DetailController

Kinh tế

Phát triển đô thị theo hướng xanh, bền vững, giàu bản sắc dân tộc

18/08/2023 16:30
Hòa Bình hiện có 10 đô thị. Trong đó 1 đô thị loại II, 2 đô thị loại IV và 7 đô thị loại V. Xác định phát triển đô thị xanh là xu hướng phát triển; đặc biệt thích hợp với các đô thị trung bình và đô thị nhỏ có lợi thế về khí hậu, cảnh quan và địa hình tự nhiên phong phú, đa dạng như tỉnh ta, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương triển khai các quan điểm chỉ đạo của Trung ương, tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, thông minh, giàu bản sắc dân tộc tại tỉnh Hòa Bình.
Đô thị tỉnh Hòa Bình đang phát triển theo hướng đô thị xanh, bền vững.

Để phát triển đô thị bền vững, tỉnh đã thực hiện lồng ghép các nội dung phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu, đô thị thông minh, đô thị tăng trưởng xanh. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị theo dõi lĩnh vực được phân công tổ chức nghiên cứu, khảo sát, điều chỉnh, đánh giá quy hoạch vùng, quy hoạch chung các đô thị. Nghiên cứu xây dựng các giải pháp về quy hoạch bảo vệ vùng ngập lụt và lồng ghép các nội dung về biến đổi khí hậu vào quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chuyên ngành. Đối với công tác lập dự án, xây dựng đồ án quy hoạch kiến trúc, tỉnh khuyến khích nghiên cứu, phát triển các đô thị tâp trung gắn kết với nhau, hạn chế xây dựng các tuyến giao thông và đô thị cắt ngang khu vực đồi núi. Đồng thời nêu rõ những vùng cấm xây dựng và hạn chế xây dựng để đảm bảo an toàn cho Nhân dân. Các đô thị đang đến kỳ điều chỉnh quy hoạch đều được Sở Xây dựng hướng dẫn thực hiện lồng ghép kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh đến năm 2030.

Năm 2020, tỉnh đã giới thiệu với Cơ quan phát triển Pháp (AFD) về dự án “Phát triển xanh thích ứng với biến đổi khí hậu tại thị trấn Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình”. Dự án gồm hai hợp phần là cải thiện năng lực thoát nước phòng chống ngập lụt và ứng phó biến đổi khí hậu và cải thiện năng lực kết nối giao thông phục vụ phòng, chống thiên tại. Đây dự án thiết kế dựa vào hệ sinh thái cho khu vực đô thị giúp bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững, hài hòa giữa lợi ích kinh tế-xã hội và bảo tồn đa dạng sinh học. 

Đến nay, các chỉ tiêu phát triển đô thị từng bước được hoàn thiện theo các tiêu chí của đô thị, chú trọng vào các tiêu chí trình độ phát triển cơ sở hạ tầng, kiến trúc và cảnh quan đô thị. Các đô thị từng bước triển khai cơ chế ưu đãi thu hút đầu tư tăng trưởng xanh, các cơ chế khuyến khích áp dụng công nghệ, vật liệu tiên tiến. Đến nay, hệ thống cấp thoát nước và xử lý nước thải đã gắn với hệ thống giao thông nội thị, cơ bản đã thoát nước kịp thời. Các địa phương tích cực chỉ đạo nhằm cải tạo chỉnh trang đô thị, quản lý trật tự vỉa hè, kêu gọi người dân cùng các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp trồng mới, cắt tỉa cây xanh tạo cảnh quan đô thị trên các tuyến đường tỉnh, đường huyện. Diện tích cây xanh, mặt nước trong đô thị từng bước nâng lên, đã đạt 55%, đường chính cấp đô thị được chiếu sáng đạt 85%; chất thải rắn được thu gom đạt 90%,tỷ lệ dân số được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%. Từ đó, góp phần xây dựng đô thị sáng- xanh- sạch- đẹp, cơ bản khắc phục tình trạng ngập úng cục bộ trong mùa mưa và bụi vào mùa khô. Tháng 6/2023, tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh đạt 33,45%

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị trên địa bàn tồn tại một số bất cập. Do chưa đồng bộ, quỹ đất ít, hiệu quả sử dụng đất chưa cao, hệ thống dịch vụ công cộng và nhà ở, giao thông còn bất cập, kiến trúc cảnh quan, không gian sinh hoạt công cộng chưa tạo được điểm nhấn.

Với quan điểm phát triển đô thị xanh, bền vững, phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh tỉnh đạt 38%, hình thành thêm 3 đô thị mới; tỉnh Hòa Bình tiếp tục huy động các nguồn lực thực hiện rà soát, điều chỉnh các định hướng chiến lược về quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị. Nhất quán quan điểm phát triển đô thị xanh, thông minh, giàu bản sắc từ khâu tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch. Tập trung chỉ đạo xây dựng và phát triển các đô thị mang tính đặc sắc riêng, phù hợp với giá trị sẵn có về cảnh quan tự nhiên núi rừng và các đặc trưng của từng khu vực, phù hợp với kiến trúc bản địa và phong tục, tập quán của từng địa phương. Đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, sử dụng các yếu tố xanh, tự nhiên và nhân tạo phục vụ hạ tầng đô thị, kết hợp cải thiện về khí hậu và có thể làm giảm khối lượng thoát nước mặt, giảm hiện tượng ngập úng trong đô thị. Nâng cao năng lực quản lý đô thị; quan tâm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có chuyên môn sâu, chất lượng cao có nhận thức đầy đủ về phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, thông minh, giàu bản sắc, đáp ứng yêu cầu công tác quy hoạch xây dựng, quản lý theo quy hoạch. Thu hút đầu tư, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn cho phát triển đô thị./.