DetailController

Thông báo, Hướng dẫn

Tăng cường phối hợp thực hiện công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước

15/06/2023 16:30
Ngày 14/6/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành Công văn số 2250/STNMT-TNNKT gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Công Thương; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố về việc phối hợp thực hiện công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước.

Để đảm bảo tính nghiêm minh, bình đẳng của pháp luật, tránh thất thoát tài nguyên và thất thu ngân sách nhà nước. Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện và thành phố thực hiện các nội dung sau:

Rà soát, đôn đốc các chủ quản lý, vận hành công trình thuỷ lợi thực hiện việc đăng ký hoặc cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước theo quy định của Nghị định nêu trên, cụ thể:

Trường hợp công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải đăng ký theo Khoản a, Điểm 1, Điều 17 Nghị định 02/2023/NĐ-CP ngày 01/02/2023 của Chính phủ quy định: Hồ chứa, đập dâng thủy lợi có dung tích toàn bộ từ 0,01 triệu m3 đến 0,2 triệu m3 hoặc công trình khai thác, sử dụng nước mặt khác cho mục đích sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản (không bao gồm các mục đích khác có quy mô thuộc trường hợp phải cấp phép) với lưu lượng khai thác lớn hơn 0,1 m3/giây đến 0,5 m3/giây. Trường hợp hồ chứa, đập dâng thủy lợi có dung tích toàn bộ từ 0,01 triệu m3 đến 0,2 triệu m3 có các mục đích khai thác, sử dụng nước có quy mô khai thác thuộc trường hợp phải có giấy phép thì phải thực hiện xin phép theo quy định của Nghị định này.

Trường hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải có giấy phép theo quy định tại Khoản 2 Điều 17 Nghị định 02/2023/NĐ-CP ngày 01/02/2023 của Chính phủ quy định: Khai thác, sử dụng tài nguyên nước không thuộc trường hợp quy định tại Điều 16 và Khoản 1 Điều này. Các trường hợp quy định tại điểm a khoản này mà khai thác, sử dụng nước mặt trực tiếp từ hồ chứa, đập dâng thủy lợi, thủy điện, hệ thống kênh thủy lợi, thủy điện để cấp cho các mục đích kinh doanh, dịch vụ và sản xuất phi nông nghiệp (bao gồm cả khai thác nước cho hoạt động làm mát máy, thiết bị, tạo hơi, gia nhiệt) mà tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành các hồ chứa, đập dâng thủy lợi, thủy điện, hệ thống kênh thủy lợi, thủy điện này chưa được cấp phép khai thác, sử dụng nước mặt cho các mục đích nêu trên.

Chỉ đạo các đơn vị quản lý, vận hành công trình thủy lợi có tổ chức, cá nhân khác khai thác, sử dụng nước mặt trực tiếp từ hồ chứa, đập dâng thủy lợi, hệ thống kênh thủy lợi để cấp cho các mục đích kinh doanh, dịch vụ và sản xuất phi nông nghiệp (bao gồm cả khai thác nước cho hoạt động làm mát máy, thiết bị, tạo hơi, gia nhiệt) mà đơn vị quản lý vận hành công trình thủy lợi này chưa được cấp phép khai thác, sử dụng nước mặt cho các mục đích nêu trên (điểm b khoản 2 Điều 17), thì yêu cầu các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước mặt trực tiếp từ hồ chứa, đập dâng thủy lợi, hệ thống kênh thủy lợi phải nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Điều 32, Điều 35 Nghị định số 02/2023/NĐ-CP ngày 01/02/2023 của Chính phủ.

Đôn đốc, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các hành vi phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực tài nguyên nước.

Một số nội dung mới quy định tại Nghị định số 22/2023/NĐ-CP ngày 12/5/2023 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường: Để tháo gỡ khó khăn cho các công trình thuỷ lợi thuộc trường hợp phải có giấy phép, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 22/2023/NĐ-CP ngày 12/5/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, theo đó điều kiện năng lực của đơn vị tư vấn lập đề án, báo cáo trong hồ sơ đề nghị cấp phép đã được đơn giản hoá phù hợp với hiện trạng quản lý, vận hành công trình thủy lợi. Cụ thể: Tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 22/2023/NĐ-CP ngày 12/5/2023 của Chính phủ đã sửa đổi khoản 3 Điều 8 Nghị định số 60/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định một số điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 7 Điều 7 Nghị định số 136/2018/NĐ-CP ngày 05/10/2018 của Chính phủ sửa đổi một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường), theo đó, kinh nghiệm công tác của người phụ trách kỹ thuật của đề án, báo cáo: có ít nhất 03 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài nguyên nước, môi trường hoặc đã trực tiếp tham gia lập ít nhất 03 đề án, báo cáo.

Hiện nay, hầu hết các công trình thuỷ lợi thuộc trường hợp phải có giấy phép đều có cán bộ có kinh nghiệm trong lĩnh vực tài nguyên nước. Do vậy, các tổ chức, cá nhân vận hành công trình thuỷ lợi này đều có thể tự lập hồ sơ đề nghị cấp phép theo quy định mà không phải thuê đơn vị tư vấn lập hồ sơ như quy định của Nghị định số 136/2018/NĐ-CP ngày 05/10/2018 của Chính phủ về việc sửa đổi một số điều của các nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Nhằm đảm bảo triển khai các Nghị định nêu trên có hiệu lực, hiệu quả, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện và thành phố chỉ đạo, đôn đốc các chủ quản lý, vận hành công trình thuỷ lợi, hồ chứa, đập dâng khẩn trương thực hiện việc đăng ký hoặc tổ chức lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo quy định của pháp luật./.