DetailController

Kinh tế

Quan tâm hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp, hợp tác xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh

11/12/2023 16:30
Năm 2023, tỉnh đã quan tâm, tập trung phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Doanh thu bình quân ước đạt 2,4 tỷ đồng/hợp tác xã/năm, lợi nhuận bình quân 270 triệu đồng/hợp tác xã/năm, thu nhập bình quân của một lao động thường xuyên đạt 4,4 triệu đồng/người/tháng.

Hiện nay, toàn tỉnh có 512 hợp tác xã (thành lập mới 34 hợp tác xã). Có 80 hợp tác xã ngừng hoạt động chờ giải thể (thành phố Hòa Bình 21 hợp tác xã, huyện Lương Sơn 01 hợp tác xã, huyện Cao Phong 7 hợp tác xã, huyện Đà Bắc 7 hợp tác xã, huyện Yên Thủy 12 hợp tác xã, huyện Tân Lạc 25 hợp tác xã, huyện Lạc Sơn 7 hợp tác xã). Thu hút 17,08 nghìn thành viên và 31,4 nghìn người lao động (15,2 nghìn lao động thường xuyên; 16,2 nghìn lao động thời vụ) tham gia. Có 10,25% số hộ trên địa bàn tỉnh tham gia các tổ chức kinh tế tập thể; số lao động chiếm 6,2% lực lượng lao động trên 15 tuổi toàn tình. Có 38,5% cán bộ quản lý hợp tác xã trình độ trung, sơ cấp 33,46% trình độ cao đẳng, đại học. Phân loại theo quy mô thành viên có 98,78% hợp tác xã siêu nhỏ; 0,97% nhỏ; 0,24% vừa. Theo quy mô vốn có 57,18% siêu nhỏ; 32,12% nhỏ; 10,71% vừa. Phân loại theo ngàng nghề hoạt động có 293 hợp tác xã nông nghiệp (chiếm 71,29%); 118 hợp tác xã phi nông nghiệp (chiếm 28,71%).

Theo lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản hiện có 293 hợp tác xã hoạt động lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có 95 hợp tác xã trồng trọt, 39 hợp tác xã chăn nuôi, 9 hợp tác xã lâm nghiệp, 3 hợp tác xã thủy sản, 3 hợp tác xã nước sạch nông thôn, 144 hợp tác xã tổng hợp. Có 80 sản phẩm của 69 hợp tác xã được công nhận OCOP 3 và 4 sao; 32% số hợp tác xã có sản phẩm được chứng nhận VietGap, Globalgap, đủ điều kiện an toàn thực phẩm, hữu cơ. Tuy doanh thu lợi nhận hợp tác xã còn hạn chế song đóng góp quan trọng đối với an sinh xã hội, đem lại lợi ích thông qua các dịch vụ cho cộng đồng thành viên và đời sống kinh tế nông thôn; góp phần tích cực trong việc chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, giống cây trồng vật nuôi, trực tiếp góp phần vào tăng năng suất, sản lượng nông nghiệp và nâng cao đời sống Nhân dân; tham gia tích cực trong xây dựng nông thôn mới và thực hiện xóa đói, giảm nghèo. Theo lĩnh vực phi nông nghiệp có 118 hợp tác xã, gồm 37 hợp tác xã công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp (chiếm 9%), 12 hợp tác xã xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng (chiếm 2,92%); 13 hợp tác xã điện năng (chiếm 3,16%); 18 hợp tác xã thương mại, quản lý chợ (chiếm 4,37%); 6 hợp tác xã vệ sinh môi trường (chiếm 1,46%); 10 hợp tác xã vận tải (chiếm 2,43%); 8 hợp tác xã du lịch (chiếm 1,95%); 14 hợp tác xã loại hình khác (chiếm 3,41%). Hợp tác xã quy môn vốn nhỏ, có từ 7 đến 20 thành viên vừa góp vốn, vừa là lao động thường xuyên, nhìn chung hợp tác xã phi nông nghiệp khá năng động, phần lớn có hiệu quả, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động.

Quỹ hỗ trợ hợp tác xã tỉnh thực hiện cho 12 hợp tác xã vay 3,12 tỷ đồng, lũy kế doanh số cho vay 6.900 triệu đồng (28 hợp tác xã đã trả gốc 5.840 triệu đồng); đa số hợp tác xã được vay vốn sử dụng đúng mục đích, nâng cao hiệu quả, thực hiện trả lãi vay đúng quy định. Quỹ hỗ trợ nông dân đã hỗ trợ vốn vay cho 196 mô hình hợp tác xã và 1.534 lượt hội viên; tổng nguồn vốn cho vay đạt 45,3 tỷ đồng, trong đó phát inh mới 5,24 tỷ đồng. Thực hiện tín chấp nguồn ủy thác các ngân hàng cho hội viên nông dân trong đó có các thành viên hợp tác xã, đến nay tổng dư nợ đạt trên 3,5 tỷ đồng. Dư nợ cho vay của các ngân hàng, tổ chức tín dụng đối với hợp tác xã đạt 30,05 tỷ đồng (chiếm 0,09% tổng dư nợ cho vay trên địa bàn). Số còn dư nợ là 27 hợp tác xã (25 hợp tác xã nông, lâm nghiệp; 01 hợp tác xã giao thông vận tải và 01 hợp tác xã xây dựng). Các sở, ngành, địa phương trong tỉnh tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh phí từ nguồn vốn sự nghiệp Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thực hiện bồi dưỡng cho các cán bộ quản lý trong các hợp tác xã nông nghiệp. Tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao kỹ năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực kinh tế tập thể cho cán bộ công chức, viên chức các xã, huyện, thành phố, sở ngành có liên quan. Bồi dưỡng quản trị hợp tác xã cho các Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị hợp tác xã. Tập huấn trực tuyến nghiệp vụ, kế toán, hóa đơn điện tử, phầm mềm kế toán./.