DetailController

Thông tin Dự án - Hạng mục Đầu tư

Phê duyệt dự án: “Kết nối giao thông và thủy lợi tỉnh Hòa Bình với hệ thống hạ tầng giao thông quốc gia” sử dụng vốn vay ODA của Hàn Quốc

07/09/2023 16:30
Ngày 7/9, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2025/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án: “Kết nối giao thông và thủy lợi tỉnh Hòa Bình với hệ thống hạ tầng giao thông quốc gia” sử dụng vốn vay ODA của Hàn Quốc.

Theo đó, UBND tỉnh quyết định phê duyệt dự án: “Kết nối giao thông và thủy lợi tỉnh Hòa Bình với hệ thống hạ tầng giao thông quốc gia” sử dụng vốn vay ODA của Hàn Quốc, với các nội dung chủ yếu như sau:

Tên dự án: “Kết nối giao thông và thủy lợi tỉnh Hòa Bình với hệ thống hạ tầng giao thông quốc gia” sử dụng vốn vay ODA của Hàn Quốc. Người quyết định đầu tư: Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình. Chủ đầu tư: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Hòa Bình. Nhà tài trợ: Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (Keximbank).

Mục tiêu, quy mô đầu tư xây dựng, giải pháp thiết kế cơ sở:

Mục tiêu: Mục tiêu đầu tư của dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1385/QĐ-TTg ngày 05/8/2021 cụ thể: Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ, tăng tính kết nối giữa thành phố Hòa Bình với hạ tầng giao thông quốc gia. Giảm rủi do ngập lụt tại khu vực đô thị trung tâm thành phố Hòa Bình; thông qua các mục tiêu trên tạo cảnh quan đô thị trên trục đường chính vào thành phố khang trang, hiện đại. Góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Quy mô đầu tư xây dựng: Quy mô đầu tư của dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1385/QĐ-TTg ngày 05/8/2021 cụ thể: 

Hợp phần 1: Tăng cường khả năng kết nối thành phố Hòa Bình với hạ tầng giao thông quốc gia thông qua nâng cấp tuyến QL6 từ đoạn (Km64+500) đến qua nút giao đường Chi Lăng (Km73+500) có chiều dài khoảng 9,0Km.

Hợp phần 2: Tăng cường khả năng chống lũ kết hợp phát triển hạ tầng đô thị thành phố Hòa Bình, gồm 4 hạng mục: (i) Kè suối Chăm, Mát kết hợp xây dựng đường giao thông đỉnh kè; (ii) Nâng cấp, cải tạo kè Đà Giang đoạn từ hạ lưu cầu Trắng đến đầu kè Đà Giang; (iii) Làm mới 300m kè khu vực nút giao cầu Trắng; (iv) Xây dựng đường Trần Hưng Đạo kéo dài nối với QL6.

Tiến độ thực hiện dự án: 06 năm kể từ ngày Hiệp định vay có hiệu lực.

Nguồn vốn đầu tư: Gồm (i) Vốn vay ODA: 1.550 tỷ đồng, tương đương 67.099.567 USD (được sử dụng cho chi phí xây lắp, tư vấn thiết kế bản vẽ thi công, tư vấn giám sát và dự phòng (xây lắp, tư vấn thiết kế bản vẽ thi công, tư vấn giám sát)); (ii) Vốn đối ứng: 1.050 tỷ đổng, tương đương 45.454.545 USD (theo Quyết định số 1385/QĐ-TTg ngày 05/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ).

Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư: Số hộ dân bị ảnh hưởng khoảng: 1403 hộ. Số hộ cần tái định cư khoảng: 600 hộ. Phương án bồi thường, hỗ trợ bằng tiền tính theo đơn giá đền bù trên địa bàn tỉnh theo quy định.

Khu vực bố trí tái định cư được thực hiện bằng dự án riêng: Ví trí số 01: Bố trí tái định cư trong dự án san hạ, tạo mặt bằng, chỉnh trang đô thị và tái định cư tại phường Đồng Tiến và phường Trung Minh, thành phố Hoà Bình, dự kiến bố trí cho khoảng 400 hộ bị ảnh hưởng tại các phường Trung Minh, Đồng Tiến, Quỳnh Lâm (theo chủ trương tại văn bản số 1050/UBND-KTN ngày 24/6/2022 Uỷ ban nhân dân tỉnh Hòa Bình). Vị trí 02: Theo đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 đầu tư cơ sở hạ tầng tạo quỹ đất phục vụ phát triển đô thị trên địa bàn thành phố Hòa Bình (đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2141/QĐ-UBND ngày 08/9/2020). Với Quy mô đầu tư khu tái định cư dự kiến có diện tích khoảng 8,6 ha tại tổ 1, phường Quỳnh Lâm, thành phố Hòa Bình, dự kiến bố trí cho khoảng 163 hộ bị ảnh hưởng tại các Dân Chủ, Thái Bình, Thống Nhất. Vị trí 03: Ủy ban nhân dân thành phố Hòa Bình đã có văn bản số 2278/UBND-TNMT ngày 30/6/2023 về việc bàn giao dự án Khu nhà ở tại phường Trung Minh cho Ủy ban nhân dân thành phố để quy hoạch khu tái định, dự kiến bố trí tái định cư cho các hộ thuộc địa phận phường Trung Minh./.