
Kết quả đáng ghi nhận
Thực hiện nhiệm vụ được giao, năm qua, các lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra và phối hợp kiểm tra các tổ chức, cá nhân hoạt động SX-KD, các tụ điểm tập kết hàng hóa, kho tàng, bến bãi, các tuyến giao thông trọng điểm trên địa bàn. Theo đó, toàn tỉnh đã kiểm tra được 4.019 cơ sở, xử lý 2.262 vụ, tiền phạt vi phạm hành chính và trị giá hàng thanh lý trên 47 tỷ đồng, trong đó tiền phạt vi phạm hành chính hơn 15 tỷ đồng, tiền phạt, truy thu thuế trên 32 tỷ đồng, tiền bán thanh lý hàng tịch thu 197 triệu đồng. Việc kiểm tra, kiểm soát thị trường được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, đánh trúng, đúng các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Qua đó đã phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm mang tính chất điển hình như: vụ chiết xuất ga tại Công ty Phúc Khang; vụ phát hiện vận chuyển động vật hoang dã thu 118 cá thể tê tê với trọng lượng 550 kg …
Thành tích trong "cuộc chiến” chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại trong năm qua có sự phối hợp của nhiều ngành, lực lượng. Trong đó, ngành Công Thương đã thực hiện 3.324 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 1.566 hành vi. Tổng tiền phạt và trị giá hàng tịch thu gần 3, 2 tỉ đồng. Công an tỉnh góp sức với việc phát hiện 12 vụ buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép, tịch thu trên 20 m3 gỗ các loại, xử phạt vi phạm hành chính trên 325 triệu đồng, trị giá hàng hóa tịch thu khoảng 200 triệu đồng; phát hiện, bắt giữ 3 vụ khai thác khoáng sản (cát) trái phép, chuyển xử phạt hành chính 90 triệu đồng; phát hiện 90 đầu mối, vụ việc về buôn bán hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại. xử phạt hành chính 448,3 triệu đồng, tịch thu hàng hóa trị giá 500 triệu đồng. Lực lượng Kiểm lâm vào cuộc tích cực trong việc ngăn chặn các hành vi buôn bán hàng cấm, theo đó, xử lý 72 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 491,6 đồng, tiền bán thanh lý hàng tịch thu 197,1 triệu đồng, trị giá tang vật tịch thu trong kỳ chưa thanh lý 89.6 triệu đồng; phương tiện tịch thu gồm 15 xe máy và 11 cưa xăng...
Những khó khăn cần được sẻ chia
Trong bối cảnh tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng cấm trên địa bàn luôn diễn biến phức tạp, lực lượng làm công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý luôn rơi vào thế khó và cần sự trợ giúp. Cái khó chung mà lực lượng công an, kiểm lâm, quản lý thị trường đều gặp phải đó là biên chế của lực lượng thực thi nhiệm vụ mỏng, địa bàn rộng. Công tác nắm bắt thông tin, dự báo tình hình thị trường chưa kịp thời, dẫn đến việc kiểm tra, kiểm soát chưa đạt hiệu quả cao, nhất là trong lĩnh vực chống hàng giả. Công tác báo cáo, cung cấp thông tin và trao đổi phối hợp trong thực thi nhiệm vụ thực hiện chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật chuyên dùng, công cụ hỗ trợ phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý vi phạm còn thiếu, chưa đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; kho chứa hàng và lò tiêu hủy chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay. Kinh phí hoạt động còn thiếu, chưa đảm bảo phục vụ công tác, chế độ đãi ngộ cho công chức thấp. ý thức tự giác chấp hành các quy định pháp luật trong lĩnh vực thương mại của một số tổ chức, cá nhân kinh doanh chưa tốt; thậm chí còn có doanh nghiệp, cá nhân có hành vi chống đối hoặc cản trở việc thực thi nhiệm vụ của cơ quan chức năng. Chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe, chủ yếu vẫn là xử lý vi phạm hành chính.
Đồng chí Lưu Đức Hùng, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường TP Hòa Bình cho biết: Thành phố là thị trường sôi động nhất, theo đó hoạt động buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng, hàng vi phạm về nhãn… cũng phổ biến. Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ quản lý thị trường, Đội Quản lý thị trường thành phố Hòa Bình đã phân công cụ thể từng công chức, kiểm soát viên trong Đội đảm bảo thực hiện tốt công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường. Thường xuyên kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bình ổn thị trường, phát hiện và xử lý các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, tung tin thất thiệt gây rối loạn thị trường. Năm 2017, Đội quản lý thị trường thành phố đã tổ chức kiểm tra 696 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 244 vụ. Tổng giá trị tiền phạt và giá trị hàng hóa tịch thu 544,7 triệu đồng. Trong đó phạt vi phạm hành chính 466,9 triệu đồng, trị giá hàng hóa tịch thu, tiêu hủy 77 triệu đồng. Công tác quản lý, bảo vệ và xử lý các tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu về cơ bản đảm bảo nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, điều kiện cơ sở vật chất để quản lý, bảo vệ tang vật tạm giữ, tịch thu chưa đáp ứng yêu cầu, vì vậy rất khó khăn khi tiến hành tạm giữ, tịch thu các mặt hàng kinh doanh có điều kiện, các mặt hàng tươi sống, như: khí dầu mỏ hóa lỏng, thuốc tân dược, thuốc bảo vệ thực vật, hoa quả và các sản phẩm tươi sống khác cần điều kiện bảo quản đặc biệt…