DetailController

Hoạt động của lãnh đạo tỉnh

Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2023

02/01/2024 15:22
Chiều 30/12, tại Thủ đô Hà Nội, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2023 về chủ đề: Nông dân là chủ thể, trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới xanh, bền vững. Tham gia Hội nghị có đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương. Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành tỉnh; đại diện nông dân, hộ nông dân, hợp tác xã tiêu biểu của tỉnh.
Đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết, qua 4 lần tổ chức Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân, nhiều vấn đề tồn tại, khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực hiện chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương tập trung giải quyết, tạo sự chuyển biến rõ nét trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới, được đông đảo nông dân đồng thuận và tích cực hưởng ứng tham gia. Đó là nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tổ chức sản xuất nông nghiệp hiện đại theo chuỗi giá trị; tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao; chính sách khuyến khích, hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn; hỗ trợ nông dân, nhất là nông dân trẻ khởi nghiệp; chính sách an sinh xã hội, quản lý, kiểm tra, giám sát việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp.

Tại Hội nghị, đã có hơn 2.000 câu hỏi, đề xuất, kiến nghị của bà con nông dân gửi đến người đứng đầu Chính phủ, các bộ, ngành. Trong đó, nhiều câu hỏi tập trung vào chủ đề thời sự hiện nay: Phát huy vai trò của nông dân là chủ thể, là trung tâm trong phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng NTM xanh, bền vững; giải pháp gia tăng giá trị của ngành nông nghiệp, thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn, gắn với việc đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, thương hiệu nông sản; các vấn đề liên quan đến an sinh xã hội của người nông dân.

Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ban, ngành đã trực tiếp trả lời các vấn đề mà nông dân nêu. Thủ tướng khẳng định: Thời gian qua lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được Đảng, Chính phủ có nhiều chính sách, cơ chế hỗ trợ do đây là mặt trận hàng đầu của kinh tế nước ta. Tuy nhiên đến nay vẫn còn một số hạn chế, quy mô sản xuất còn nhỏ, thiếu bền vững... Vì vậy để xây dựng nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thời gian tới Chính phủ, các Bộ, ngành cần xây dựng cơ chế, chính sách nhằm tăng cường đào tạo nguồn nhân lực trong nông nghiệp nông thôn; khuyến khích chuyển đổi phương thức sản xuất của nông dân theo hướng chuyên nghiệp, lấy nội lực là cơ bản, là lâu dài, quyết định. Hỗ trợ cải thiện toàn diện đời sống nông dân và cư dân nông thôn. Phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái; phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn. Tập trung đầu tư, xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại gắn với đô thị hóa. Hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác quốc tế, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản cho nông dân.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gợi mở các giải pháp, chỉ đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương, chính quyền địa phương tập trung tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, để nông dân yên tâm đầu tư sản xuất - kinh doanh, phát huy sáng tạo, thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới xanh, bền vững. Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo các Bộ, ngành, chính quyền địa phương nhanh chóng giải quyết vướng mắc, trăn trở của bà con nông dân, nhu cầu chính đáng của doanh nghiệp, hợp tác xã, góp phần tiến tới xây dựng chuỗi giá trị liên kết, thúc đẩy chuyển đổi số nông nghiệp, xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh./.