DetailController

Tin từ các đơn vị

Người dân vùng cao tại huyện Đà Bắc chuẩn bị vụ đào Tết Nguyên đán

05/01/2024 16:00
Huyện Đà Bắc là địa phương có diện tích trồng đào lớn và cho ra những sản phẩm đẹp, độc đáo nhất trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Giống đào ở nơi đây phần lớn được tìm kiếm từ các vùng đồi, núi cao, loại đào này có thế cây, hoa có đặc điểm riêng không lẫn với địa phương khác. Những ngày này, người dân ở huyện vùng cao huyện Đà Bắc đang tất bật chăm sóc cây đào, kịp thời phục vụ nhu cầu chơi hoa dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Nghề trồng đào Tết đã giúp nhiều người dân trong huyện Đà Bắc có thêm thu nhập và ổn định cuộc sống

Hiện nay, người dân ở xã Toàn Sơn, huyện Đà Bắc đang gấp rút với những công đoạn, quy trình chăm sóc cuối cùng cho cây đào, làm sao để có được cây và cành đào ra hoa đẹp nhất chuẩn bị cho ngày Tết đang cận kề.

Tại vườn đào Thanh Tú (xã Toàn Sơn), nhiều nhân công đang tất bật tuốt lá, tỉa cành cho những cây đào một cách tỉ mỉ, chau chuốt để mang đến cho khách hàng nhiều sự lựa chọn, đưa ra thị trường những sản phẩm đa dạng về thế cây, loài hoa cũng như phân khúc giá.

Anh Trần Thiên Tú (chủ vườn đào Thanh Tú) chia sẻ: “Để cây đào có thế độc đáo, bông đẹp và phát triển tốt thì người trồng đào phải đảm bảo nhiều yếu tố như: Thời gian tạo thế cây, quá trình chăm sóc trong từng thời điểm... Đặc biệt, khi ghép mắt, ghép cành thì phải lựa những giống đào được chọn lọc với cây khỏe, khuôn cánh hoa cân đối…, công đoạn quan trọng nhất quyết định giá trị của cây đào là quy trình cắt tỉa, tạo tán, tạo thế và điều kiện lý tưởng nhất cho cây đào phát triển ra hoa đúng thời điểm năm mới là khoảng 20ºC. Việc tỉa lá cho cây đào năm nay diễn ra trước vụ khoảng 60 ngày, công đoạn này đòi hỏi sự cẩn thận, kiên nhẫn cao. Tuốt hết lá thì dinh dưỡng của cây tập trung vào búp nên đào sẽ nở hoa đúng thời điểm.

Cũng theo anh Tú, những gốc đào cổ thụ của gia đình hiện đã bắt đầu có người tìm đến thuê, mua. Năm nay, giá cả cao hơn khoảng 20% so với năm ngoái. Có những gốc đào lớn có giá từ 20 - 30 triệu đồng. Thu nhập từ việc bán, cho thuê đào chơi Tết rơi vào khoảng 200 triệu đồng mỗi năm.

Anh Bùi Văn Hoàng (tại xã Toàn Sơn) thì lựa chọn những sản phẩm độc lạ, kén người chơi hơn. Ngay từ đầu năm, anh Hoàng đi săn lùng những cây đào cổ thụ, mọc tự nhiên trên núi cao tại nhiều tỉnh phía Bắc, sau đó mang về chăm sóc. Những cây này đều có gốc lớn, thế lạ, xung quanh được bao phủ bởi rêu, dương xỉ không nhẵn nhụi như các cây đào khác ngoài thị trường. Do đó, chúng đều rất kén khách, không được săn đón nhiều. Tuy nhiên, giá trị lại cao bởi sự kỳ công chăm sóc, tìm kiếm vất vả.

Anh Nguyễn Hữu Đức (xã Toàn Sơn) cho biết: “Năm nay, nhà tôi có hơn 200 gốc đào phục vụ dịp Tết, để kịp tiến độ xuống lá cho cây đào, thời gian này tôi phải dốc toàn lực ra vườn tuốt lá. So với làm ruộng, trồng đào cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều. Mong là thị trường đào Tết năm nay sôi động, nhu cầu mua sắm, chơi hoa của người dân lớn, nếu thuận lợi thì dự kiến tôi có thể thu về hơn 100 triệu đồng”.

Theo bà Đinh Thị Cúc, Chủ tịch UBND xã Toàn Sơn, hiện tại thời tiết tại huyện Đà Bắc rất lạnh, nhưng bà con đã bắt đầu cắt tỉa lá, chăm sóc đào để chuẩn bị phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán. Nếu người dân nắm chắc kỹ thuật trồng và chăm sóc thì cây đào sẽ đem lại nguồn thu nhập cao sơn so với các mô hình nông nghiệp khác như trồng lúa, hoa màu.

Theo ông Bùi Khắc Vinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đà Bắc cho biết: “Với khí hậu năm nay có điều kiện tương đối thuận lợi cho cây đào phát triển. Huyện Đà Bắc có diện tích trồng đào lớn ở tỉnh Hòa Bình nhờ địa hình cao và khí hậu mát mẻ, ôn hòa. Qua đó, nghề trồng đào Tết đã giúp nhiều người dân trong huyện có thêm thu nhập và ổn định cuộc sống... Người dân trồng đào tại Đà Bắc mong muốn lớn nhất là từ nay đến Tết Nguyên đán thời tiết thuận lợi để hoa nở đúng dịp, mong cho vụ đào thành công, bù đắp được công sức chăm sóc suốt cả năm. Đặc biệt, mong thị trường đào Tết năm nay sẽ sôi động, nhu cầu mua sắm, chơi hoa của khách hàng lớn hơn năm trước./.