Tổng diện tích tự nhiên toàn huyện là 56.982,79 ha. Diện tích rừng và đất quy hoạch phát triển lâm nghiệp: 43.816,22 ha; Trong đó: Quy hoạch đặc dụng: 5.314,88 ha, quy hoạch phòng hộ: 21.195,99 ha, quy hoạch sản xuất: 17.305,35 ha.
Hiện nay, tổng diện tích có rừng trên địa bàn huyện: 37.149,36 ha; trong đó: Rừng tự nhiên: 30.405,31 ha, rừng trồng: 6.744,05 ha. Độ che phủ rừng trên địa bàn huyện đạt 65,19 %. Để bảo vệ và phát triển rừng, các xã, thị trấn đã củng cố tổ đội quần chúng bảo vệ rừng, Ban chỉ đạo bảo vệ và phát triển rừng cấp xã; Các tổ bảo vệ rừng tại 116 xóm, bản, tổ dân phố có rừng với 879 thành viên. Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện thường xuyên phối hợp với Ủy ban nhân dân xã tổ chức tuần, tra kiểm tra rừng nhằm sớm phát hiện và ngăn chặn các hành vi lấn chiếm đất rừng, khai thác rừng, phát đốt rừng làm nương, mua bán vận chuyển lâm sản trái pháp luật. Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chủ động công tác nắm tình hình, tổ chức nhiều đợt kiểm tra, truy quét nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng. Tính từ năm 2017 đến nay, đã phát hiện và xử lý 74 vụ vi phạm hành chính, tịch thu 51,044 m3 gỗ các loại, 440 kg củi; 500 kg dây thuốc, lâm sản ngoài gỗ có trị 2 triệu đồng, 7 xe máy, 4 cưa xăng. Tổng tiền phạt thu nộp ngân sách Nhà nước 556 triệu đồng, tiền bán hàng 32,8 triệu đồng.
Nhìn chung, những năm qua, diện tích rừng được bảo vệ tốt, phát huy phòng hộ môi trường sinh thái, các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp được xử lý đúng người, đúng quy định của pháp luật, không xảy ra khiếu nại, tố cáo; tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật giảm. Một số mô hình Nông - Lâm kết hợp bước đầu đã phát huy, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Góp phần phát triển kinh tế - xã hội, môi trường sinh thái phát triển du lịch cộng đồng, an ninh quốc phòng của địa phương, xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, công tác quản lý, tổ chức thực hiện quy hoạch còn nhiều bất cập: quy hoạch 3 loại rừng được ban hành, địa phương chưa bố trí nguồn lực thực hiện (cắm mốc giới 3 loại rừng, kinh phí điều chỉnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho phù hợp với quy hoạch). Một số nơi, vị trí quy hoạch chưa thật sự phù hợp với thực tế, còn sai lệch, nên trong quá trình thực hiện một số chương trình, dự án kinh tế - xã hội trên đất lâm nghiệp gặp khó khăn. Nguồn lực đầu tư cho phát triển lâm nghiệp trên địa bàn huyện còn hạn chế. Lực lượng cán bộ công chức Kiểm lâm còn mỏng so với nhu cầu. Định mức chi trả cho hỗ trợ khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng tự nhiên còn thấp, người dân chưa thể dựa vào rừng để đảm bảo sinh kế, thu nhập, ổn định cuộc sống nên chưa tạo động lực để người dân chủ động tự giác trong bảo vệ, phát triển rừng. Do vậy, công tác bảo vệ, phát triển rừng còn chưa thực sự đem lại hiệu quả mong muốn.
Để tiếp tục bảo vệ và phát triển rừng, thời gian tới huyện tăng cường công tác quản lý đất rừng; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng, thực hiện trình tự, thủ tục thuê đất theo quy định, tránh để xảy ra sai sót. Tăng cường thanh tra kiểm tra việc chấp hành luật pháp và giải quyết khiếu nại tố cáo trong quản lý và sử dụng đất rừng sản xuất. Chú trọng đến việc khuyến khích người dân tham gia kiểm tra quản lý sử dụng đất, hạn chế các sai phạm trong quản lý và sử dụng đất rừng sản xuất. Phát triển bền vững vùng nguyên liệu hiện có. Khuyến khích tiến trình quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng. Sử dụng nguồn giống lâm nghiệp có nguồn gốc rõ ràng. Khuyến khích mô hình trồng rừng gỗ lớn, trồng rừng hỗn giao, cây bản địa. Nâng cao năng suất, chất lượng và phát huy giá trị của từng loại rừng, tăng giá trị rừng sản xuất trên đơn vị diện tích; tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng, nhất là các hộ dân có rừng còn nhiều khó khăn…/.