DetailController

Tin từ các đơn vị

Lạc Sơn: Phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng nông thôn mới

16/04/2024 16:30
Trong những năm qua, huyện Lạc Sơn đã tập trung phát triển ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản từng bước theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Người dân quan tâm và tổ chức thực hiện, khai thác có hiệu quả về tiềm năng đất đai và nguồn lao động trong nông thôn. Chăn nuôi công nghiệp, trang trại và gia trại phát triển mạnh, từng bước hình thành các trang trại chăn nuôi tập trung (nuôi lợn, gà công nghiệp), tạo ra sản lượng lớn, góp phần không nhỏ vào việc nhận thức về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu chăn nuôi, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người chăn nuôi. Công tác phát triển rừng được quan tâm, trồng rừng theo hướng thâm canh, trồng rừng gỗ lớn cho giá trị kinh tế cao. Xúc tiến thương mại và giới thiệu sản phẩm được duy trì, kinh tế số trong phát triển nông nghiệp được áp dụng. Năng lực thủy lợi được cải thiện, hệ thống các công trình thủy lợi cơ bản đáp ứng được nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của Nhân dân.
Mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm gà Lạc Sơn tại xã Quyết Thắng là một trong những mô hình chăn nuôi hiệu quả, đem lại thu nhập ổn định cho người dân

Sau 3 năm thực hiện Đề án số 03-ĐA/TU, ngày 09/9/2021 của BTV Tỉnh ủy về "Phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025", sản xuất nông nghiệp đã đạt được một số kết quả tích cực. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm bình quân đạt 21.228,6 ha/năm vượt kế hoạch hàng năm. Cây ăn quả có múi: tổng diện tích trồng cây có múi hiện có là 800,02 ha. Ngành chăn nuôi của huyện được quan tâm duy trì, phát triển. Một số mô hình chăn nuôi cho hiệu quả: Mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm gà Lạc Sơn tại xã Hương Nhượng, xã Vũ Bình xã Quyết Thắng; .... đem lại thu nhập ổn định cho người dân. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện 475,1 ha, tổng sản lượng thu hoạch ước đạt 574 tấn (nuôi trồng 491,72 tấn, khai thác 82,28 tấn). Là huyện có thế mạnh về phát triển lâm nghiệp với lợi thế về đất đai, giao thông đường bộ, đường thủy thuận lợi cho vận chuyển lưu thông hàng hóa. Diện tích trồng rừng bình quân 1.1134 ha/năm. Do đó giá trị và chất lượng của rừng từng bước được nâng cao, kinh tế rừng cải thiện đáng kể đời sống nhân dân, xóa đói, giảm nghèo tăng thu nhập. Làm tốt công tác bảo vệ rừng, duy trì tỷ lệ che phủ tự nhiên của rừng đạt 53%.

Hiện nay, toàn huyện có gần 5.267 cơ sở sản xuất, kinh doanh lĩnh vực ngành nghề nông thôn, thu hút trên 8.500 lao động thường xuyên. Một số nghề phát triển như sản xuất vật liệu xây dựng (gạch xi măng), dệt may, cơ khí nhỏ, dịch vụ vận tải hàng hóa, chế biến lâm sản, các nghề dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân nông thôn (xay xát lương thực, nấu rượu, làm bún, bánh, giết mổ và chế biến sản phẩm từ thịt..). Trên địa bàn huyện Lạc Sơn có 02 làng nghề truyền thống: Làng nghề dệt thổ cẩm xóm Lục xã Yên Nghiệp được UBND tỉnh Hoà Bình công nhận làng nghề năm 2013, Làng nghề mây tre đan xóm Bui xã Nhân Nghĩa đã được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận năm 2017. Có doanh thu trong sản xuất kinh doanh trên 2,2 tỷ đồng. Số lao động tham gia trong làng nghề 365 người, lao động thường xuyên 110 người, lao động có tay nghề cao 10 người. Thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng. Tổng số cơ sở sản xuất kinh doanh có 2 hợp tác xã, 220 hộ gia đình. Toàn huyện có 9 trang trại, hoạt động khá, thu nhập bình quân/trang trại đạt trên 300 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho khoảng 50-100 lao động nhàn rỗi ở địa phương.

Trong hoạt động liên kết sản xuất, một số mặt hàng sản phẩm đã được liên kết, tiêu thụ, cụ thể như: Niên vụ mía 2023 – 2024 Công ty TNHH Đầu tư thương mại Tiến Ngân ký hợp đồng tiêu thụ khoảng 30 ha. Đầu năm Công ty TNHH Đầu tư thương mại Tiến Ngân đã xuất khẩu mía ăn tươi đi Hoa Kỳ 17,3 tấn, Hàn Quốc 72 tấn, Canada 18 tấn và Nhật 1 tấn. Mía nguyên liệu mía xuất khẩu được thu mua tại xã Tân Mỹ, Ân Nghĩa... Công ty TNHH hạt giống Tân Lộc Phát ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân với diện tích 88,84 ha cây lấy hạt tại 12 xã trong huyện. Thu nhập trung bình (đã trừ chi phí ứng chưa tính công của dân) Bí đỏ 157 triệu/ ha, mướp đắng 270 triệu/ ha, dưa leo 170 triệu / ha. Mướp khía 250 triệu/ ha, ớt 800 triệu / ha. Công ty Cổ phần Kim Bôi thu mua măng cho chế biến xuất khẩu, tại huyện Lạc Sơn năm 2023 Công ty thu mua khoảng 500 tấn măng tươi…

Để phát triển các sản phẩm nông nghiệp, huyện đã tập trung thực hiện dồn điền đổi thửa. Tổng diện tích dồn điền đổi thửa thực hiện đến nay 623,419 ha (một số địa phương làm tốt dồn điền đổi thửa tạo tiền đề phát triển hàng hóa như: xã Yên Phú, xã Thượng Cốc, xã Định cư….). Tập trung phát triển cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao. Tổng diện tích cây ăn quả 1.209,45ha trong đó: Cam các loại 323,90 ha; Bưởi các loại 463,22 ha (xã Hương Nhượng, xã Chí Đạo, Xã Thượng Cốc, xã Tân Mỹ …); Nhãn 49,5 ha (xã Tân Mỹ …); Vải 31,04 ha; Táo 38,12 ha; cây ăn quả khác 303,67 ha. Phát triển gà ri Lạc Sơn: Gà ri Lạc Sơn chiếm trên 60% tổng đàn gà toàn huyện. Số lượng hộ chăn nuôi theo hình thức trang trại, gia trại chiếm 80% tổng số hộ chăn nuôi. Chăn nuôi dê đang được quan tâm hơn vì đem lại giá trị kinh tế cao và những điều kiện để phát triển phù hợp với tiềm năng lợi thế. Cùng với sự tăng lên diện tích trồng cây ăn quả và rừng trồng, đàn ong được duy trì và phát triển ổn định trên 7.000 đàn ong mật, sản lượng trung bình hàng năm đạt trên 80 tấn. Một số hộ nuôi ong đã được tập huấn về kiến thức sử dụng nhãn hiệu chứng nhận "Mật ong Hòa Bình”, nghề nuôi ong của huyện đang hướng đến việc sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm.Việc phát triển đàn bò hướng thịt đang phát triển, toàn huyện có 01 công ty nuôi bò, với quy mô trên 7.000 con. Ngoài ra còn trồng Cây dổi: Diện tích là 183,4 ha, trong đó xã Chí Đạo (43ha); Quyết Thắng (67,36 ha); Định Cư (4,5 ha); Văn Sơn (15,58 ha); Thượng Cốc (11,65 ha); Xuất Hóa (4,28 ha)....Diện tích cho sản phẩm 65,5 ha, ước sản lượng khoảng trên 21 tấn.

Bên cạnh đó, huyện cũng quan tâm phát triển thủy lợi, hạ tầng giao thông nông thôn. Toàn huyện có 218/301 công trình thủy lợi đạt yêu cầu, chiếm 72,43 % tổng số công trình toàn huyện, Tổng số chiều dài kênh mương được kiên cố 599,76km/901,475km chiếm 66,54 %; công trình thủy lợi đảm bảo tưới cho 8.841,3 ha diện tích lúa, Chiếm 60,84% diện tích cây khác và phục vụ nước sinh hoạt và tạo nguồn cho sản xuất của nhân dân. Giai đoạn Năm 2021-2023 đầu tư sửa chữa được 50 công trình thủy lợi với tổng mức đầu tư 29.125 triệu đồng. Đến nay toàn huyện đã cứng hóa toàn huyện đã thực hiện cứng hóa các công trình giao thông được 271,803km/1.980,05km, bằng 13,73%.

Hiện nay, toàn huyện có 11 xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới (Nhân Nghĩa, Xuất Hóa, Tân Mỹ, Ân Nghĩa, Hương Nhượng, Yên Nghiệp, Thượng Cốc, Yên Phú, Tân Lập, Vũ Bình, Văn Nghĩa). Xã đạt từ 10-13 tiêu chí có 12 xã là: Ngọc Sơn, Định Cư, Chí Đạo, Tuân Đạo, Mỹ Thành, Miền Đồi, Ngọc Lâu, Quý Hòa, Tự Do, Bình Hẻm, Văn Sơn, Quyết Thắng.

Đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu của Đề án, Huyện Lạc Sơn đạt 11/14 chỉ tiêu kế hoạch, phân làm 03 nhóm trong thực hiện Đề án số 03-ĐA/TU phù hợp với tình hình thực tế của huyện./.