DetailController

Công khai ngân sách nhà nước

Tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023

30/08/2023 17:00
Theo báo cáo của UBND tỉnh, tính đến ngày 31/7/2023, tổng số kế hoạch vốn đã giải ngân là 1.067.717 triệu đồng, đạt 11% so với số kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 19% so với số kế hoạch Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao chi tiết đến các dự án.
Nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn tránh thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình

Cụ thể: Vốn đầu tư trong cân đối ngân sách tỉnh giải ngân: 564.093 triệu đồng, đạt 20% so với số kế hoạch vốn Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao chi tiết đến các dự án. Trong đó: vốn đầu tư theo tiêu chí, định mức giải ngân đạt 60%, nguồn thu sử dụng đất đạt 6%, vốn đầu tư khác đạt 21%, nguồn sổ xố kiến thiết đạt 63%, bội chi ngân sách địa phương giải ngân đạt 24%.

Vốn ngân sách trung ương (vốn trong nước) giải ngân 354.909 triệu đồng, đạt 23% so với số kế hoạch vốn UBND tỉnh đã giao chi tiết đến các dự án.

Vốn thực hiện 03 CTMTQG giải ngân 57.790 triệu đồng, đạt 9%.

Vốn nước ngoài (ODA) giải ngân 86.819triệu đồng, đạt 27%.

Vốn thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giải ngân 4.106 triệu đồng, đạt 2%.

Nhìn chung, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh đạt kết quả thấp so với trung bình cả nước (Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước giải ngân trung bình tháng 7/2023 của cả nước ước đạt 35,49%). Bên cạnh những nguồn vốn có tỷ lệ giải ngân đạt khá như: Vốn theo tiêu chí, định mức ngân sách tỉnh (60%), nguồn thu từ xổ số kiến thiết (63%), các nguồn vốn chương trình đều có tỷ lệ giải ngân thấp (dưới 30%). Số vốn giải ngân chủ yếu từ các dự án chuyển tiếp, dự án khởi công mới có tỷ lệ giải ngân rất thấp hoặc chưa giải ngân.

Tuy nhiên, việc giải ngân vốn ĐTC năm 2023 còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như:           Nguồn thu từ sử dụng đất chưa đảm bảo theo kế hoạch được duyệt, vì vậy chưa có nguồn vốn bố trí cho các dự án thực hiện. Các dự án khởi công mới chậm hoàn thành thủ tục đầu tư, thủ tục đấu thầu và lựa chọn nhà thầu nên chưa đủ điều kiện thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn được giao và một số dự án đang điều chỉnh dự án. Chương trình mục tiêu quốc gia có tỷ lệ giải ngân năm 2023 thấp (9%) do số vốn giải ngân của các chương trình chủ yếu thuộc kế hoạch vốn kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân từ năm 2022 sang năm 2023. Những dự án sử dụng vốn nước ngoài (ODA) có tỷ lệ giải ngân thấp hoặc chưa thể giải ngân do gặp vướng mắc trong việc thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư (Dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập), việc thương thảo, ký kết phụ lục hợp đồng (Dự án Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố Hòa Bình) hay vướng mắc trong việc thực hiện thủ tục mua sắm trang thiết bị y tế. Một số dự án gặp vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng chủ yếu là vướng mắc về đơn giá và phương án bồi thường còn chồng chéo giữa quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành. Dự án lĩnh vực giao thông sử dụng vốn NSTW từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hồi (4.650 tỷ đồng) chưa được giao chi tiết, vì vậy chưa thể triển khai thực hiện.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ĐTC năm 2023, từ nay tới cuối năm cần đẩy mạnh tăng thu nguồn thu sử dụng đất, nguồn thu xổ số kiến thiết để đảm bảo có nguồn vốn bố trí cho các dự án triển khai thực hiện. Thực hiện rà soát, điều chỉnh, cắt giảm kế hoạch vốn của các dự án không còn nhu cầu vốn, không có khả năng thực hiện hoặc không sử dụng hết kế hoạch vốn giao, đề xuất phương án cắt giảm, điều chỉnh vốn cho các dự án khác có nhu cầu và có khả năng giải ngân tốt hơn. Đẩy nhanh công tác chuẩn bị thực hiện dự án, công tác lựa chọn nhà thầu đúng quy định pháp luật, sớm khởi công công trình. Chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm tiến độ thi công công trình; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công. Nâng cao chất lượng công vụ, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các cá nhân gây chậm trễ trong việc giao vốn, thanh toán vốn./.