DetailController

Kinh tế

Năm 2024: Phấn đấu chuẩn hóa từ 16 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên

16/01/2024 16:30
Năm 2023, toàn tỉnh có 47 sản phẩm được Hội đồng đánh giá, phân hạng cấp huyện đánh giá, phân hạng đạt sản phẩm OCOP từ ba sao trở lên, trong đó: có 35 sản phẩm đã được Ủy ban nhân dân cấp huyện công nhận đạt sản phẩm OCOP hạng 3 sao; 12 sản phẩm đạt trên 70 điểm được cấp huyện đề nghị tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh năm 2023 (đạt 47/16 sản phẩm, vượt 193% so với kế hoạch Ủy ban nhân dân tỉnh giao).
Gắn Chương trình OCOP với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương

Kết quả đánh giá, phân hạng năm 2023, toàn tỉnh có thêm 35 sản phẩm OCOP hạng 3 sao, 12 sản phẩm OCOP hạng 4 sao và 02 sản phẩm OCOP tiềm năng hạng 5 sao, trong đó: Phân theo cấp huyện: Thành phố Hòa Bình (10 sản phẩm); Lạc Thủy (04 sản phẩm); Yên Thủy (04 sản phẩm); Kim Bôi  (03 sản phẩm); Đà Bắc (04 sản phẩm); Lương Sơn (03 sản phẩm); Lạc Sơn (07 sản phẩm); Tân Lạc (06 sản phẩm); Cao Phong (03 sản phẩm) và Mai Châu (03 sản phẩm); Phân theo nhóm ngành như sau: Ngành thực phẩm: 33 sản phẩm; Ngành Đồ uống: 10 sản phẩm; Ngành thảo dược: 01 sản phẩm; Thủ công mỹ nghệ: 01 sản phẩm.

Lũy kế tổng số sản phẩm OCOP toàn tỉnh có 158 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên (02 sản phẩm OCOP tiềm năng hạng 5 sao; 32 sản phẩm OCOP hạng 4 sao và 124 sản phẩm OCOP hạng 3 sao) tập trung chủ yếu vào nhóm sản phẩm đặc thù, thế mạnh của tỉnh được các khách hàng trong nước và quốc tế tin dùng như: Cam Cao phong, Bưởi đỏ Tân Lạc, Cá sông Đà, sản phẩm chế biến từ măng nứa, măng bát độ, nhóm dược liệu như cao cà gai leo, cao xạ đen, du lịch cộng đồng, thổ cẩm dân tộc...

Căn cứ mục tiêu chung của giai đoạn 2021-2025 phấn đấu chuẩn hóa từ 80 sản phẩm OCOP cấp tỉnh trở lên; theo đó mục tiêu cụ thể trong năm 2024: Phấn đấu chuẩn hóa từ 16 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên; Chuẩn hóa 02 sản phẩm: Măng nứa khô nấu ngay, Măng chua thái sẵn của chủ thể sản xuất: Công ty Cổ phần Kim Bôi, địa chỉ: Khu Vai, thị trấn Ba Hàng Đồi, huyện Lạc Thủy được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP quốc gia năm 2024.

Theo đó, trong năm tiếp tục tăng cường sự tập trung chỉ đạo cụ thể, thường xuyên, liên tục, đồng bộ, thống nhất, và huy động được sự tham gia của toàn hệ thống chính trị. Tăng cường công tác lãnh đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sự điều hành quyết liệt của UBND tỉnh; công tác phối hợp chặt chẽ có trách nhiệm của các Sở, ban, ngành đoàn thể và có sự tham gia của cấp ủy Đảng chính quyền để phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị thông qua đưa Chương trình OCOP vào nghị quyết của cấp ủy đảng các cấp; kế hoạch, chương trình công tác chỉ đạo trọng tâm của chính quyền địa phương. Các huyện, thành phố cần gắn Chương trình OCOP với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tổ chức triển khai chương trình, chu trình OCOP một cách đồng bộ, chú trọng vai trò của cấp xã trong việc định hướng, xây dựng kế hoạch OCOP của địa phương và hỗ trợ chủ thể, người dân tham gia chương trình, phát triển sản phẩm OCOP; coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của các địa phương để huy động nguồn lực và tập trung chỉ đạo thực hiện.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo tập huấn và xúc tiến thương mại, quảng bá kết nối giao thương trong và ngoài nước. Triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại đến các địa phương, phối hợp với các đơn vị có liên quan hỗ trợ các chủ thể chủ động tham gia các Hội chợ, Hội nghị xúc tiến thương mại do tỉnh Hòa Bình, các tỉnh thành khác tổ chức trong nước. Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại và thực hiện bảo hộ sở hữu trí tuệ chung cho cả chương trình. Quảng bá rộng rãi chương trình OCOP, tiêu chí của các sản phẩm OCOP đến rộng rãi người tiêu dùng trên địa bàn. Xây dựng thương hiệu OCOP với các sản phẩm đảm bảo chất lượng, giá cả cạnh tranh, số lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Tiếp tục xây dựng thương hiệu OCOP với các sản phẩm đảm bảo chất lượng, giá cả cạnh tranh, số lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng; kiểm soát chặt chẽ việc áp dụng, tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật trong sản xuất đã được quy định trong các văn bản quy phạm của nhà nước. Từ tiêu chuẩn nguyên liệu đầu vào, con người, cơ sở sản xuất đến sản phẩm cuối cùng đưa ra thị thường đều phải được chuẩn hóa, có tiêu chuẩn chất lượng và được chứng nhận (VIETGAP, GMP, HACCP...).  Đây là yếu tố quan trọng giúp sản phẩm mang lại niềm tin cho khách hàng, tạo cơ hội đưa các sản phẩm OCOP tỉnh Hòa Bình vươn ra thị trường trong nước và quốc tế.

Khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia chương trình ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao, công nghệ mới, tiên tiến hiện đại trong sản xuất, bảo quản, chế biến đối với sản phẩm OCOP, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm OCOP, như: Tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP), tiêu chuẩn quy trình làm vệ sinh và thủ tục kiểm soát vệ sinh (SSOP), tiêu chuẩn hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm giới hạn (HACCP), quy trình quản lý chất lượng (ISO)...Thúc đẩy các giải pháp về bảo hộ sở hữu trí tuệ, thương hiệu cộng đồng (chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận), khai thác hiệu quả các giá trị tài sản trí tuệ đối với các sản phẩm OCOP, đặc biệt là các sản phẩm OCOP 4 sao, 5 sao.

Tăng cường công tác quản lý chất lượng sản phẩm OCOP. Cập nhật thường xuyên cơ sở dữ liệu về sản phẩm OCOP của tỉnh, phối hợp với các Sở ngành, cấp huyện, xã: Đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát đối với sản phẩm OCOP đã được đánh giá và công nhận; báo cáo các sản phẩm OCOP không còn sản xuất, không đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm so với quy định để trình cấp có thẩm quyền thu hồi các sản phẩm không đạt tiêu chuẩn của chương trình. Tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc sử dụng logo OCOP đối với các sản phẩm OCOP đã được đánh giá, công nhận đạt từ 3 sao trở lên: trong đó đặc biệt chú ý đối với các sản phẩm đã hết thời hạn (36 tháng) mà không tham gia đánh giá lại, hoặc có sự thay đổi về mức đạt sao sau khi đánh giá, công nhận lại sản phẩm. Rà soát, định hướng phát triển các sản phẩm không chạy theo số lượng mà phát triển sản phẩm theo chất lượng. Tập trung nguồn lực phát triển các sản phẩm đã có, hoàn thiện các điều kiện để nâng hạng các sản phẩm từ 3 sao lên 4 sao, từ 4 sao lên 5 sao nhằm đáp ứng các nhu cầu ngày càng cao của thị trường.