DetailController

Kinh tế

Tháng 10: Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh duy trì ổn định

01/11/2023 16:30
Trong tháng 10, tình hình kinh tế của tỉnh tiếp tục duy trì ổn định và có bước phát triển. Một số lĩnh vực đã có chuyển biến tích cực và phát triển so với cùng kỳ năm trước. Kết quả cụ thể trên các lĩnh vực như sau:
Trong tháng 10, tình hình phát triển sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh được duy trì ổn định

Trong lĩnh vực kinh tế, tình hình phát triển sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh được duy trì ổn định. Các địa phương tập trung thu hoạch các loại cây trồng vụ Mùa - Hè thu, làm đất gieo trồng cây vụ Đông; đến nay, toàn tỉnh đã gieo trồng được 45.622 ha, bằng 102,5% so với kế hoạch. Các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, triển khai tiêm vắc xin các loại cho gia súc, gia cầm được tăng cường. Nuôi trồng thủy sản tiếp tục phát triển ổn định trên 2.697 ha nước mặt và 4.950 lồng cá. Công tác chăm sóc, khoanh nuôi, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng được quan tâm; thường xuyên tổ chức tuyên truyền Luật Lâm nghiệp và các văn bản liên quan đến công tác quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, quản lý lâm sản.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 10/2023 ước tăng 1,59% so với cùng kỳ năm trước, giảm 20,76% so với tháng 9/2023. Lũy kế 10 tháng đầu năm ước giảm 8% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 10/2023 ước đạt 5.515 tỷ đồng, tăng 0,73% so với tháng trước; lũy kế 10 tháng đạt 47.370 tỷ đồng, thực hiện 76,41% kế hoạch năm. Kim ngạch xuất khẩu tháng 10 ước đạt 155,9 triệu USD, tăng 1,43% so với tháng trước; lũy kế 10 tháng đầu năm ước đạt 1.380,7 triệu USD, tăng 16,9% so với cùng kỳ, đạt 81,46% so với Nghị quyết của Tỉnh ủy năm 2023. Kim ngạch nhập khẩu tháng 10 ước đạt 109 triệu USD, tăng 1,92% so với tháng trước; lũy kế 10 tháng đầu năm ước đạt 1.004,9 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ, đạt 81,77% so với Nghị quyết của Tỉnh ủy năm 2023. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 giảm 0,35% so với tháng trước, tăng 2,23% so với tháng 12/2022 và tăng 2,24% so với cùng kỳ năm trước.

Thu ngân sách Nhà nước ước thực hiện đến hết tháng 10/2023 đạt 2.958,1 tỷ đồng, bằng 56% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 41% so với chỉ tiêu Nghị quyết Tỉnh ủy năm 2023 và bằng 69% so với cùng kỳ năm trước. Thu ngân sách địa phương ước đạt 18.886,5 tỷ đồng. Chi ngân sách địa phương ước đạt 10.774,7 tỷ đồng. Ước đến 31/10/2023, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng tăng 9,1% so với cuối năm 2022; tổng dư nợ toàn địa bàn ước tăng 9,8% so với năm 2022; nợ xấu toàn địa bàn chiếm 1,53% tổng dư nợ.

Kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước năm 2023 của tỉnh Hòa Bình được Thủ tướng Chính phủ giao là 10.091 tỷ đồng; số vốn đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua là 10.220 tỷ đồng, đến nay đã thực hiện giao vốn đạt 100% kế hoạch. Đến ngày 30/9/2023 đã giải ngân được 1.458,3 tỷ đồng, đạt 14% kế hoạch vốn đã được giao chi tiết cho các dự án.

Trong tháng phê duyệt chủ trương đầu tư 01 dự án mới với tổng vốn đăng ký khoảng 32 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có 739 dự án đang hoạt động, trong đó có 36 dự án đầu tư vốn nước ngoài với tổng vốn khoảng 608 triệu USD và 703 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn khoảng 263.420 tỷ đồng.

Có 41 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 926,7 tỷ đồng; có 25 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, 26 doanh nghiệp xóa tên trên hệ thống đăng ký doanh nghiệp và 04 doanh nghiệp hoạt động trở lại.

Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch dạy và học năm học 2023-2024 và chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tổ chức kỳ thi chọn đội tuyển cấp tỉnh dự thi học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2023-2024. Tổ chức tập huấn xây dựng môi trường trong lớp học theo hướng xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm; bồi dưỡng làm đồ dùng dạy học, đồ chơi học tập và trang trí nhóm lớp cho cán bộ quản lý và giáo viên mầm non; giải Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học bằng máy tính cầm tay (Máy tính Casio); mô hình trường học mở KAV trên nền tảng Khan Academy dành cho cấp tiểu học; chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý dạy và học cấp Tiểu học.

Lãnh đạo tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, cổ động, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, nhất là các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn và phục vụ các sự kiện chính trị của đất nước, địa phương. Công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa được quan tâm. Trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định hồ sơ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đối với di tích Hang xóm Trại và di tích Mái đá Làng Vành, huyện Lạc Sơn; tiếp tục hoàn thiện hồ sơ Quốc gia Mo Mường chuẩn bị trình thẩm định hồ sơ Quốc gia Di sản văn hóa Mo Mường đệ trình UNESCO và Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền Văn hóa Hòa Bình giai đoạn 2023 – 2030”. Các hoạt động quảng bá, xúc tiến, thông tin du lịch được chú trọng. Thực hiện khảo sát, đánh giá thực trạng Khu du lịch hồ Hòa Bình; khảo sát, đánh giá tiềm năng du lịch, lựa chọn xây dựng các sản phẩm du lịch mới, đặc trung và quảng bá, xúc tiến, truyền thông du lịch cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc huyện Mai Châu; tổ chức lớp tập huấn tiếng Anh và kỹ năng về dịch vụ du lịch cộng đồng OCOP năm 2023; chuẩn bị các nội dung tổ chức Liên hoan các làng du lịch cộng đồng 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng năm 2023. Công tác thể dục - thể thao, lĩnh vực gia đình tiếp tục được các cấp, các ngành, các địa phương tổ chức thực hiện.

Lãnh đạo ngành Y tế tổ chức trực 24/24 bảo đảm tất cả người bệnh cấp cứu được khám và điều trị kịp thời. Các hoạt động khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân được duy trì và thực hiện tốt. Công tác phòng, chống dịch bệnh được triển khai tích cực. Chủ động giám sát các bệnh truyền nhiễm gây dịch trên địa bàn; tăng cường các biện pháp phòng, chống cúm gia cầm lây sang người; tiếp tục thực hiện nghiêm việc phân luồng khám, cách ly, điều trị bệnh nhân và các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm với cán bộ y tế, người chăm sóc bệnh nhân, các bệnh nhân khác tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Công tác phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tiếp tục được đẩy mạnh; đến nay, số người tham gia bảo hiểm xã hội là 92.660 người, tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 70.600 người, tham gia bảo hiểm y tế là 778.427 người, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 88,46% dân số toàn tỉnh.

Lãnh đạo thực hiện tốt các giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động, tập trung phát triển thị trường lao động, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, kết nối cung - cầu lao động; hỗ trợ các đơn vị tuyển chọn lao động trong tỉnh đi làm việc tại nước ngoài; cung ứng, giới thiệu lao động cho các công ty và các doanh nghiệp. Lãnh đạo thực hiện tốt công tác đảm bảo an sinh xã hội và chính sách đối với người có công. Các chế độ tiền trợ cấp ưu đãi, chính sách trợ giúp của các đối tượng người có công, đối tượng xã hội, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và hộ nghèo phải được thực hiện công khai kịp thời, đầy đủ, đến tận tay đối tượng, tránh trùng lặp, chồng chéo, không để lợi dụng, trục lợi chính sách, bảo đảm tất cả các đối tượng chính sách đều có quà. Công tác lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội và an toàn, vệ sinh lao động của người lao động tiếp tục được thực hiện tốt; các chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động được triển khai đảm bảo đúng quy định. Công tác giảm nghèo, bảo trợ xã hội và an sinh xã hội được các ngành, các địa phương quan tâm. Duy trì tốt công tác quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội và công tác tăng gia sản xuất, lao động trị liệu góp phần cải thiện, nâng cao đời sống cho đối tượng tại trung tâm.

Trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và hoạt động đối ngoại: Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TU, ngày 22/12/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương năm 2023. Duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu. Kiểm tra việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương đối với Ban Thường vụ Huyện ủy các huyện: Kim Bôi, Lạc Thủy. Tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ, phòng chống khủng bố tại huyện Kim Bôi và huyện Yên Thủy; chuẩn bị tốt các nội dung tổ chức diễn tập bảo đảm trong khu vực phòng thủ tại Sở Tài chính. Chỉ đạo diễn tập chiến đấu xã, phường, thị trấn trong khu vực phòng thủ cho 52/52 đơn vị, đảm bảo nội dung, chương trình đề ra, an toàn truyệt đối. Tổ chức bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho các đối tượng theo kế hoạch.

Lãnh đạo thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 33-CT/TU, ngày 22/12/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo an ninh, trật tự năm 2023; Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an tỉnh Hòa Bình thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn 2030. Hoàn thành nội dung giám sát việc thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW, ngày 22/6/2015 của Bộ Chính trị khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo an ninh, trật tự trong tình hình mới đối với Ban Thường vụ Huyện ủy các huyện: Lạc Sơn, Lạc Thủy. Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Trong tháng xảy ra và phát hiện 87 vụ phạm pháp hình sự, tăng 40,3% so với tháng trước; đã điều tra khám phá 73/87 vụ phạm pháp hình sự, đạt tỷ lệ 84%, án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng khám phá đạt 100%. Lãnh đạo thực hiện hoạt động đối ngoại trên các lĩnh vực, tiếp tục triển khai các thỏa thuận đã ký kết. Tổ chức các đoàn công tác đi xúc tiến, đầu tư với một số địa phương của Vương quốc Anh, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết đón, tiếp đoàn Tổng thống Mông Cổ và phu nhân thăm tỉnh Hòa Bình./.