DetailController

Chỉ đạo điều hành

Thực hiện một số giải pháp phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế

04/05/2024 16:30
Ngày 04/5/2024, UBND tỉnh ban hành Công văn số 652/UBND-NVK về việc thực hiện một số giải pháp phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành của tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các nội dung sau:

Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trọng tâm là: Các nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại các phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; các vản bản của Trung ương, của tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán… Phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện nghiêm quy định về xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Xây dựng văn hoá liêm chính, tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, đảng viên có chức vụ. Chỉ đạo khắc phục tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám làm, làm việc cầm chừng, thiếu quyết liệt của một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là lãnh đạo, quản lý các cấp.

Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là trách nhiệm của tập thể và cá nhân người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường tự kiểm tra nội bộ và công tác thanh tra, kiểm tra công vụ về thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp tham nhũng, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính; đồng thời, chú trọng giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của các tổ chức và công dân có liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về tham nhũng, tiêu cực.

Quan tâm, chú trọng thực hiện tốt công tác tổ chức, cán bộ để phòng ngừa tội phạm, vi phạm về tham nhũng, kinh tế. Đánh giá, lựa chọn, bố trí đúng cán bộ, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có đủ năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, khoá XII; Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”; Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các tầng lớp Nhân dân, trong đó tập trung tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến đất đai, tài nguyên, khoáng sản, môi trường. Phát huy vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cơ quan truyền thông, báo chí và Nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Phát động mạnh mẽ phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; vận động Nhân dân tích cực tham gia phát hiện, phản ánh, tố cáo, cung cấp thông tin về cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, có hành vi tham nhũng, tiêu cực đến cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định. Khen thưởng, động viên kịp thời người phát hiện, tố cáo đúng các hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tăng cường quản lý, kiểm tra các hoạt động đấu thầu mua sắm trang thiết bị từ nguồn ngân sách nhà nước, bảo đảm cạnh tranh công bằng, minh bạch, tránh gây thất thoát tài sản nhà nước. Thực hiện nghiêm quy trình, quy định về thẩm định dự án sử dụng ngân sách nhà nước. Xây dựng phương án đảm bảo nguồn lực triển khai thực hiện nhóm tiêu chí hạ tầng kinh tế - xã hội trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tránh nợ đọng. Việc huy động đóng góp để xây dựng nông thôn mới phải công khai, minh bạch, tránh tình trạng chạy theo “thành tích” mà huy động quá sức dân, thu trái quy định, dẫn đến sai phạm của cán bộ và bức xúc trong Nhân dân. Các dự án thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia phải công khai, minh bạch, lựa chọn khách quan, sát nhu cầu của người dân và được Nhân dân giám sát thực hiện.

Sở Tài nguyên và Môi trường nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực quản lý đất đai; rà soát lại các quy định nội bộ về phân công nhiệm vụ đối với công chức, viên chức, người lao động tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai theo hướng rõ vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của cán bộ công chức là người đứng đầu, viên chức quản lý khi thi hành công vụ trong lĩnh vực đất đai. Tăng cường thanh tra, kiểm tra kịp thời phát hiện các vi phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai nói chung và công tác thu hồi đất, giao đất nói riêng để kịp thời chấn chỉnh, phòng ngừa sai phạm ngay từ cơ sở. Rà soát toàn bộ các dự án được giao, cho thuê đất rừng trên địa bàn tỉnh để phát hiện, chấn chỉnh sai phạm. Đồng thời, thống kê, rà soát lại toàn bộ diện tích, vị trí chồng lấn giữa 3 loại rừng, các vị trí có tranh chấp ranh giới giữa các đơn vị hành chính và với các dự án đầu tư, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về đất đai,…

Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện hiệu quả chức năng quản lý Nhà nước đối với các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, tăng cường giám sát, đánh giá đầu tư, nhất là đối với các dự án sử dụng diện tích đất lớn, những dự án sau khi có chủ trương nhưng không triển khai thực hiện, chậm triển khai, đầu tư không hiệu quả, có dấu hiệu lợi dụng chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đối với ngành nghề và địa bàn được ưu đãi để trục lợi.

Cục Thuế tỉnh tăng cường công tác quản lý thuế, giám sát chặt chẽ đối với các doanh nghiệp không có hoạt động sản xuất kinh doanh, không có hoạt động mua hàng đầu vào mà chỉ có hoạt động xuất hoá đơn đầu ra, hoặc số lượng xuất hoá đơn đặc biệt lớn. Có các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn việc đối tượng sử dụng giấy tờ người khác để thành lập doanh nghiệp. Phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc siết chặt thực hiện các quy định pháp luật về định danh đối với số điện thoại, tài khoản ngân hàng để hạn chế, ngăn chặn việc sử dụng sim rác, tài khoản không chính chủ thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trên lĩnh vực thuế và hoá đơn.

Thanh tra tỉnh tăng cường thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng, lãnh phí; tăng cường thanh tra đột xuất, chuyên đề, kịp thời phát hiện vi phạm pháp luật và tội phạm để kiến nghị xử lý hoặc cung cấp, thông báo cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật, đặc biệt là tội phạm kinh tế, tham nhũng. Theo dõi chặt chẽ, thường xuyên đôn đốc việc thực hiện các kết luận, quyết định và kiến nghị sau thanh tra.

Công an tỉnh tăng cường công tác phối hợp, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm; chú trọng giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố, phát hiện xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật; đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc về kinh tế, tham nhũng xảy ra trên địa bàn, nhất là các vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng, dư luận xã hội quan tâm, thuộc diện Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh theo dõi, chỉ đạo.

UBND tỉnh đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Toà án nhân dân tỉnh phối hợp Công an tỉnh đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án về tham nhũng, kinh tế, nhất là các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, thuộc diện Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh theo dõi, chỉ đạo.

Giao Công an tỉnh có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện; tổng hợp kết quả, tham mưu báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo quy định./.