DetailController

Tin từ các đơn vị

Tăng cường phối hợp nâng cao đời sống cho lao động nông dân, nông thôn

20/03/2024 15:47
Nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về an sinh xã hội, bảo vệ trẻ em, người cao tuổi, bình đẳng giới, bảo trợ xã hội, bảo hiểm xã hội, giải quyết việc làm và các chương trình khác; UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường phối hợp, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tập huấn, hỗ trợ. Từ đó, từng bước cải thiện đời sống nông dân, nhân rộng nhiều mô hình phát triển kinh tế và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.
Năm 2023, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm 19.536 lao động được tạo việc làm, đạt 122% kế hoạch năm.

Thời gian qua, UBND tỉnh ban hành nhiều kế hoạch nhằm cụ thể những nhiệm vụ và giải pháp trong phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN), đẩy mạnh công tác tuyển sinh và đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực hoạt động trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, du lịch gắn với giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên. Qua đó, hoạt động quản lý Nhà nước về lĩnh vực GDNN đã có những bước chuyển biến tích cực, mạng lưới các cơ sở GDNN được rà soát, kiện toàn, cơ sở vật chất trang thiết bị được đầu tư, đội ngũ nhà giáo được tăng cường cơ bản đáp ứng được nhiệm vụ đào tạo nghề nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho người học tham gia học nghề. Hình thức đào tạo đa dạng, đáp ứng nhu cầu lao động của các tổ chức, doanh nghiệp trong xã hội. Người học sau khi tốt nghiệp có thể vận dụng những kiến thức và kỹ năng cần thiết để áp dụng vào quá trình lao động sản xuất, tăng năng suất lao động. Đặc biệt đối với các nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp việc tổ chức đào tạo linh hoạt có thể tổ chức tại cơ sở đối với nghề ngắn hạn, cũng có thể tổ chức đào tạo lưu động. Trong giai đoạn 2019 – 2023, toàn tỉnh đã đào tạo các nghề nông nghiệp cho 7.577 người. Trong đó có 10 người trình độ cao đẳng, 396 người trình độ trung cấp, 171 người trình độ sơ cấp và 7.000 lượt người đào tạo dưới 3 tháng. Trung tâm Hỗ trợ nông dân tuyển sinh và đào cho cho 945 người trình độ dưới 3 tháng. Tổ chức đào tạo nghề cho nông dân: phối hợp tổ chức các lớp dạy nghề và giới thiệu việc làm cho hội viên nông dân.

Công tác giảm nghèo được quan tâm và triển khai quyết liệt. Trong đó, các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về giảm nghèo; các chế độ chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo được thực hiện đồng bộ kịp thời đầy đủ. Hằng năm Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tổ chức các lớp tập huấn cho hơn 700 đại biểu là thành viên Ban chỉ đạo các Chương trình MTQG các huyện, thành phố. Công tác vận động xã hội hóa, huy động nguồn lực giúp đỡ hộ nghèo và hỗ trợ đầu tư hạ tầng ở các xã đặc biệt khó khăn được triển khai rộng khắp, thu hút sự tham gia hưởng ứng tích cực của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và người dân. Các Chương trình giảm nghèo bền vững tập trung ưu tiên đối tượng hộ nghèo, người nghèo thuộc vùng khó khăn, đối tượng nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về công tác giảm nghèo ở vùng khó khăn; góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, các dân tộc và các nhóm dân cư. Trong 4 năm (2019-2023), Chương giảm nghèo bền vững tỉnh đã đầu tư 200 mô hình giảm nghèo với hơn 2500 hộ dân được tham gia. Việc hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó chủ yếu là hạ tầng phục vụ trực tiếp cho phát triển sản xuất. Hội nông dân triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Tỉnh Hòa Bình chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Năm 2020 đã có 2 hộ gia đình được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen trong thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Năm 2022, có 3 hộ gia đình là hội viên hội nông dân được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen trong thực hiện phong trào. Kết quả trong 4 năm, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 11,36% xuống còn 9,2%; 100% người nghèo, người dân tộc thiếu số sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, người sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn được cấp thẻ BHYT miễn phí.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng thường xuyên phối hợp thực hiện các chương trình, kế hoạch về công tác bảo trợ xã hội, bảo vệ trẻ em. Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho công tác viên công tác xã hội của xã, phường, thị trấn và cơ sở trợ giúp xã hội. Hiện nay trong toàn tỉnh có 97 Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau thu hút gần 5 nghìn thành viên tham gia. Tổng số vốn vay của các CLB đang quản lý trên 8 tỷ đồng, trong đó có trên 1.450 hội viên người cao tuổi thuộc hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, vốn vay để đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, buôn bán, ổn định đời sống. Ngoài ra, tỉnh đã tổ chức 25 cuộc truyền thông cho trên 2.200 cha mẹ, người chăm sóc trẻ về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; cấp phát tờ rơi, sách mỏng tuyên truyền phòng, chống tai nạn thương tích như “Đuối nước có thể lấy đi cuộc sống của chúng ta”, “Bản cam kết Bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại gia đình và cộng đồng”. và phòng ngừa xâm hại trẻ em cho các hộ gia đình.

Tỉnh cũng ban hành nhiều chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng sản xuất về khu vực nông thôn, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, chính sách về đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong sản xuất nhằm tạo ra nhiều việc làm cho người lao động ở nông thôn. Kết quả giải quyết việc làm chuyển biến tích cực qua các năm. Năm 2019, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm trong nước cho khoảng 16.700 lao động đạt 106,4% kế hoạch. Đến năm 2023, giải quyết việc làm 19.536 lao động được tạo việc làm, đạt 122% kế hoạch năm; đồng thời hỗ trợ người lao động tạo việc làm từ vay vốn Qũy quốc gia việc làm trên 7.000 lao động, vượt 583 % kế hoạch năm./.