DetailController

Kinh tế

Tập trung phát triển nguồn lực hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại

19/03/2024 16:50
Thực hiện Kế hoạch số 08-KH/TU, ngày 24/12/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 15/01/2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế, thời gian qua tỉnh Hòa Bình đã lãnh đạo tập trung huy động các nguồn vốn để đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất và hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó ưu tiên các dự án hạ tầng trọng điểm, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; ưu tiên đầu tư phát triển vùng động lực, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông liên vùng, giao thông nông thôn; hạ tầng khu, cụm công nghiệp, đô thị, khu, điểm du lịch quốc gia,..
Tỉnh Hòa Bình tập trung nguồn lực để xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại

Về kết cấu hạ tầng giao thông: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có tổng số 10.998,17 km đường bộ, trong đó: Có 7 tuyến Quốc lộ, 6 tuyến đường 229 và 21 tuyến đường tỉnh với tỷ lệ bê tông hóa, nhựa hóa đạt 100%; 71 tuyến đường huyện với tỷ lệ bê tông hóa, nhựa hóa đạt 99,49%; 1.231,69 km đường xã, liên xã với tỷ lệ bê tông hóa, nhựa hóa đạt 89,36%; 2.709 km đường trục thôn, xóm với tỷ lệ bê tông hóa, nhựa hóa đạt 83,25%; 2.135,3 km đường trục chính nội đồng với tỷ lệ cứng hóa đạt 19,67%;... Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 02 tuyến sông khai thác vận tải thủy nội địa, trong đó tuyến đường thủy nội địa quốc gia sông Đà dài 103 km và tuyến đường thủy nội địa địa phương sông Bôi dài 19 km. Ngoài các tuyến sông chính, trên hồ Hòa Bình có 07 tuyến nhánh ngập với tổng chiều dài 69,4 km. Có 4 cảng và 16 bến thủy nội địa đã được cấp phép, còn thời hạn hoạt động theo quy định. Trong giai đoạn 2021-2023, công tác quản lý đầu tư xây dựng, quản lý và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông tiếp tục được chú trọng; thường xuyên duy tu bảo dưỡng đảm bảo cho các tuyến đường trên địa bàn tỉnh được thông suốt, đi lại thuận tiện. Quan tâm, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục và thực hiện các dự án trọng điểm của tỉnh như: Đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu); đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn từ Km19+000-Km53+000) trên địa bàn tỉnh Hoà Bình; đường nối từ đường Trần Hưng Đạo đến xã Dân Chủ kết nối với Quốc lộ 6; cải tạo nâng cấp đường tỉnh 436 đoạn Km0 - Km7; đường kết nối thị trấn Lương Sơn - Xuân Mai Hà Nội (giai đoạn 1); đường từ Quốc lộ 6 đến khu công nghiệp Nhuận Trạch huyện Lương Sơn;...

Các công trình thủy lợi tiếp tục được quan tâm đầu tư sửa chữa, nâng cấp nâng cao mức đảm bảo an toàn và tăng diện tích tưới cho diện tích canh tác, tạo môi trường chuyển dịch cơ cấu cây trồng cho người nông dân tăng năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm. Công tác quản lý và đảm bảo an toàn công trình thủy lợi luôn được quan tâm; việc kiểm tra công trình vào trước, trong và sau mùa mưa bão luôn được thực hiện kịp thời và nghiêm túc. Đến năm 2023, toàn tỉnh có 1.915 công trình và hệ thống công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng kiên cố và bán kiên cố bằng mọi nguồn vốn đang hoạt động phục vụ sản xuất; tiếp tục chỉ đạo tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án như: Đê ngăn lũ kết hợp giao thông Pheo Chẹ; Kè chống sạt lở khu vực Tổ 26, phường Đồng Tiến, thành phố Hòa Bình,...

Về hạ tầng điện: Lãnh đạo triển khai thực hiện các dự án phát triển nguồn và lưới điện trên địa bàn, đảm bảo cung ứng điện đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho sản xuất và đời sống của người dân. Đã hoàn thành các thủ tục đầu tư để khởi công công trình nâng cấp, cải tạo hệ thống lưới điện khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh; thường xuyên theo dõi, tạo điều kiện thuận lợi cho Tập đoàn EVN đẩy nhanh tiến độ dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng. Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 11 nhà máy thủy điện đã hoàn thành phát điện thương mại với tổng công suất là 1.958,15 MW; tỷ lệ số hộ sử dụng điện lưới Quốc gia trên địa bàn tỉnh đạt 100%; có 129/129 xã đạt tiêu chí số 4 về điện trong bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới.

Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình chuyển đổi số tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Hệ thống quản lý văn bản và điều hành, ứng dụng chứng thư số, chữ ký số được triển khai tới tất cả các cơ quan hành chính từ tỉnh đến cơ sở. Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh được duy trì ổn định kết nối với trục liên thông quốc gia. Hạ tầng cung cấp dịch vụ viễn thông, internet, hạ tầng mạng thông tin di động được đầu tư, đảm bảo cung cấp dịch vụ thông tin liên lạc thông suốt.

Kết cấu hạ tầng phục vụ thương mại - dịch vụ được quan tâm đầu tư phát triển. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 95 chợ, trong đó có 01 chợ hạng 1, 10 chợ hạng 2 và 84 chợ hạng 3. Hầu hết chợ trên địa bàn tỉnh được xây dựng kiên cố, bán kiên cố. Hệ thống mạng lưới siêu thị và trung tâm thương mại liên tục phát triển góp phần hình thành kênh phân phối thông suốt theo hướng văn minh chuyên nghiệp, áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường.... phục vụ tốt cho nhu cầu sản xuất và đời sống của người dân. Đặc biệt, có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ hệ thống thương mại truyền thống (như chợ) sang hệ thống hạ tầng thương mại hiện đại (siêu thị, trung tâm thương mại); hiện nay trên địa bàn tỉnh có 3 trung tâm thương mại hạng III tại thành phố Hòa Bình và 07 siêu thị (03 siêu thị chuyên doanh, 04 siêu thị tổng hợp).

Hạ tầng khu, cụm công nghiệp: Tính đến năm 2023, trên địa bàn toàn tỉnh có 05 khu công nghiệp đã thành lập với diện tích đất là 760 ha, trong đó có 03 khu công nghiệp đang hoạt động với diện tích đất là 330 ha; tổng số dự án đăng ký là 110 dự án, trong đó có 25 dự án FDI với số vốn đăng ký là 380 triệu USD, 85 dự án trong nước với số vốn đăng ký là 15,95 nghìn tỷ đồng. Quy hoạch 38 cụm công nghiệp với tổng diện tích đất là 2.209,8 ha; hiện có 38 dự án thứ cấp đầu tư sản xuất kinh doanh vào 07 cụm công nghiệp với tổng số vốn đăng ký khoảng 3.514,42 tỷ đồng; tỷ lệ lấp đầy bình quân các cụm công nghiệp đã thu hút dự án thứ cấp đạt 41,03%.

Hệ thống kết cấu hạ tầng các đô thị trên địa bàn tỉnh từng bước được quan tâm đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công, đặc biệt là hệ thống giao thông đô thị; cùng với đó, tăng cường huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư như các dự án nhà ở đô thị, các dự án giao thông theo hình thức đối tác công tư... Lãnh đạo xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển đô thị tỉnh Hòa Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Hiện nay, toàn tỉnh có 11 đô thị đều đã được lập và điều chỉnh quy hoạch, đang triển khai thực hiện đầu tư nhiều dự án hạ tầng kỹ thuật và dự án mở rộng, trong đó thành phố Hòa Bình đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí đô thị loại II và nâng cấp thị trấn Lương Sơn và khu vực lân cận lên đô thị loại IV. Chỉ tiêu tỷ lệ đô thị hóa hằng năm đều đạt chỉ tiêu được giao và tăng từ 31,60% năm 2021 lên 34,8% năm 2023.

Cơ sở vật chất và trang thiết bị máy móc của ngành y tế cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ về phòng bệnh, khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân; các kỹ thuật, máy móc tiên tiến, hiện đại được quan tâm cập nhật và bổ sung. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 02 bệnh viện tuyến tỉnh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Y học cổ truyền); 10 trung tâm y tế huyện, thành phố và 151 trạm y tế xã.

Về hạ tầng giáo dục: Tỉnh đã tập trung huy động các nguồn vốn để đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất trường học. Thực hiện rà soát, quy hoạch hệ thống các cơ sở giáo dục theo hướng phát triển đồng bộ, tinh gọn bộ máy; đến năm 2023 toàn tỉnh có 531 đơn vị, trường học, 46 cơ sở giáo dục mầm non độc lập và 151 Trung tâm học tập cộng đồng. Tăng cường cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị, đồ dùng dạy học, hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở vật chất rèn luyện thể lực và giáo dục kỹ năng sống; toàn tỉnh có 8.561 phòng học, ngoài ra các trường đã được đầu tư bổ sung các phòng đa năng, phòng bộ môn, phòng hỗ trợ học tập nhằm đáp ứng yêu cầu cơ sở vật chất thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông... khuôn viên, môi trường, cảnh quan sư phạm các nhà trường ngày càng khang trang, sạch đẹp đáp ứng yêu cầu học tập và vui chơi của học sinh theo hướng thân thiện và tích cực.

Trên địa bàn tỉnh có 7 thiết chế văn hóa - thể thao cấp tỉnh; 10/10 huyện, thành phố đã có nhà văn hoá và sân vận động; 05 huyện có nhà tập luyện thể dục thể thao; có 120 nhà văn hóa và 151 Trung tâm học tập cộng đồng xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên do hạn chế về nguồn lực nên một số hạ tầng văn hóa thể thao tại các cấp còn xuống cấp, chưa phát huy hiệu quả tối ưu./.