

Tình hình ứng dụng kết quả thực hiện đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh trên địa bàn thành phố

27/10/2021 00:00

Căn cứ Quyết định số 51/2019/QĐ-UBND ngày 18 tháng 12 năm 2019 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hòa Bình về việc ban hành quy định quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Hòa Bình;

Căn cứ công văn số 533/SKHCN-QLKH ngày 02 tháng 10 năm 2020 của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hòa Bình về việc báo cáo ứng dụng kết quả thực hiện đề tài KH&CN cấp tỉnh.

Ủy ban nhân dân thành phố Hòa Bình báo cáo tình hình ứng dụng kết quả thực hiện đề tài KH&CN cấp tỉnh như sau:

I.THÔNG TIN CHUNG

Hiện nay, Ủy ban nhân dân thành phố được giao quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học của 02 đề tài cấp tỉnh, cụ thể:

1. Đề tài “Nghiên cứu xác định nguyên nhân nứt, sụt đất tại khu vực xóm Tân Lập, xã Dân Hạ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hoà Bình. Đề xuất giải pháp”

* Lĩnh vực khoa học: Tự nhiên

* Đơn vị thực hiện: Viện Địa chất

*Thời gian thực hiện: 2015

* Nội dung:

- Nội dung 1: Nghiên cứu đánh giá đặc điểm địa chất - kiến tạo khu vực nứt sụt đất và lân cận, tìm hiểu đánh giá mối liên quan giữa điều kiên địa chất-kiến tạo với nứt sụt đất ở khu vực xómTân Lập và lân cận.

- Nội dung 2: Nghiên cứu xác định các đối tượng có khả năng gây nứt sụt đất ẩn trong lòng đất (các đới phá hủy đứt gãy, các vùng đất yếu, các hang hốc rỗng ngầm trong đất) bằng các phương pháp Địa vật lý.

- Nội dung 3: Nghiên cứu xác định nguyên nhân và dự báo khoanh vùng nguy cơ nứt sụt đất khu vực xóm Tân Lập, xã Dân Hạ và đề xuất giải phápgiảm nhẹ thiệt hại.

* Kết quả đạt được:

- Đề tài đã tiến hành nghiên cứu, đánh giá đặc điểm địa chất-kiến tạo khu vực nứt sụt đất và lân cận, tìm hiểu đánh giá mối liên quan giữa điều kiện địa chất kiến tạo với nứt sụt đất ở khu vực xóm Tân Lập, xã Dân Hạ và lân cận.

- Đã tiến hành khảo sát bằng phương pháp thăm dò điện và phương pháp thăm dò địa chấn khúc xạ tại nhiều vị trí. Kết hợp với các nghiên cứu về địa chất kiến tạo có thể giải thích nguyên nhân gây sụt đất, nứt đất tại xóm Tân Lập, xã Dân Hạ.

- Đã tiến hành khoanh vùng dự báo nguy cơ nứt sụt đất xóm khi theo 5 cấp độ (trong đó cấp 5 là cấp cảnh báo nguy cơ nứt, sụt đất, nứt đất mạnh nhất).

- Đã đề xuất một số giải pháp phòng tránh giảm nhẹ thiệt hại tại vùng bị ảnh hưởng.

2. Đề tài: “Nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp tạo quỹ đất xây dựng kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình

* Lĩnh vực khoa học: Tự nhiên

* Đơn vị thực hiện: Học viện nông nghiệp Việt Nam

* Thời gian thực hiện: từ tháng 6/2017 đến tháng 3/2019

* Nội dung:

Nội dung 1: Nghiên cứu đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội, tình hình sử dụng và biến động đất đai giai đoạn 2010-2016 liên quan đến công tác tạo quỹ đất xây dựng kết cấu hạ tầng tại TP Hòa Bình, huyện Lương Sơn và huyện Kỳ Sơn

Nội dung 2: Nghiên cứu đánh giá thực trạng tạo quỹ đất xây dựng kết cấu hạ tầng giai đoạn 2010-2016 tại TP Hòa Bình, huyện Lương Sơn và huyện Kỳ Sơn

Nội dung 3Nghiên cứu nhu cầu và khả năng tạo quỹ đất xây dựng kết cấu hạ tầng tại thành phố Hòa Bình, huyện Lương Sơn và huyện Kỳ Sơn

* Kết quả đạt được:

Đề tài đã tiến hành nghiên cứu, đánh giá thực trạng tình hình sử dụng và biến động đất đai, phân tích nhu cầu sử dụng và khả năng tạo quỹ đất phục vụ xây dựng kết cấu hạ tầng tại thành phố Hòa Bình, huyện Lương Sơn và huyện Kỳ Sơn. Đề xuất giải pháp tạo quỹ đất xây dựng kết cấu hạ tầng cho thành phố Hòa Bình, huyện Lương Sơn và huyện Kỳ Sơn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và xây dựng bản đồ tỷ lệ 1/50.000 tạo quỹ đất xây dựng kết cấu hạ tầng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 tại thành phố Hòa Bình, huyện Lương Sơn và huyện Kỳ Sơn.

II. KẾT QUẢ ỨNG DỤNG ĐỀ TÀI KH&CN CẤP TỈNH

1. Kết quả ứng dụng Đề tài “Nghiên cứu xác định nguyên nhân nứt, sụt đất tại khu vực xóm Tân Lập, xã Dân Hạ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hoà Bình. Đề xuất giải pháp”     

Đề tài đã áp dụng phương pháp thăm dò điện trong nghiên cứu trên môi trường địa chất của vùng. Kết quả khảo sát thăm dò điện đã góp phần quan trọng trong việc đánh giá nguyên nhân, cơ chế xảy ra nứt, sụt đất và khoanh vùng dự báo nguy cơ tiềm năng sẽ xảy ra hiện tượng này trong khu vực nghiên cứu. Từ những kết quả nghiên cứu trên, UBND huyện Kỳ Sơn (cũ) đã triển khai áp dụng các giải pháp được đề xuất trong nội dung của đề tài vào thực tiễn qua các chương trình, nghị quyết, kế hoạch …liên quan đến công tác tài nguyên môi trường, công tác giải phóng mặt bằng và công tác quy hoạch, công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn hàng năm…, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội và ổn định các hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân trên địa bàn.

2. Kết quả ứng dụng Đề tài: “Nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp tạo quỹ đất xây dựng kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình

Sau hơn 1 năm đề tài được nghiệm thu và đưa vào ứng dụng tại địa phương, UBND thành phố đã triển khai các giải pháp tạo quỹ đất để xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong thời gian qua. Trong đó tập trung các giải pháp tạo quỹ đất để thu hút đầu tư đối với các dự án đầu tư nhà ở thương mại, dự án đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp và Nhà đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp được quy hoạch,

* Các giải pháp của đề tài đã được áp dụng:

- Nâng cao tính thực tiễn của chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất phù hợp với thực tế, kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện công tác GPMB trên địa bàn thành phố.

- Tạo cơ chế chính sách cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

- Thường xuyên rà soát các quy hoạch để có đánh giá mức độ phù hợp, bổ sung quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết để làm cơ sở cho công tác tạo quỹ đất phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch tại các khu vực có tiềm năng và lợi thế nhưng chưa có kết cấu hạ tầng như dọc hai bên đường Hòa Lạc – Hòa Bình…

- Rút ngắn thời gian, thủ tục thu hồi đất, giao đất, định giá và phê duyệt phương án đấu giá đất để các dự án sớm đưa vào đấu giá thu tiền sử dụng đất.

- Đẩy nhanh tiến độ GPMB các dự án và tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm về xây dựng công trình, nhà ở trái phép.

Kết quả trong thời gian qua, trên địa bàn thành phố đã triển khai 67 dự án về giải phóng mặt bằng, trong đó có các công trình, dự án lớn, trọng điểm. Đã ban hành 49 Quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư với tổng số tiền trên 210 tỷ đồng. Tổng số kinh phí đã chi trả trên 150 tỷ đồng. Hiện đang thẩm định, phê duyệt 12 dự án. So với năm 2019 số lượng các dự án thực hiện vượt hơn nhiều; các dự án trọng điểm đã đạt 95% khối lượng công việc về tỷ lệ giải phóng mặt bằng và chi trả chính sách bồi thường.

III. THUẬN LỢI, KHÓ KHĂN VÀ NGUYÊN NHÂN

1. Thuận lợi

Sau khi các đề tài KH&CN cấp tỉnh được nghiệm thu và đưa vào ứng dụng tại thành phố Hòa Bình đã cung cấp cơ sở dữ liệu ban đầu quan trọng về tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái của thành phố, làm luận cứ khoa học cho việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên và môi trường.

Xuất phát từ những đề xuất, nhu cầu thực tế của đơn vị, địa phương nên nhìn chung các dự án, đề tài khoa học công nghệ trên địa bàn thành phố khá sát thực tế và mang tính ứng dụng cao, những giải pháp của các đề tài được áp dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của thành phố nói chung, các ngành địa phương nói riêng và đã đem lại hiệu quả trong thời gian qua.

2. Khó khăn

Việc duy trì, nhân rộng các kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ hiệu quả vào thực tiễn sản xuất còn chậm, chưa được nhân rộng.

3. Nguyên nhân

Nguyên nhân một phần là do việc phổ biến những kết quả của đề tài sau khi nghiệm thu chưa được rộng rãi. Công tác tuyên truyền kết quả nghiên cứu còn rất hạn chế. Mặt khác các đề tài nghiên cứu hiện tại mới dừng lại ở cơ chế tác động khoa học công nghệ vào phát triển kinh tế mang tính “mắt xích”. Có nghĩa là tác động riêng rẽ vào một khâu, một “mắt xích” trong chuỗi chứ chưa đồng bộ.. vì vậy chưa đánh giá được rõ nét kết quả ứng dụng đề tài KH&CN tại địa phương.

IV. ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ

- Tổ chức đánh giá hiệu quả các đề tài dự án thường xuyên để kịp thời rút kinh nghiệm nhân ra diện rộng.

- Cần lựa chọn đơn vị, cá nhân có chuyên môn sâu, có uy tín trách nhiệmlàm cơ quan chủ trì, chủ nhiệm đề tài, dự án.

- Lựa chọn thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng, đổi mới công nghệ, đào tạo nhân lực, phù hợp với điều kiện và thế mạnh của địa phương, góp phần tạo ra các sản phẩm đặc thù có lợi thế cạnh tranh trên thị trường.Trong đó tập trung vào nhiệm vụ quản lý, xây dựng, bám sát hoạt động kinh tế - xã hội của thành phố và giải pháp nâng cao tính ứng dụng của các đề tài, dự án.

Trên đây là báo cáo tình hình ứng dụng kết quả thực hiện đề tài KH&CN cấp tỉnh của Ủy ban nhân dân thành phố Hòa Bình./.