DetailController

Công khai ngân sách nhà nước

Tăng cường quản lý nợ công, đảm bảo kiểm soát chặt chẽ trong giới hạn an toàn

27/07/2022 00:00
Thời gian qua, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường quản lý nợ công. Trong đó, tập trung rà soát, thống kê, phân loại nợ công của ngành, địa phương quản lý và dự kiến các khoản nợ công phát sinh các năm sau để xây dựng kế hoạch và lộ trình trả nợ hợp lý. Bằng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ, nợ công nằm trong giới hạn an toàn.

Với đặc tính thời hạn cho vay cũng như thời gian ân hạn dài, vốn ODA trở thành nguồn vốn bổ sung giúp tăng cường nguồn lực chi đầu tư phát triển, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. Đáp ứng nguồn lực phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương, tỉnh đã thực hiện việc vay vốn ODA, vay vốn ưu đãi nước ngoài để đầu tư cho một số chương trình, dự án cấp thiết, như: Chương trình đô thị miền núi phía Bắc, Dự án năng lượng nông thôn 2 (REII), Dự án sửa chữa, nâng cao an toàn hồ đạp (WB8), Dự án mở rộng Bệnh viên Đa khoa tỉnh, Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh nước sạch nông thôn dựa trên kết quả, Dự án xây dựng và phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ y tế trực tuyến cơ sở.

Từ năm 2017 đến năm 2020, mức dư nợ của tỉnh có xu hướng giảm, do giai đoạn này, chủ yếu phát sinh trả các khoản nợ gốc. Trong đó, tỉnh đã trả hết nợ gốc Dự án “Kiên cố hóa kênh mương, đương giao thông nông thôn giai đoạn 2017-2020” là 443 tỷ đồng. Năm 2021, tỉnh bắt đầu thực hiện vay các dự án từ nguồn Chính phủ vay về cho địa phương vay lại. Do đó, giải đoạn 2021-2022 và các năm tiếp theo, mức dư nợ chính quyền địa phương có xu hướng tăng lên.

Hằng năm, tỉnh đều chủ động bố trí một phần ngân sách để trả nợ gốc, lãi theo đúng cam kết và thời gian quy định. Đảm bảo hiệu quả trong việc vay và sử dụng vốn vay, công khai, minh bạch trong việc huy động, phân bổ và sử dụng vốn vay, trả nợ và quản lý nợ công. Dự kiến số dư nợ đầu kỳ 1/1/2022 là 239,6 tỷ đồng; số kế hoạch huy động vay trong năm 2022 là 53,7 tỷ đồng, số kế hoạch trả nợ trong năm 2022 là 12,5 tỷ đồng; số trả nợ gốc đến 31/5/2022 là 5,4 tỷ đồng; số dư nợ theo kế hoạch đến ngày 31/12/2022 là 280,9 tỷ đồng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, thời gian qua, công tác quản lý nợ công cũng đối diện với không ít khó khăn, hạn chế. Nguyên nhân do điều kiện vay vốn nước ngoài trở nên đắt đỏ hơn, trong khi thị trường vốn trong nước còn chưa thực sự phát triển; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ còn chậm; chưa có cơ chế phối hợp giữa các sở ban ngành trong địa phương, để đảm bảo thực hiện vay trả nợ và theo dõi giám sát nợ chính quyền địa phương.

Để nâng cao hiệu quả quản lý nợ công, đáp ứng các yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra, thời gian tới, các cấp, các ngành cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ nợ công, đảm bảo các chỉ tiêu trong giới hạn an toàn nợ theo quy định. Đa dạng hóa nguồn vốn, phương thức và kỳ hạn vay trong nước và nước ngoài. Tăng cường kỷ luật, yêu cầu các chủ đầu tư phải giải ngân theo kế hoạch năm.