DetailController

Kinh tế

Tập trung thực hiện quyết liệt đồng bộ 4 đột phá chiến lược của tỉnh

22/11/2023 16:30
Ngay từ đầu năm 2023, tỉnh đã tập trung thực hiện 4 khâu đột phá chiến lược gồm: Quy hoạch; đẩy mạnh cải cách hành chính; phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển nguồn nhân lực; hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại.
Tỉnh tập trung hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại

Đến nay, tỉnh đã hoàn thành công tác lập Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung Quy định một số nội dung về quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình; ban hành Chỉ thị của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý quy hoạch và trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh và lập các đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch phân khu trên địa bàn tỉnh. Thực hiện rà soát quy hoạch các khu công nghiệp của tỉnh đến năm 2030; triển khai thủ tục lập quy hoạch phân khu các khu công nghiệp theo quy định. Công tác cải cách hành chính tiếp tục được chỉ đạo xuyên suốt, linh hoạt và toàn diện, từng bước đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân trong tỉnh. 100% TTHC của các cấp, các ngành đều được tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả qua Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh. Cổng Dịch vụ công của tỉnh đã hợp nhất với Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh thành Hệ thống thông tin giải quyết TTHC và kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Chỉ đạo tập trung phân tích, giải quyết những hạn chế để nâng cao chỉ số PAPI, PAR Index, SIPAS của tỉnh. Thực hiện tốt công tác chỉ đạo quản lý tổ chức bộ máy theo quy định. Công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức được các cấp, các ngành trong tỉnh đặc biệt quan tâm. Kết quả, một số lĩnh vực CCHC của tỉnh đã đạt được kết quả nổi bật như hoàn thành vượt mức chỉ tiêu giảm biên chế công chức, viên chức giai đoạn 2015 -2021; Bộ Chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công của tỉnh 11 tháng xếp thứ 02/63 tỉnh, thành phố. Công tác số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết được đẩy mạnh tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp huyện, cấp xã. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến toàn trình và dịch vụ công trực tuyến một phần trên tổng số hồ sơ đạt 97%; tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình và dịch vụ công trực tuyến một phần trên tổng thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết lên cổng dịch vụ công quốc gia đạt 68%.

Tổ chức triển khai thực hiện các kế hoạch, chương trình đẩy mạnh giáo dục nghề nghiệp như: kế hoạch nâng cao năng lực của các cơ sở GDNN nhằm đẩy mạnh công tác tuyển sinh và chất lượng đào tạo năm 2023; các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất trên địa bàn tỉnh; kế hoạch về Hỗ trợ thanh niên tỉnh Hòa Bình khởi nghiệp giai đoạn 2023 - 2030; Kế hoạch về Hỗ trợ nâng cao năng lực ngoại ngữ và hội nhập quốc tế cho thanh thiếu nhi tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2022 - 2030. Nâng cao năng lực của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) nhằm đẩy mạnh công tác tuyển sinh và chất lượng đào tạo năm 2023; gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài nước; tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp. Đa dạng các hình thức tư vấn, hướng nghiệp, gắn nội dung giáo dục hướng nghiệp với thực tiễn địa phương. Tiếp tục đẩy mạnh hình thức liên kết đào tạo; điều chỉnh cơ cấu ngành nghề, thực hiện đào tạo theo nhu cầu của các ngành và các doanh nghiệp. Đẩy mạnh thực hiện các nội dung về GDNN trong 03 Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh. Kết quả tuyển sinh đào tạo năm 2023 ước đạt 15.800 người, đạt 102% so với kế hoạch năm, trong đó: trình độ cao đẳng, trung cấp ước đạt 3.350 người; Sơ cấp và dạy nghề thường xuyên dưới 3 tháng ước đạt 12.450 lượt người. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức được chú trọng. Xem xét, tổ chức mở được 63 lớp bồi dưỡng với 4.398 lượt học viên.

Bên cạnh việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách Nhà nước, tiếp tục tập trung huy động các nguồn vốn để đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm, ưu tiên đầu tư phát triển vùng động lực, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông liên vùng, giao thông nông thôn; hạ tầng khu, cụm công nghiệp, đô thị, khu, điểm du lịch quốc gia,... Thường xuyên quan tâm, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục và thực hiện các dự án trọng điểm của tỉnh như: Đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu), Cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn từ Km19+000-Km53+000 trên địa bàn tỉnh Hoà Bình, Đường nối từ đường Trần Hưng Đạo đến xã Dân Chủ kết nối với Quốc lộ 6; cải tạo nâng cấp đường tỉnh 436 đoạn Km0 - Km7; Đường kết nối thị trấn Lương Sơn - Xuân Mai Hà Nội (giai đoạn 1); Đường từ Quốc lộ 6 đến khu công nghiệp Nhuận Trạch huyện Lương Sơn. Công tác quản lý đầu tư xây dựng, quản lý và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông tiếp tục được chú trọng; thường xuyên duy tu bảo dưỡng đảm bảo cho các tuyến đường trên địa bàn tỉnh được thông suốt, đi lại thuận tiện. Ban hành các Quyết định phê duyệt Chương trình phát triển đô thị tỉnh Hòa Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 . Đến cuối năm 2023, tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh ước đạt 34,8%, tỷ lệ dân số thành thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung ước đạt 95%.

Hiện tại tỉnh Hòa Bình có 1.915 công trình và hệ thống công trình thủy lợi và được đầu tư xây đảm bảo phục vụ tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, 3.723,3 km kênh mương tưới các loại, đã kiên cố hoá đạt 57,1%, trên 48,92 km đê các cấp thuộc các huyện Lương Sơn, Yên Thủy và thành phố Hòa Bình; có 544 hồ chứa thủy lợi các loại đảm bảo an toàn trước mùa mưa lũ năm 2023. Hệ thống đê điều được quan tâm đầu tư nâng cấp và mở rộng đảm bảo khả năng chống lũ đồng thời góp phần tạo cảnh quan đẹp cho địa phương. Tiếp tục chỉ đạo tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án như đê ngăn lũ kết hợp giao thông Pheo Chẹ, Kè chống sạt lở khu vực Tổ 26, phường Đồng Tiến, thành phố Hòa Bình,...Chỉ đạo lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn để đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các công trình cấp nước sạch tập trung cho các xã, cụm xã, các khu đông dân cư. Thúc đẩy triển khai thực hiện các dự án phát triển nguồn và lưới điện trên địa bàn, đảm bảo cung ứng điện đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho sản xuất và đời sống của người dân. Hoàn thành các thủ tục đầu tư để khởi công công trình nâng cấp, cải tạo hệ thống lưới điện khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh; Thường xuyên theo dõi, tạo điều kiện thuận lợi cho Tập đoàn EVN đẩy nhanh tiến độ dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng./.