DetailController

Kinh tế

Tăng cường nguồn lực thúc đẩy hoạt động sơ chế, chế biến, bảo quản và tiêu thụ nông sản

14/12/2023 16:30
Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh và sự vào cuộc tích cực của các Sở, ngành, chính quyền địa phương đã tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương để đẩy mạnh hoạt động sơ chế, chế biến, bảo quản và xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản gắn với việc phát triển vùng nguyên liệu.
Bưởi diễn Yên Thủy được sơ chế, đóng gói đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường nước ngoài

Toàn tỉnh hiện có 149 cơ sở sản xuất, kinh doanh và chế biến lâm sản, trong đó: 73 cơ sở sơ chế, chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ (gồm 41 doanh nghiệp và 32 hộ gia đình, cá nhân) chiếm 49%; còn lại là 76 cơ sở là hộ gia đình sửa chữa và đóng đồ mộc gia dụng nhỏ lẻ, hoạt động thời vụ, chiếm khoảng 51 % trên tổng số cơ sở sơ chế, chế biến gỗ. Các sản phẩm sơ chế, chế biến chủ yếu là: Đồ mộc, dăm băm, ván ép, bột giấy, ván bóc, gỗ xẻ và các sản phẩm khác (đũa, tăm, mành). Giá trị doanh thu trung bình/năm đạt 1.156,6 tỷ đồng. Nguyên liệu đầu vào sử dụng cho sơ chế, chế biến chủ yếu là gỗ rừng trồng được thu mua trong tỉnh chiếm khoảng 84,7%; 15,3% là gỗ thu mua từ các tỉnh lân cận và gỗ nhập khẩu. 05 doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi (01 doanh nghiệp quy mô lớn, 02 doanh nghiệp quy mô vừa, 02 doanh nghiệp quy mô nhỏ) công xuất thiết kế từ 50 nghìn - 200 nghìn tấn/năm, tổng sản lượng sản xuất 66.938 tấn/năm, doanh thu đạt 649 tỷ đồng/năm. Nguyên liệu đưa vào chế biến thường là Ngô, sắn, cám mỳ, khô đậu..., sản lượng nguyên liệu đưa vào chế biến khoảng 137.557 tấn/năm. 83% nguyên liệu được nhập khẩu (113.997 tấn), 17% nguyên liệu được lấy từ ngoài tỉnh (23.560 tấn), tỷ lệ nguyên liệu được lấy trên địa bàn tỉnh không đáng kể, nguyên liệu nhập khẩu chủ yếu là Ngô, khô đậu, cám mỳ chiếm tỷ lệ cao.

Tổng số cơ sở chế biến thực phẩm nông lâm thủy sản là 142 cơ sở, bao gồm: 42 cơ sở chế biến có nguồn gốc thực vật, 97 cơ sở chế biến có nguồn gốc động vật, 03 cơ sở chế biến có nguồn gốc thủy sản. Trong đó 131 cơ sở chế biến quy mô siêu nhỏ (dưới 10 lao động), 07 cơ sở chế biến quy mô nhỏ (dưới 100 lao động), 0 cơ sở quy mô vừa (dưới 200 lao động) 01 cơ sở chế biến quy mô lớn (trên 200 lao động). 42 cơ sở chế biến, sản lượng sản phẩm trung bình hàng năm là 11.252 tấn, trong đó quy mô lớn 01 cơ sở, 08 cơ sở quy mô nhỏ và 33 cơ sở quy mô siêu nhỏ, các sản phẩm được sản xuất như: Chè, măng, trà các loại, các loại rau củ muối....Nguyên liệu dùng trong chế biến được sản xuất trên địa bàn tỉnh chiếm 62,8% (7.067,3 tấn), thu mua từ tỉnh ngoài chiếm 27,2% (4.891,3 tấn).

Đối với cơ sở chế biến có nguồn gốc động vật (chăn nuôi): Hiện có 97 cơ sở, tổng sản lượng sản phẩm trung bình hàng năm được sản xuất là 597,4 tấn/năm. Trong đó 100% số cơ sở sản xuất có quy mô siêu nhỏ (đăng ký hộ kinh doanh), sản phẩm chủ yếu là giò chả, xúc xích...100 % nguồn nguyên liệu được lấy trên địa bàn tỉnh (638,9 tấn/năm).

Toàn tỉnh có 240 cơ sở giết mổ gia súc (trâu, bò, lợn), sản lượng giết mổ từ 1-5 con/ngày đối với quy mô hộ gia đình; từ 30 con lợn/ngày và 500 con gia cầm/ngày đối với quy mô Hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp. 90% cơ sở giết mổ có quy mô hộ gia đình, 60% cơ sở giết mổ không có giấy phép kinh doanh.

Đối với cơ sở sơ chế, chế biến có nguồn gốc thủy sản: Hiện có 07 cơ sở, tổng sản lượng sản phẩm trung bình hàng năm được sản xuất là 662,5 tấn/năm, chiếm 6,5% sản lượng nuôi trồng. Trong đó 100% số cơ sở sản xuất có quy mô siêu nhỏ (dưới 10 lao động), sản phẩm chủ yếu là chả cá, cá kho...100% nguồn nguyên liệu được lấy trên địa bàn tỉnh. Sản lượng thủy sản chủ yếu là bán dưới dạng nguyên con hoặc bán theo chuyến (bán cả lồng, ao) cho thương lái chiếm 93,5%.

Đã có 07 doanh nghiệp, hợp tác xã và trung tâm có kho bảo quản lạnh (nhiệt độ bảo quản < 0 0C), công xuất của kho từ 40 - 180m3, sản phẩm bảo quản chủ yếu là: Mía, trái cây cấp đông, các loại hạt và củ. Một số kho bảo quản đã gắn với việc quản lý mã số cơ sở đóng gói được cấp phục vụ xuất khẩu. Trong đó có 6 cơ sở chiếm 86% tự đầu tư 100% về kinh phí để xây dựng và lắp đặt kho bảo quản lạnh; 01 cơ sở được đầu tư từ ngân sách nhà nước cấp chiếm 14%.

Thực hiện Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Trong giai đoạn 2019-2023 đã triển khai hỗ trợ cho 152 tổ chức và cá nhân được nhận hỗ trợ để được chứng nhận quy trình VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ. Tổng kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ cho chứng nhận là 13,894 tỷ đồng (năm 2019 là 1,798 tỷ; năm 2020 là 4,801 tỷ; năm 2021 là 1,028 tỷ; 2022 là 3,138 tỷ; 2023 là 3,129 tỷ). Đã có 16.000 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC; 57 mã số vùng trồng (mã số nội địa là 23 mã số, mã số xuất khẩu là 34 mã số) với tổng diện tích là 618,33 ha trên các loại cây trồng như bưởi, nhãn, chuối, thanh long, dưa hấu, cây rau…và 8 cơ sở đóng gói quả tươi được cấp mã số xuất khẩu, các mã số được cấp và quản lý, giám sát theo đúng quy định.

Các ngành, địa phương đã thường xuyên tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, các quy định về an toàn thực phẩm và quy trình thực hành nông nghiệp tốt; liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Qua đó đã tạo sự chuyển biến về nhận thức của cán bộ, đảng viên; nâng cao nhận thức của người sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản trong việc tạo ra sản phẩm an toàn, đảm bảo chất lượng, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Đồng thời, các đơn vị thuộc ngành Nông nghiệp đã xây dựng 07 mô hình chuỗi liên kết, với mức kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước cấp là 1,46 tỷ đồng. Các sản phẩm được xây dựng trong dự án chuỗi chủ yếu là các sản phẩm chủ lực, có lợi thế: Cá sông đà, lợn bản địa, chuối, thịt Dê, Gà Lạc Thủy, Rau các loại, Cam... Bên cạnh đó các doanh nghiệp, hợp tác xã đã chủ động liên kết với các hộ sản xuất và là hạt nhân để hình thành ra các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nhà nước chỉ hỗ trợ 1 phần nhỏ để thúc đẩy việc sản xuất theo chuỗi giá trị.

Với chủ trương đúng đắn, cách làm đổi mới, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị đã khơi dậy phong trào phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng mở rộng quy mô, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản. Đến nay, đã có nhiều sản phẩm nông sản chủ lực, lợi thế của tỉnh có thương hiệu trên thị trường, được người tiêu dùng trong và ngoài nước tin dùng như cam Cao Phong, bưởi đỏ Tân lạc, cá sông Đà, gà Lạc Thủy, gà Lạc Sơn, Măng các loại, Tinh bột nghệ, Trà chanh đào mật ong, mía..., từ đó đã góp phần tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, tăng thu nhập cho người nông dân./.