DetailController

Kinh tế

Phát huy hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế

19/03/2024 15:30
Sau 5 năm triển khai, tổ chức thực hiện Kế hoạch số 08-KH/TU của BTV Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 15/01/2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế, nhận thức của các Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân về tầm quan trọng, ý nghĩa của việc nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực kinh tế được nâng lên. Việc quản lý, khai thác, huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực kinh tế của tỉnh đã đạt được kết quả nhất định, góp phần vào thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.
Giai đoạn 2021-2023, toàn tỉnh đã có 55.450 lao động được tạo việc làm

Trong giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2023, toàn tỉnh đã có 55.450 lao động được tạo việc làm. Trong đó có 1.929 lao động được tuyển đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; hỗ trợ người lao động tạo việc làm từ vay vốn Quỹ quốc gia việc làm là 14.347 lao động. Tỷ lệ thất nghiệp trong khu vực thành thị giảm từ 2,9% năm 2021 xuống còn 2,2% vào năm 2023. Cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng lĩnh vực công nghiệp- xây dựng và thương mại, dịch vụ. Lao động qua đào tạo tăng hằng năm. Năng suất lao động tăng từ 102,85 triệu đồng/lao động lên 121,78 triệu đồng/lao động năm 2023.

Tỉnh tập trung lãnh đạo thực hiện hiệu quả Đề án một số giải pháp tạo nguồn và tăng cường quản lý thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh đến năm 2025; nâng cao hiệu quả Ban chỉ đạo đôn đốc, thu nộp ngân sách Nhà nước. Quan tâm, chú trọng khai thác nguồn thu từ đất, quản lý chặt chẽ giá tính thuế, xử lý nợ đọng thuế, tăng cường thanh tra, kiểm tra ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi chuyển giá, trốn thuế, buôn lậu, gian lận thương mại triển khai các biện pháp chống thất thu. Đẩy mạnh cơ cấu các khoản chi ngân sách Nhà nước theo hướng tiết kiệm, hiệu quả; ưu tiên chi ngân sách cho đầu tư phát triển. Rà soát, quản lý chặt chẽ các khoản chi, bảo đảm trong phạm vi dự toán đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và theo đúng chế độ quy định. Thu ngân sách Nhà nước đạt 15.935,6 tỷ đồng, tỷ trọng chi đầu tư phát triển trong tổng chi ngân sách địa phương năm 2023 đạt 46%

Cùng với đó, tỉnh đã triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng tài nguyên, đảm bảo sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; tăng cường công tác quản lý mỏ, tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Tập trung huy động các nguồn vốn để đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất và hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó ưu tiên các dự án hạ tầng trọng điểm, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn tồn tại một số hạn chế. Thu ngân sách Nhà nước gặp khó khăn, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu phát triển; chuyển dịch cơ cấu lao động còn chậm. Hệ thống kế cấu hạ tầng còn nhiều hạn chế, chưa đồng bộ và thiếu nguồn lực đầu tư.

Để tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 08-KH/TU, BTV Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác truyền, quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và Nhân dân trong tỉnh về vai trò, tầm quan trọng và ý nghĩa của việc nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực kinh tế đối với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của tỉnh. Xây dựng và thực hiện kịp thời, hiệu quả Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đẩy nhanh tiến độ lập và điều chỉnh, phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu và các quy hoạch xây dựng chi tiết. Thực hiện tái cơ cấu kinh tế đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.

Triển khai hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/TU của BTV Tỉnh ủy về cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ban đêm, thương mại điện tử, các ngành, lĩnh vực mới nổi, các mô hình kinh doanh mới, hiệu quả. Cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực và trong nội ngành gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của sản phẩm. Khuyến khích phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Thu hút có chọn lọc các dự án đầu tư không sử dụng vốn ngân sách Nhà nước; quyết liệt xử lý các dự án chậm tiến độ. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của tỉnh; tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp về vốn, đất đai, giải phóng mặt bằng, vùng nguyên liệu để triển khai các dự án. Huy động, lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn tài lực, nhất là trong bối cảnh thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua còn khó khăn.

Thực hiện hiệu quả Đề án số 04-ĐA/TU của BTV Tỉnh ủy về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao giai đoạn 2021-2025. Thực hiện quyết liệt, hiệu quả chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện; các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và phát triển đội ngũ nhà giáo. Quan tâm phát triển giáo dục nghề nghiệp và kỹ năng nghề; đẩy mạnh đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động. Thúc đẩy đào tạo lao động có trình độ tay nghề cao, đáp ứng yêu cầu phát triển trên các lĩnh vực và chuẩn bị cho xu thế chuyển dịch đầu tư. Tăng cường kết nối cung - cầu lao động trên thị trường; phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động.

Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đất đai. Đẩy nhanh tiến độ định giá đất cụ thể phục vụ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất của các dự án để đảm bảo tiến độ thu ngân sách của địa phương; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép. Phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo theo đúng quy định và nguyên tắc ưu tiên để nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy nguồn lực về đất đai. Đẩy mạnh các hoạt động quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên, khoáng sản. Tăng cường công tác quản lý chất thải phát sinh từ các hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên. Ưu tiên, khuyến khích các dự án có công nghệ, thiết bị tiên tiến hiện đại, thân thiện với môi trường. Bảo vệ và duy trì số lượng nguồn nước mặt không bị suy thoái cạn kiệt và ô nhiễm; tập trung bảo vệ các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng tái tạo nước, điều chỉnh đảm bảo sử dụng hợp lý nguồn nước mặt.

Triển khai thực hiện Đề án số 02-ĐA/TU của BTV Tỉnh ủy về hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ hiện đại, trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông đường bộ và hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2020-2025. Tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng bằng các hình thức phù hợp, giảm tỷ trọng vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất lúa, nguồn cung vật liệu xây dựng thông thường. Kịp thời rà soát điều chỉnh, bổ sung chỉ tiêu sử dụng đất cho các dự án hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đã và đang triển khai thi công. Thực hiện có hiệu quả Kế hoạch phát triển đô thị tỉnh đến năm 2025, ưu tiên đầu tư các hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đảm bảo tiêu chí đô thị loại II đối với thành phố Hòa Bình và loại III đối với thị xã Lương Sơn. Nâng cao chất lượng thẩm định các dự án đầu tư bảo đảm các dự án đầu tư phải theo quy hoạch, kế hoạch và đúng tiến độ.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách Nhà nước. Quản lý thu ngân sách Nhà nước chặt chẽ; chống thất thu thuế, quyết liệt thu hồi nợ đọng thuế; bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, khai thác tối đa nguồn thu còn dư địa và có giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu hiệu quả, bền vững. Tổ chức thực hiện hiệu quả Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, Kế hoạch đầu tư công hàng năm. Rà soát, điều chỉnh quy định trình tự, thủ tục, phân cấp quản lý đầu tư và xây dựng trên địa bàn, đảm bảo rõ ràng, hiệu quả. Kịp thời triển khai các chính sách tiền tệ, lãi suất, tăng trưởng tín dụng theo chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Đẩy mạnh công tác huy động vốn, đa dạng các hình thức huy động vốn tại địa phương để đáp ứng nhu cầu vốn vay của các thành phần kinh tế. Tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo chuyển biến mạnh mẽ, cải thiện các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của tỉnh. Tạo lập môi trường và điều kiện thuận lợi phát triển mạnh doanh nghiệp. Triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tăng cường và đổi mới các hoạt động xúc tiến đầu tư; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào những lĩnh vực ưu tiên; quan tâm công tác thu hút các nhà đầu tư chiến lược nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong thu hút đầu tư./.