DetailController

Kinh tế

Phong trào thi đua “Tỉnh Hoà Bình chung sức xây dựng Nông thôn mới” gắn kết phát triển đô thị tại Hòa Bình

21/09/2023 15:15
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII và Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 24/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021-2030, Sở Xây dựng Hòa Bình đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 208/QĐ-UBND ngày 13/02/2023 phê duyệt Chương trình Phát triển đô thị tỉnh Hòa Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch số 227/KH-UBND ngày 08/12/2021 về phát triển đô thị tỉnh Hòa Bình đến năm 2025 đạt tỷ lệ đô thị hóa 38%.
Phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới ở tất cả các địa phương trên địa bàn tỉnh Hòa Bình

Theo đó, tỉnh Hòa Bình phân cấp cho chính quyền các đô thị gắn với đề cao trách nhiệm, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý thống nhất. Đồng thời làm cơ sở cho các đô thị lập Chương trình, kế hoạch phát triển đô thị và lập Đề án đánh giá, phân loại đô thị trình cấp thẩm quyền theo quy định. UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chung xây dựng xã, quy hoạch xây dựng vùng huyện (gọi tắt là quy hoạch nông thôn), nhất là các quy hoạch đã hết thời hạn, phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch ngành quốc gia và các quy định của pháp luật về quy hoạch xây dựng.

Quy hoạch nông thôn phải đảm bảo tính kết nối giữa nông thôn - đô thị, nông thôn - vùng phát triển công nghiệp, nông thôn - vùng phát triển du lịch dịch vụ, đồng bằng - miền núi và tính đến mục tiêu xây dựng nông thôn mới bền vững. Quy hoạch nông thôn gắn với đô thị hóa; cần có những quy định cụ thể về xây dựng nông thôn mới cho các xã ven đô, các xã, huyện được quy hoạch thành đô thị (vừa đáp ứng được các quy định về tiêu chí xây dựng nông thôn mới, vừa phù hợp với định hướng phát triển thành đô thị) để kế thừa kết quả xây dựng nông thôn mới khi trở thành đô thị, đồng thời hạn chế tối đa trong việc xáo trộn trong đầu tư xây dựng.

Đồng thời, cần thí điểm xây dựng các mô hình xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hoá tại các xã ven đô thị hoặc các xã/huyện được quy hoạch phát triển thành đô thị. Trong đó, bên cạnh các giải pháp về hạ tầng kết nối, cần có các giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng đời sống của người dân; đào tạo nghề phi nông nghiệp và tạo việc làm cho người dân nông thôn để từng bước thích ứng với cuộc sống đô thị; có giải pháp đối với các áp lực về môi trường; giữ vững an ninh trật tự và đảm bảo sự bình yên cho cuộc sống... Cần định hướng xây dựng nông thôn mới vùng ven đô thị trở thành vùng đệm, vùng xanh, khu vực nghỉ dưỡng cho các vùng đô thị liền kề.

Đến nay, tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2016-2020 có 03 đô thị được nâng loại (thành phố Hòa Bình lên loại II, Mai Châu lên loại IV, Lương Sơn lên loại IV. Đô thị thị trấn Lương Sơn và khu vực mở rộng, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình đạt tiêu chí đô thị loại IV, hiện đang trong quá trình trển khai thực hiện Đề án đến năm 2025 đạt cấp hành chính thị xã Lương Sơn.

Đô thị thành phố Hòa Bình đã triển khai lập đề án nâng loại đô thị từ loại III lên loại II, tuy nhiên trong quá trình triển khai phải thực hiện sắp xếp huyện Kỳ Sơn vào thành phố Hòa Bình theo Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã (do vậy việc nâng loại đô thị phải tạm dừng triển khai). Hiện nay UBND thành phố đang trong quá trình triển khai thực hiện Đề án nâng loại đô thị thành phố Hòa Bình đến năm 2025 đạt tiêu chí đô thị loại II.

Đô thị Mai Châu giai đoạn 2015-2020 do thị trấn Mai Châu còn nhiều khó khăn về nguồn lực thực hiện, chưa đảm bảo các tiêu chí để nâng loại đô thị, việc triển khai thực hiện sẽ được tiếp tục trong giai đoạn 2021-2025.

Theo Sở Xây dựng tỉnh. Ngoài những đô thị đã được nâng cấp, Sở Xây dựng đã thẩm định và trình UBND tỉnh ban Quyết định số 296/QĐ-UBND ngày 21/02/2022 về việc công nhận xã Phong Phú, huyện Tân Lạc đạt tiêu chí đô thị loại V. Thực hiện thẩm định Chương trình Phát triển đô thị tại các đô thị, đến nay, Sở Xây dựng tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Chương trình Phát triển đô thị 02 đô thị (đô thị Lương Sơn và đô thị Mai Châu); phê duyệt đề cương nhiệm vụ Chương trình Phát triển đô thị đối với 05 đô thị (đô thị thành phố Hòa Bình, đô thị Mãn Đức, huyện Tân Lạc; đô thị Phong Phú (dự kiến), huyện Tân Lạc; đô thị Bo, huyện Kim Bôi; đô thị Đà Bắc, huyện Đà Bắc).

Theo ông Đào Duy Thanh, tổ dân phố số 5 phường Tân Hòa, thành phố Hòa Bình phấn khởi cho biết: “Từ năm 2019 thành phố Hòa Bình được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới đến nay, bà con Nhân dân vô cùng tự hào với những thành tựu mà thành phố đạt được, trong đó có phần không nhỏ công sức của mình. Để tiếp tục thực hiện mục tiêu nâng cấp đô thị của thành phố, Nhân dân phường Tân Hòa chúng tôi đoàn kết, đồng lòng xây dựng nếp sống mới văn minh, giàu bản sắc văn hóa tốt đẹp, phát huy vai trò chủ thể của chính mình và cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới, đô thị mới theo chủ trương “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới ở tất cả các địa phương trên địa bàn tỉnh”.

Để đạt được các chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra, tỉnh Hòa Bình đang tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với công tác quy hoạch; nâng cao chất lượng lập và quản lý quy hoạch theo Luật Quy hoạch. Sớm hoàn thành việc lập Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng thời tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả, lấy quy hoạch làm cơ sở quản lý phát triển.

Trên cơ sở Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 24/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 208/QĐ-UBND ngày 13/02/2023 của UBND tỉnh phê duyệt phê duyệt Chương trình Phát triển đô thị tỉnh Hòa Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch số 277/KH-UBND ngày 08/12/2021 của UBND tỉnh Hòa Bình. Tỉnh Hòa Bình chỉ đạo Sở Xây dựng tiếp tục phối hợp với UBND các huyện, thành phố triển khai lập Chương trình Phát triển đô thị cho từng đô thị, làm cơ sở đánh giá phân loại đô thị sau sắp xếp đơn vị hành chính; Rà soát để đầu tư có trọng điểm về các đảm bảo tiêu chí về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị, đề xuất huy động các nguồn vốn ngân sách và ngoài ngân sách để phấn đấu các chỉ tiêu kế hoạch đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030./.