DetailController

Thông tin tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện pháp luật

Tình hình chấp hành quy định của pháp luật đất đai đối với việc cho thuê đất, việc sử dụng đất của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình và cá nhân được Nhà nước cho thuê đất trên địa bàn tỉnh Hòa Bình

16/04/2024 16:30
Theo báo cáo của UBND tỉnh, việc cho thuê đất trên địa bàn tỉnh chủ yếu thực hiện các dự án sản xuất vật liệu xây dựng, mở rộng sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ đã được cấp phép đầu tư, chủ trương đầu tư từ thời điểm trước, đến nay mới có nguồn tài chính để giải phóng mặt bằng, triển khai đầu tư dự án. Việc cho thuê đất để thực hiện các dự án thương mại dịch vụ phát triển kinh tế đã được thực hiện chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất; việc thực hiện nghĩa vụ tài chính và đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất được thực hiện đảm bảo các quy định của pháp luật.
Các doanh nghiệp, hợp tác xã chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về đất đai, chuyển đổi cơ cấu đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn

Từ năm 2020 - 2023, thực hiện các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua danh mục các dự án cần thu hồi đất, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã thực hiện thu hồi đất để giải phóng mặt bằng trước khi chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất, cho các doanh nghiệp, Hợp tác xã thực hiện 42 dự án, với tổng diện tích 772,28 ha. Gồm có 21 dự án đã hoàn thành hoặc hoàn thiện một phần, diện tích 21,13 ha; 09 dự án đang thực hiện, diện tích 524,58 ha; 21 dự án chưa triển khai thực hiện hoặc chưa triển khai thực hiện một phần, diện tích 226,47 ha.

Việc thực hiện thu hồi, cho thuê đất, chuyển mục đích đất trồng lúa sang mục đích đất khác được thực hiện theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện đã được phê duyệt và nằm trong danh mục được phép chuyển mục đích theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh. Việc hướng dẫn sử dụng đất trồng lúa khi Nhà nước thu hồi diện tích đất chuyên trồng lúa nước chuyển sang mục đích phi nông nghiệp và việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa đã được Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai thực hiện đảm bảo theo quy định hiện hành. Hàng năm Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố ban hành các văn bản kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thông báo công khai theo kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa tại trụ sở Uỷ ban nhân dân cấp xã, đến thôn, xóm, tổ dân phố, tổ chức tiếp nhận việc đăng ký chuyển đổi của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn; việc chuyển đổi cơ cấu đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn, đã tạo điều kiện cho nhân dân nâng cao giá trị phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Trong những năm qua trên địa bàn tỉnh cơ bản không có hiện tượng chuyển mục đích sử dụng đất trái quy định, không có trường hợp nào không thực hiện nghĩa vụ tài chính mà vẫn được chuyển mục đích sử dụng đất.

Đối với việc chấp hành pháp luật đất đai của người sử dụng đất thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất trồng lúa, Sở Tài nguyên và Môi trường đã hướng dẫn các chủ đầu tư lập bảng kê khai diện tích đất chuyên trồng lúa nước gửi Sở Tài nguyên và Môi trường để xác định diện tích đất chuyên trồng lúa nước đảm bảo theo quy định. UBND các huyện, thành phố hướng dẫn, đôn đốc các tổ chức được nhà nước giao đất lập bản kê khai diện tích đất chuyên trồng lúa nước được nhà nước giao, cho thuê gửi cơ quan tài nguyên và môi trường đề nghị xác định diện tích đất chuyên trồng lúa nước làm căn cứ để xác định số tiền phải nộp. Tổng số doanh nghiệp thuê đất vào mục đích đất nông nghiệp 02 trường hợp; quy mô diện tích 51.225,9 m2; hình thức thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm; thời gian thuê đất theo dự án đầu tư được phê duyệt. Tổng số doanh nghiệp, Hợp tác xã thuê đất vào mục đích đất phi nông nghiệp 77 trường hợp; quy mô diện tích 7.042.122,39 m2; hình thức thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm; thời gian thuê đất theo dự án đầu tư được phê duyệt. Doanh nghiệp, Hợp tác xã thực hiện nộp tiền thuê đất theo Thông báo của cơ quan thuế và Hợp đồng thuê đất đã ký với Sở Tài nguyên và Môi trường vào ngân sách nhà nước.

Trong tổng số 79 doanh nghiệp, Hợp tác xã được Nhà nước cho thuê đất, gồm 02 doanh nghiệp thuê đất vào mục đích đất nông nghiệp; 77 Doanh nghiệp, Hợp tác xã thuê đất vào mục đích đất phi nông nghiệp. Sau khi cơ quan có thẩm quyền bàn giao đất, ký hợp đồng thuê đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định. Đối với các dự án thuê đất mới, sau khi được UBND tỉnh ban hành Quyết định cho thuê đất, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chuyển thông tin sang Cục Thuế ban hành Thông báo đơn giá thuê đất, thực hiện ký hợp đồng thuê đất cho chủ đầu tư đảm bảo về thời gian theo quy định. Đối với các dự án thuê đất đã hết thời gian ổn định đơn giá thuê đất, hàng năm Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát số liệu các doanh nghiệp đã được UBND tỉnh cho thuê đất và số liệu do Cục Thuế gửi đến để thực hiện xác định khu vực, vị trí đất thuê đối với các doanh nghiệp đã hết hạn ổn định đơn giá thuê đất chuyển thông tin để Cục Thuế ban hành Thông báo đơn giá thuê đất cho chu kỳ tiếp theo.

Từ năm 2020 - 2023, UBND các huyện, thành phố, UBND cấp xã theo thẩm quyền quy định đã cho các hộ gia đình, cá nhân thuê 320,40 ha đất nông nghiệp (5%), đất thương mại dịch vụ, đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp, gồm có huyện Tân Lạc cho 12 hộ gia đình thuê đất nông nghiệp (5%), diện tích 84,46 ha. Huyện Yên Thủy cho 01 hộ gia đình thuê đất nông nghiệp, diện tích 2,21 ha; cho 02 hộ gia đình thuê đất thương mại dịch vụ, diện tích 0,32 ha. Huyện Kim Bôi cho 27 hộ gia đình thuê đất nông nghiệp, diện tích 72,47 ha; cho 02 hộ gia đình thuê đất thương mại dịch vụ và đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp, diện tích 0,79 ha. Huyện Lạc Thủy cho 01 hộ gia đình thuê đất thương mại dịch vụ, diện tích 0,32 ha. Huyện Mai Châu cho 01 hộ gia đình thuê đất đất nông nghiệp, diện tích 23,05 ha. Thành phố Hòa Bình cho 209 hộ gia đình thuê đất đất nông nghiệp (5%), diện tích 136,78 ha. Các huyện Lương Sơn, Đà Bắc, Cao Phong và Lạc Sơn không thực hiện cho các hộ gia đình, cá nhân thuê đất nông nghiệp (5%), đất thương mại dịch vụ, đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp tại địa phương.

Bên cạnh đó, việc giám sát, phản ánh và yêu cầu, kiến nghị được thực hiện bảo đảm khách quan, trung thực, đúng pháp luật. Nội dung giám sát của công dân trong quản lý, sử dụng đất đai bao gồm lập, điều chỉnh, công bố công khai, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư;  đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; thu, miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền thuế liên quan đến đất đai; định giá đất; thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất./.