DetailController

Kinh tế

Năm 2024 toàn tỉnh phấn đấu có thêm 06 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới

24/11/2023 16:30
Sở Nông nghiệp và PTNT vừa ban hành Kế hoạch số 898/KH-SNN, ngày 22/11/2023 về Thực hiện và danh mục đầu tư nguồn vốn đầu tư phát triển ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2024 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Tiếp tục đầu tư, nâng cấp, chỉnh trang diện mạo nông thôn ngày càng khang trang

Theo đó, năm 2024 tiếp tục triển khai Chương trình gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hóa, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững. Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, hiện đại, gắn với quá trình đô thị hóa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và thích ứng với biến đổi khí hậu; đảm bảo môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn; Phân bổ nguồn lực từ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới cho các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024, các xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục duy trì, nâng các chất lượng các tiêu chí và phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Hỗ trợ các xã tiếp tục hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của cư dân nông thôn: Giao thông, thủy lợi, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế, ...;

Mục tiêu cụ thể: Phấn đấu có thêm 06 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; Tiếp tục hỗ trợ 02 huyện Cao Phong và Yên Thủy (huyện phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025) hoàn thiện các tiêu chí cấp huyện; Các xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Trong đó, tập trung vào các nhóm nhiệm vụ, giải pháp sau: Tiếp tục thực hiện cuộc vận động xã hội sâu rộng về xây dựng nông thôn mới; Nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện xây dựng NTM theo quy hoạch; Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội nông thô; Tiếp tục quan tâm phát triển văn hoá - xã hội; Phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho cư dân nông thôn; đẩy mạnh thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); Tạo chuyển biến rõ nét về vệ sinh, môi trường, cảnh quan nông thôn theo hướng xanh-sạch-đẹp; Xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu; Xây dựng Hệ thống chính trị vững mạnh, giữ vững quốc phòng, nâng cao chất lượng an ninh, trật tự an toàn xã hội nông thôn; Tăng cường thực hiện hiệu quả các giải pháp huy động nguồn lực thực hiện Chương trình; Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách: Điều chỉnh, bổ sung và cụ thể hóa chính sách của Trung ương phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương; Chính sách của tỉnh để phù hợp với các quy định mới được bổ sung, sửa đổi của Trung ương. Tổ chức, thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân và xây dựng nông thôn mới.

Dự kiến tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới là  2.963,566 triệu đồng, trong đó: Ngân sách trung ương hỗ trợ trực tiếp cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới khoảng: 161,705 tỷ đồng (vốn đầu tư phát triển: 123,035 tỷ đồng, vốn sự nghiệp: 38,67 tỷ đồng); Nguồn ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện: 214,445 tỷ đồng; Nguồn vốn lồng ghép từ ghép từ các Chương trình, dự án thực hiện trên địa bàn nông thôn của tỉnh: 527,416 tỷ đồng; Vốn tín dụng: 2.000 tỷ đồng; Vốn huy động từ các nguồn hợp pháp khác: 60 tỷ đồng./.