
Đối với hệ thống các cơ quan quản lý Nhà nước, thông qua việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO vào hoạt sộng của các cơ quan, đơn vị hành chính Nhà nước từ tỉnh đến huyện, đến xã đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ công, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp và cơ sở sản xuất trên địa bàn, hoạt động hỗ trợ nâng cao năng suất, chất lượng như hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia Giải thưởng chất lượng Quốc gia, xây dựng và áp dụng tem truy xuất nguồn gốc... cho sản phẩm, hàng hóa, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng sức cạnh tranh trên thị trường của doanh nghiệp trên địa bàn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đối với cộng đồng, thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, trình độ dân trí và hiểu biết pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường chất của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất kinh doanh đang ngày một được cải thiện.
Bên cạnh đó, công tác thanh, kiểm tra về tiêu chuẩn, đo lường chất lượng được quan tâm đã tác động đến trách nhiệm và ý thức tuân thủ pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người sản xuất. Từ đó các trường hợp vi phạm pháp luật về tiêu chuẩn đo lường chất lượng giảm đáng kể, góp phần ổn định thị trường, đảm bảo công bằng xã hội, bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng của người tiêu dùng.
Trên cơ sở đánh giá công tác quản lý Nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm: Cần nhận được sự quan tâm, chỉ đạo và phối hợp đồng bộ, thống nhất của các cấp, ngành, địa phương; cần quan tâm đầu tư trang thiết bị và nâng cao năng lực của cán bộ, phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và mở rộng khả năng kiểm định trong hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; cần làm tốt công tác truyền thông để nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm cho doanh nghiệp và cộng đồng xã hội trong hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng nói chung, hoạt động áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa nói riêng, tạo sức cạnh tranh cho sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa của địa phương.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tăng cường phối hợp thanh tra, kiểm tra về tiêu chuẩn, đo lượng, chất lượng. Tiếp tục đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt bố trí đủ các nguồn lực cho lực lượng chức năng trong việc thanh tram kiểm tra, thử nghiệm sản phẩm hàng hóa. Nâng cao hiệu quả của việc duy trì, cải tiến HTQLCL tiên tiến theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015. Đổi mới hoạt động đo lường, hàng năm tổ chức kiểm định cân đối chứng miễn phí tại các chợ trung tâm, chợ đầu mối nhằm đảm bảo về đo lường trong thương mại bán lẻ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức quản lý sử dụng phương tiện đo áp dụng các công cụ, phần mềm nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, tiết kiệm chi phí, thời gian và nhân lực, đặc biệt trong các lĩnh vực như kinh doanh xăng dầu, điện năng, nước sạch... Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật, HTQLCL tiên tiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Nâng cao hiệu quả sử dụng trang thiết bị về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng./.