DetailController

Kinh tế

Nâng cao chất lượng nguồn lao động ngành Công nghiệp

18/12/2023 16:30
Hòa Bình có lực lượng lao động trong ngành công nghiệp khá dồi dào. Tuy nhiên, năng suất lao động chưa cao, sức cạnh tranh bị hạn chế. Nguyên nhân là do lực lượng lao động qua đào tạo, có trình độ thấp. Để nâng cao chất lượng nguồn lao động, tỉnh đã triển khai nhiều chương trình đào tạo, hướng nghiệp; đồng thời khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp.
Năm 2022, tỷ lệ lao động lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ trong các thành phần kinh tế đạt 39,94%.

Thời gian qua, công tác phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh nói chung và đối với lĩnh vực công nghiệp nói riêng được quan tâm. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 38-CT/TU, ngày 14/3/2018 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã lãnh đạo UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 115/KH-UBND ngày 24/6/2022 về triển khai Quyết định số 2239/QĐ-TTg, ngày 30/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, tỉnh đã ban hành và hỗ trợ tổ chức thực hiện tốt chính sách lao động trong các doanh nghiệp tại địa phương, góp phần thực hiện mục tiêu đẩy mạnh công tác xã hội hóa đào tạo nghề, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm ổn định, bền vững cho người lao động.

Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác giáo dục nghề nghiệp và phân luồng học sinh, đa dạng hóa các hình thức tư vấn nghề nghiệp gắn với nội dung giáo dục hướng nghiệp với thực tiễn địa phương được đẩy mạnh. Tỉnh đã đổi mới nhiều nội dung, phương thức đào tạo nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp. Qua đó, đã cơ bản đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đâị hóa của tỉnh. Giai đoạn 2018-2022, tỉnh đã tổ chức tuyển sinh, đào tạo nghề cho 80.812 người. Trong đó, trình độ cao đẳng là 1.030 người, trình độ Trung cấp là 13.116 người, sơ cấp là 35.223 người và dạy nghề dưới 3 tháng là 31.443 người. Riêng đối với lĩnh vực điện tử, may công nghiệp, lắp rắp cơ khí, tự động hóa đạt 10.617 người. Tổ chức được 17 sàn giao dịch, 105 cuộc tư vấn, giới thiệu việc làm tại các địa phương với sự tham gia của 17.040 lao động; qua đó đã giải quyết việc làm mới cho 44.444 lao động. Cơ cấu lao động tiếp tục có sự chuyển biến theo hướng giảm tỷ lệ lao động trong ngành nông, lâm, ngư nghiệp; tăng tỷ lệ lao động trong ngành công nghiệp và dịch vụ. Đến năm 2022 tỷ lệ lao động trong ngành nông, lâm, ngư nghiệp giảm còn khoảng 55% tổng lao động xã hội, giảm 4% so với năm 2020.

Lũy kế đến hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 708 dự án. Trong đó có 37 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký khoảng 668 triệu USD và 671 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký khoảng 250.000 tỷ đồng. Năm 2019, tỷ lệ lao động lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ trong tổng lao động đạt 33,85%; năm 2022 đạt 39,53%. Chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực. Năm 2019, tỷ lệ lao động lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ trong các thành phần kinh tế đạt 34,2%; năm 2022 đạt 39,94%./.