DetailController

Chuyển đổi số

Phát triển kinh tế số - Một trong ba trụ cột chuyển đổi số

12/04/2023 17:06
Nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình đã bám sát chủ trương, quy định pháp luật và tình hình thực tiễn của địa phương ban hành các văn bản về chuyển đổi số tại địa phương. Trong đó phát triển kinh tế số là một trong ba trụ cột của chuyển đổi số.
Công ty Điện lực Hòa Bình và VNPT Hòa Bình ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai thanh toán tiền điện bằng phương thức thanh toán không bằng tiền mặt

Trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh Hòa Bình đã coi trọng phát triển các mô hình nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, tập trung chủ yếu ở 3 lĩnh vực được ứng dụng các mô hình thông minh là trồng trọt, chăn nuôi và chế biến nông sản. Điển hình như phát triển nông nghiệp hữu cơ, công nghệ tưới nhỏ giọt; phát triển cây ăn quả theo hướng VietGAP...; nhờ đó mà sản phẩm của các hợp tác xã, doanh nghiệp đã được dán tem truy xuất nguồn gốc. Tiêu biểu như hợp tác xã trồng chuối Viba (Lương Sơn) xây dựng nhà sơ chế, đóng gói, bảo quản chuối, sử dụng tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; hợp tác xã chăn nuôi gà Lạc Thủy (Lạc Thủy) sử dụng máy uống tự động, ăn tự động, tem truy xuất nguồn gốc và bán hàng qua website giới thiệu sản phẩm.…

Bên cạnh đó, các thông tin về nông nghiệp cũng đã được thường xuyên cập nhật, cung cấp cho người dân qua 4 trang thông tin điện tử của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (bao gồm http://sonongnghiep.hoabinh.gov.vn; trongtrotvabaovethucvat.hoabinh.gov.vn;          chicucchannuoi.hoabinh.gov.vn; quanlychatluong.hoabinh.gov.vn). Qua đó, người dân có thể tra cứu thông tin tài liệu về kỹ thuật, hướng dẫn, giá nông sản, tìm hiểu kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao, phòng chống dịch bệnh... để tăng năng xuất và hiệu quả trong quá trình sản xuất.

Trong lĩnh vực thương mại điện tử, thực hiện việc kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh thông qua các sàn thương mại điện tử postmart.vn của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam sàn voso.vn của Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel để thúc đẩy phát triển kinh tế số nông thôn, giúp hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã có thể: quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ mở rộng thị trường trong nước và quốc tế; tiêu thụ nông sản trên kênh phân phối mới, hiện đại và bền vững thông qua nền tảng số. Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông tại địa chỉ: https://tmdt.mic.gov.vn/bao-cao-thong-ke: Đến hết năm 2022, Hoà Bình có 4.195 sản phẩm trên sàn thương mại điện tử, đứng thứ 04/25 các tỉnh miền bắc và đứng thứ 05 toàn quốc; có 12.345 giao dịch thành công đứng thứ 18/25 các tỉnh miền bắc và đứng thứ 28 toàn quốc. Tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử; xây dựng website thương mại điện tử để bán hàng trực tuyến phù hợp với mô hình, sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử nhằm trao đổi, quảng bá thương hiệu và sản phẩm của doanh nghiệp. Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng marketing trực tuyến, xây dựng thương hiệu trên môi trường Internet phù hợp với các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và tỉnh Hòa Bình nói riêng, đặc biệt là các doanh nghiệp  nhỏ.

Trong phát triển Công nghiệp công nghệ thông tin, toàn tỉnh hiện có khoảng 284 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp kinh doanh phân phối các sản phẩm công nghệ thông tin (các thiết bị công nghệ thông tin, thiết bị điện tử viễn thông) với 270 doanh nghiệp (chiếm 95%), 9 doanh nghiệp sản xuất công nghệ thông tin (chiếm 3%) và 5 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin (trừ kinh doanh, phân phối - chiếm 2%). Nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định 472/QĐ-UBND ngày 05/3/2021 về Danh mục lĩnh vực đầu tư và cho vay thuộc Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2021-2025, trong đó có hạng mục Đầu tư kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin. Đa phần các doanh nghiệp công nghệ thông tin vẫn chưa được đầu tư đồng bộ, chủ yếu nhỏ lẻ, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh thấp. Nguyên nhân một phần do địa hình của tỉnh phức tạp, gần với các tỉnh phát triển mạnh về sản xuất các sản phẩm công nghệ thông tin như Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên… gây khó khăn trong việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, nhằm đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo, giao Ngân hàng nhà nước tỉnh Hòa Bình phối hợp với các Sở: Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Công Thương, Lao động, thương binh và hội; Bảo hiểm xã hội, Bưu điện tỉnh triển khai thực hiện thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch công: thuế, điện, nước, viễn thông, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội… đến nay cũng đã có những kết quả ban đầu. Các doanh nghiệp viễn thông Viettel, VNPT, MobiFone đang tích cực phát triển cài đặt và khuyến khích sử dụng ví điện tử thông qua thuê bao điện thoại: Viettel đạt 74.000 tài khoản; VNPT đạt 17.000 tài khoản; MobiFone đạt trên 500 tài khoản, các tài khoản khách hàng đăng ký đều sử dụng thường xuyên, phát sinh giao dịch qua ứng dụng.

Thanh toán điện tử hiện đã có nhiều các tiện ích hỗ trợ người tiêu dùng tham gia thanh toán điện tử trên địa bàn tỉnh, trong đó: 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại cho phép người tiêu dùng thanh toán bằng thẻ thanh toán và thanh toán qua phương tiện điện tử; 100% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông trên địa bàn tỉnh đã thực hiện thanh toán phí dịch vụ của các hộ gia đình qua phương tiện điện tử; 100% cơ sở kinh doanh trong các lĩnh vực thương mại dịch vụ như vận tải, văn hoá, thể thao và du lịch phát triển các kênh giao dịch điện tử phục vụ người tiêu dùng…/.