Nhiệm vụ “Quan trắc và phân tích môi trường phục vụ công tác quản lý, giám sát chất lượng môi trường tỉnh Hòa Bình năm 2023” được thực hiện dựa trên cơ sở mạng lưới quan trắc tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025, định hướng năm 2030. Theo mạng lưới quan trắc tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng năm 2030, tần suất quan trắc, số điểm quan trắc đối với môi trường không khí và tiếng ồn lấy 97 mẫu tại 97 vị trí. Đối với môi trường nước mặt (nước sông, ao, hồ, kênh, mương) lấy 32 mẫu tại 32 vị trí. Đối với môi trường nước dưới đất lấy 11 mẫu tại 11 vị trí. Đối với môi trường đất lấy 13 mẫu tại 13 vị trí. Quy trình tổ chức lấy mẫu, bảo quản và vận chuyển mẫu được thực hiện đảm bảo tuân thủ đúng theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường hiện hành. Về tần suất quan trắc, theo Quyết định số 1358/QĐ-UBND ngày 26/6/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh, tần suất quan trắc đối với môi trường nước mặt và môi trường không khí 03 đợt/năm; đợt 1 tiến hành vào mùa mưa (tháng 7-8), đợt 2 tiến hành vào mùa khô (tháng 9–10), đợt 3 (tháng 10-11). Môi trường nước ngầm và môi trường đất 02 đợt/năm; đợt 1 tiến hành vào mùa mưa (tháng 7-8), đợt 2 tiến hành vào mùa khô (tháng 10-11). Sở Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành việc lấy mẫu, phân tích đợt 1 năm 2023. Hiện nay, đang tiếp tục tổ chức phân tích, tổng hợp kết quả đợt 2 và đợt 3, làm cơ sở xây dựng báo kết quả quan trắc môi trường tỉnh Hòa Bình năm 2023, trình nghiệm thu theo quy định.
Kết quả quan trắc theo mạng lưới quan trắc môi trường cấp tỉnh đối với nước dưới đất tại 11 vị trí lấy mẫu, kết quả phân tích cho thấy chất lượng nước dưới đất tại tỉnh Hòa Bình về cơ bản tương đối tốt. Hầu hết các chỉ tiêu quan trắc như kim loại nặng, Cyanua, Độ cứng, Amoni đều nằm trong giới hạn cho phép của Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) QCVN 09-MT:2015/BTNMT. Đợt 1 năm 2023, kết quả tổng hợp cho thấy các thông số môi trường nước dưới đất tại 11 vị trí lấy mẫu đều nằm trong giới hạn cho phép theo QCVN 09:2023/BTNMT. Kết quả quan trắc nước mặt trên địa bàn tỉnh đợt 1 năm 2023 cho thấy có sự cải thiện rõ rệt so với năm 2022. Trong số 32 mẫu nước mặt chỉ 01 mẫu nước mặt tại phường Chăm Mát - thành phố Hòa Bình - tỉnh Hòa Bình (NM 26) có thông số NO2- vượt quy chuẩn 1,8 lần so với QCVN 08:2023/BTNMT. Nhìn chung, chất lượng môi trường không khí tỉnh Hòa Bình đợt 1 năm 2023 cải thiện hơn so với năm 2022. Môi trường đất theo chương trình quan trắc môi trường của tỉnh Hoà Bình tuân thủ theo đề cương đã được phê duyệt được tiến hành lấy tại 11 vị trí (năm 2022) và 13 vị trí (năm 2023) trên địa bàn toàn tỉnh 02 lần/năm. Kết quả phân tích chất lượng môi trường đất tại các vị trí trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đợt 1 năm 2023 cho thấy các chỉ tiêu đã phân tích đều có giá trị nằm trong giới hạn cho phép theo QCVN 03-MT:2015/BTNMT. Các chỉ tiêu trong các mẫu đất phân tích cho thấy chất lượng đất ở các khu vực trên địa bàn tỉnh còn tương đối tốt chưa có những dấu hiệu ô nhiễm. Tuy nhiên, cần tiếp tục quan tâm để có những giải pháp trong công tác bảo vệ môi trường, sử dụng đất, quản lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để phòng ngừa nguy cơ ô nhiễm.
Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở, doanh nghiệp thực hiện công tác quan trắc chất lượng môi trường định kỳ, báo cáo công tác bảo vệ môi trường. Về cơ bản, các cơ sở, doanh nghiệp đã có ý thức trong việc thực hiện quan trắc môi trường theo quy định. Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai thực hiện nhiệm vụ “Đầu tư hệ thống hạ tầng, cơ sở dữ liệu tiếp nhận, quản lý số liệu quan trắc tự động liên tục nước thải, khí thải trên địa bàn tỉnh Hòa Bình” nhằm tiếp nhận dữ liệu quan trắc tự động từ các cơ sở doanh nghiệp về Sở Tài nguyên và Môi trường, truyền dữ liệu về Bộ Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, giám sát. Đến nay, hệ thống đã được nghiệm thu và đi vào vận hành ổn định, tiếp nhận số liệu quan trắc tự động của 06/08 cơ sở, doanh nghiệp gồm: Nhà máy nước sạch sông Đà - Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà, Công ty TNHH Một thành viên Tân Hiếu Hưng, Khu xử lý chất thải - Công ty Cổ phần Môi trường công nghệ cao Hòa Bình, Nhà máy Xi măng Trung Sơn - Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng và Du lịch Bình Minh, KCN Lương Sơn - Công ty Cổ phần Bất động sản An Thịnh Hoà Bình, Nhà máy Xi măng Vĩnh Sơn - Công ty TNHH xi măng Vĩnh Sơn. Trong đó 06/06 cơ sở, doanh nghiệp nêu trên đã được Sở Tài nguyên và Môi trường xác nhận chính thức tiếp nhận dữ liệu quan trắc tự động, liên tục. Về cơ bản, các cơ sở, doanh nghiệp đã nhận thức được sự cần thiết của việc lắp đặt, vận hành hệ thống quan trắc tự động, liên tục. Đến nay, các cơ sở đang tiếp tục đầu tư, lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, liên tục.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục thu hút đầu tư, xã hội hóa về bảo vệ môi trường, đặc biệt là công tác đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tại các khu đô thị, khu dân cư tập trung... Kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm các hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản, đất san lấp trái phép. Tăng cường phổ biến, hướng dẫn và giám sát việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường đối với cộng đồng, doanh nghiệp, đặc biệt là các cơ sở có tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Kiên quyết yêu cầu các cơ sở doanh nghiệp thực hiện đầu tư, xây dựng các công trình xử lý chất thải, bảo vệ môi trường. Đặc biệt yêu cầu các khu công nghiệp, cụm công nghiệp phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung trước khi đi vào vận hành chính thức. Xử lý nghiêm các cơ sở không chấp hành quy định của pháp luật, vi phạm nhiều lần./.