DetailController

Kinh tế

Tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản

06/03/2024 16:30
Hòa Bình là tỉnh miền núi phía Bắc, có nguồn khoáng sản phong phú, với các loại khoáng sản như đá vôi, đất sét, cát đen xây dựng, than, nước khoáng, sắt, vàng. Hiện nay, các mỏ khoáng sản khai thác chủ yếu là đá làm vật liệu xây dựng thông thường, tiêu thụ tại địa phương và các tỉnh lân cận, không có khoáng sản làm hàng hóa xuất khẩu. Đặc điểm điều kiện địa chất của đá làm vật liệu xây dựng và xi măng rất phong phú, có mặt trong nhiều phân vị địa tầng khác nhau với trữ lượng lớn, phân bố khá đồng đều trên địa bàn tỉnh. Trong đó, khoáng sản đá vôi tại khu vực phía nam huyện Lương Sơn có tiềm năng để phát triển các dự án khai thác khoáng sản công nghiệp quy mô lớn.
Các địa phương tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động khai thác khoáng sản

Sau 05 năm thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản. Nhằm tiếp tục tăng cường hiệu, lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản, Thủ tướng Chỉnh phủ ban hành Chỉ thị số 38/CCT-TTg ngày 29/9/2020 về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản. Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 38/CT-TTg ngày 29/9/2020 cửa Thủ tướng chỉnh phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành văn bản số 2141/UBND-NNTN ngày 07/12/2020 về việc triển khai thực hiện chỉ thị số 38/CT-TTg ngày 29/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo các Sở, ban, ngành của tỉnh nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ tại Chỉ thị số 38/CT-TTg ngày 29/9/2020 của Thủ tướng chỉnh phủ. Qua đó, hoạt động khai thác khoáng sản dần đi vào nền nếp, mang lại hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản.

Ủy ban nhân dân tỉnh đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1648/QĐ-TTg ngày 20/12/2023. Theo đó về phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản được định hướng tiếp tục thực hiện các dự án thăm dò khai thác khoáng sản đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thực hiện trên địa bàn tỉnh và các quy hoạch còn hiệu lực trong giai đoạn trước. Triển khai khoanh định, thăm dò, quy hoạch khai thác tài nguyên khoáng sản. Cụ thể khoáng sản làm vật liệu xây dựng: 73 điểm mỏ đá làm vật liệu xây dựng, 44 điểm mỏ sét làm gạch ngói, 10 điểm mỏ cát xây dựng, 20 điểm mỏ đá vôi xi măng, 29 điểm mỏ sét xi măng, 07 điểm mỏ laterit. Khoáng sản làm vật liệu san lấp 79 điểm mỏ đất san lấp. Khoáng sản kim loại 23 điểm mỏ sắt, 17 điểm mỏ đồng, 17 điểm mỏ chì kẽm, 05 điểm mỏ quặng đa kim, 06 điểm mỏ vàng, 02 điểm mỏ antimon, 01 điểm mỏ khoáng sản niken; 05 điểm mỏ khoáng sản pyrit. Khoáng sản phi kim 02 khu vực cao lanh, felpat phân tán, nhỏ lẻ, 09 khu vực khai thác khoáng chất công nghiệp (talc), 12 điểm nước khoáng nóng, 25 điểm quặng than, 01 điểm quarzit. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ có liên quan để xác định khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản. Khu vực khoanh định cấm hoạt động khoáng sản gồm 2.091 khu vực, điểm, tuyến cấm hoạt động khoáng sản với diện tích 237.369,10 ha. Khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, bao gồm khu vực di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh chưa được xếp hạng, đang chờ xếp hạng hoặc chưa được khoanh vùng bảo vệ 152 khu vực với tổng diện tích 270,0 ha. Việc triển khai thực hiện nhiệm vụ trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được gắn với điều kiện phát triển của từng địa phương. Các dự án được chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác thực hiện đúng trình tự, thủ tục và thống nhất, đồng bộ với trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất. Các dự án được chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trồng rừng thay thế theo quy định tại Luật Lâm nghiệp 2017.

Các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản được Ủy ban nhân dân tỉnh cấp phép đã thực hiện nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là 78 tỷ 177 triệu đồng. Trong công tác đôn đốc việc chấp hành nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, căn cứ chức năng nhiệm vụ rà soát, đôn đốc việc nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và đề xuất xử lý đối với hành vi không chấp hành nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với các tổ chức, cá nhân không chấp hành đầy đủ yêu cầu các sở, ngành chức năng, dừng sử dụng hóa đơn, dừng sử dụng giấy phép vật liệu nổ công nghiệp; tổng hợp, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh tước quyền sử dụng giấy phép khai thác khoáng sản, thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản, chấm dứt hoạt động khai thác theo quy định hiện hành hoặc tiến hành xử lý theo quy định. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành phương án bảo vệ cát, sỏi lòng sông chưa khai thác trên địa bàn tỉnh và các văn bản chỉ đạo các ngành, các cấp trong công tác quản lý hoạt động khai thác cát, sỏi, lòng sông trên địa bàn; giao các sở, ngành, đơn vị căn cứ chức năng nhiệm vụ để triển khai thực hiện hiệu quả, đồng bộ. Đặc biệt tăng cường quản lý cát, sỏi lòng sông đối với vùng giáp ranh để kịp thời trao đổi thông tin, phát hiện vi phạm và xử lý kịp thời tình trạng khai thác khoáng sản cát, sỏi lòng sông trái phép, kiên quyết ngăn chặn, tiến tới chấm dứt tình trạng khai thác khoáng sản trái phép. Công tác kiểm tra, thanh tra phối hợp thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với các hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản và các quy định của pháp luật khác có liên quan được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật hiện hành, từ đó hạn chế được tình trạng khai thác khoáng sản trái phép; chấn chỉnh, xử lý kịp thời, nghiêm túc các vi phạm trong quản lý và hoạt động khoáng sản, từng bước đưa các hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh đi vào nề nếp đúng quy định và đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho địa phương.

Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát đường thủy, Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường thuộc Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị có liên quan, chính quyền các cấp ngăn chặn hiệu quả và xử lý nghiêm theo quy định đối với các hành vi khai thác khoáng sản trái phép, vận chuyển và kinh doanh khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp, đặc biệt là khoáng sản cát, sỏi lòng sông trên địa bàn. Nghiêm cấm lợi dụng việc nạo vét, khơi thông luồng để khai thác cát, khai thác khoáng sản trái phép. Để giải quyết tình trạng khai thác trái phép cát ở hạ lưu sông Đà, khu vực xã Thịnh Minh, thành phố Hòa Bình, Công an tỉnh tiếp tục duy trì Tổ công tác liên ngành do lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy làm nòng cốt, tăng cường tuần tra kiểm soát, phát hiện xử lý các vụ việc vi phạm. Ngoài ra, các đơn vị chức năng trong Công an tỉnh tiếp tục duy trì thực hiện nghiêm Quy chế phối hợp mà Công an tỉnh Hòa Bình đã ký kết với Công an thành phố Hà Nội và Công an các tỉnh liên quan trong công tác đấu tranh phòng, chống khai thác cát sỏi trái phép trên tuyến sông Đà. Qua đó hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát, không nảy sinh phức tạp. Đối với các khu vực mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân tỉnh việc thẩm định và phê duyệt báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản được thực hiện theo đúng quy định. Đối với các tổ chức, cá nhân sau khi được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt trữ lượng trong báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản, cơ quan chức năng của tỉnh đã hướng dẫn, yêu cầu các tổ chức, cá nhân thực hiện nộp lưu trữ địa chất tại Trung tâm Thông tin, Lưu trữ và Bảo tàng Địa chất thuộc Cục Địa chất Việt Nam theo quy định./.