DetailController

Tin từ các đơn vị

Lạc Sơn: Thành công bước đầu trong sản xuất nông sản gắn với xuất khẩu

30/01/2024 15:10
Thực hiện Đề án “Phát triển thị trường xuất khẩu nông sản chủ lực của tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”, huyện Lạc Sơn đã tập trung chỉ đạo khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế về đất đai trên địa bàn để phát triển ngành nông nghiệp. Triển khai và tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với việc đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Lạc Sơn tập trung trồng mía xuất khẩu

Theo thống kê, diện tích gieo trồng bình quân hằng năm của huyện đạt 21.194,1 ha, đạt 100,92%; sản lượng lương thực bình quân đạt 70.652,3 tấn/năm. Tập trung chỉ đạo thực hiện chủ trương cải tạo vườn tạp, duy trì diện tích cây có múi còn khả năng nâng cao chất lượng, phát triển cây Dổi tại các xã Chí Đạo, Quyết Thắng theo hướng tập trung, chuyển đổi đất trồng lúa năng suất thấp sang trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao như: Mía, cây họ bầu bí lấy hạt, dưa hấu, bí xanh... Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn huyện đã đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập của người dân nông thôn, trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh về sản vật, ngành nghề nông thôn của các xã. Đến nay toàn huyện có 15 sản phẩm 3 sao  của 15 chủ thể  (trong đó sản phẩm Tinh bột nghệ Nhưng Vần được đánh giá đạt 04 sao).

Thực hiện đề án, tới nay huyện đã thu hái được một số kết quả bước đầu đáng khích lệ: Công ty TNHH tinh bột nghệ Nhưng Vần Hòa Bình lần đầu tiên xuất khẩu 720 hũ tinh bột nghệ sang thị trường Anh Quốc. Hiện nay, công ty đang làm việc với các đối tác để tìm kiếm các cơ hội xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ và Nhật Bản. Công ty TNHH Đầu tư thương mại Tiến Ngân đã xuất khẩu 17,3 tấn mía ăn tươi được trồng tại xã Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn sang thị trường Hoa Kỳ, 72 tấn sang Hàn Quốc, 18 tấn sang Canada và 1 tấn sang Nhật. Niên vụ mía 2023 – 2024 Công ty ký hợp đồng tiêu thụ khoảng 30 ha mía (trong đó 25 ha mía chính vụ, 5 ha mía trái vụ). Công ty TNHH MTV Tân Hiếu Hưng có trụ sở tại xã Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn hoàn thiện hệ thống dây chuyền ổn định sản xuất tinh bột sắn để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp đã liên kết với các tổ chức, hộ gia đình phát triển các mặt hàng nông sản, như: Công ty TNHH hạt giống Tân Lộc Phát ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân với diện tích 85 ha cây lấy hạt tại 12 xã trong huyện (4 loại cây Bí đỏ, mướp đắng, dưa leo và mướp khía); Công ty TNHH xuất nhập khẩu T9 trồng xoài tại xã Ân Nghĩa 2 ha (xóm Búm 2 diện tích 1,1 ha, xóm Vổ diện tích 0,9 ha); HTX nông nghiệp Chiềng Rồng xã Quyết Thắng và HTX DVNN Hòa Bình liên kết trồng cây gai xanh với diện tích 16,8 ha; Công ty TNHH dịch vụ bảo vệ Welliv, ký kết hợp với 3 hộ tại xóm Vâng, Ngọc Sơn xây dựng vùng trồng rau an toàn, tổng diện tích là 5,2ha.

Tuy nhiên, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp còn chưa cao do chủ yếu là sản xuất truyền thống, chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường xuất khẩu. Sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ, lẻ, sức cạnh tranh còn yếu, nguồn cung hàng hóa đôi khi chưa đáp ứng được cầu tiêu dùng.

Để hướng tới xuất khẩu nhiều sản phẩm hơn nữa, thời gian tới huyện tiếp tục khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư các nhà máy, dây chuyền hiện đại vào các lĩnh vực chế biến nông lâm sản và các ngành thế mạnh của huyện. Thu hút các nguồn lực xã hội hóa vào đầu tư phát triển hạ tầng thương mại phục vụ kinh doanh nông sản. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất giống, canh tác thông minh, chế biến nông sản, bảo quản, nâng cao giá trị nông sản và phân phối, tiêu thụ nông sản từ nguồn sự nghiệp khoa học và các nguồn hợp pháp khác. Đẩy mạnh việc ứng dụng các mô hình có hiệu quả vào các lĩnh vực, nhất là các công nghệ kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp, công nghệ sản xuất gạch không nung, chế biến nông lâm sản, công cụ cơ giới, điện tử, công nghệ thông tin và các lĩnh vực quản lý công nghiệp - xây dựng. Xây dựng hệ thống thông tin với công nghệ hiện đại, nhằm kết nối, cung cấp xử lý thông tin nhanh nhạy, kịp thời, chính xác và hiệu quả cao, phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý, sản xuất kinh doanh, đảm bảo kết nối thông tin nội bộ với tỉnh được thuận lợi. Trong công nghiệp, tập trung vào nâng cao công nghệ sản xuất chế biến nông lâm sản hàng hóa, cải tạo máy công cụ, sản xuất vật liệu xây dựng…/.