DetailController

Văn hóa

Khám phá nét đẹp văn hóa Lễ hội Khai hạ Mường Bi Tân Lạc – Hòa Bình

24/07/2012 00:00

Phần I: Lễ hội Khai hạ Mường Bi

           Nói đến Hòa Bình, phải nói đến là cái nôi sinh sống của người Mường bản địa, trong đó Tân Lạc chính là một trong những vùng Mường cổ xưa nhất, trù phù nhất của người Mường với câu nói nổi tiếng “Nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động”. Nhất Bi ở đây chỉ vùng Mường Bi – Tân Lạc xa xưa với chế độ quan lang hà khắc, giàu có, thống trị một vùng Mường lớn mạnh trù phú nhất trong các vùng Mường. Mường Bi ngày nay gồm 5 xã: Địch Giáo, Do Nhân, Quy Mỹ, Phong Phú, Tuân Lộ, trong đó xã Địch giáo là trung tâm của Mường, nơi có dòng họ Đinh Công lâu đời làm quan lang.

Màn hòa tấu cồng chiêng

Thành lệ, hàng năm cứ mỗi độ tết đến xuân về vào dịp mùng 8 tết âm lịch người dân Mường Bi, huyện Tân Lạc lại tập hợp nhau về miếu thờ tại xóm Lũy, xã Phong Phú tổ chức lễ hội Khai Hạ đầu năm mới. Lễ hội trong lễ hội Khai Hạ được chia ra làm hai phần, phần lễ và phần hội: phần “lễ” là hoạt động thờ cúng Thành Hoàng; phần “hội” là các hoạt động vui chơi văn hóa, biểu diễn nghệ thuật, các trò chơi dân gian. Khai Hạ theo tiếng Mường “Khai Hạ” đọc là “Cai Hạ”, “Hạ” được hiểu là rơm, rạ; còn “Khai” có nghĩa là bắt đầu. Cho nên lễ hội “Khai Hạ” còn được gọi là “Khuổng mùa”, hay chính là lễ hội xuống đồng. Đây cũng là nơi đất đai trù phú, mùa màng quanh năm tươi tốt, địa hình thể hiện đặc tính thung lũng, nhưng bằng phẳng hơn địa hình các vùng khác, nên được chọn là nơi đặt miếu thờ và tổ chức lễ hội Khai Hạ hàng năm.

            Phần “Lễ” là phần bắt đầu cho lễ hội Khai Hạ, đối tượng thờ cúng người dân hướng tới, là vị Đức Thánh Tản Viên hay Thành Hoàng làng, người dân Mường đề cao, tôn sùng vị thần này. Tương truyền rằng xưa kia Đức Thánh Tản (chính là Sơn Tinh, một trong bốn vị thánh bất tử trong tin ngưỡng dân gian Việt Nam), đã có công giúp người dân Mường ở đây  chống lũ, bảo vệ mùa màng, mạng sống cho người dân. Nhân dân tưởng nhớ đến công lao to lớn ấy đã lập miếu thờ Sơn Tinh – Đức Thánh Tản. Không chỉ để tưởng nhớ công ơn, người dân còn cầu mong vị thần phù hộ cho mùa màng bội thu, người dân Mường no đủ.

            Thành phần tham gia lễ gồm ông Mo (ông Trượng cả), tham gia rước gồm 4 đội cờ, 8 người phường bát âm, 12 người đội cồng chiêng, 4 người đội kiệu và 1 người chỉ huy kiệu. Trang phục của thầy Mo: đội mũ có mao, viền đỏ, mặc áo chùm đen và quần nâu, đi đất, cầm quạt giấy; đoàn rước mặc trang phục truyền thống.

            Lễ được tổ chức chọn vẹn vào ngày mùng 8, trước đây vào buổi sáng sớm hôm diễn ra lễ hội, người dân tổ chức săn thú rừng, gọi là hội “toọc noong” (săn thú rừng). Sau đó các Ậu (tên gọi của những người giúp việc cho quan lang), cùng nhân dân tiến hành làm cỗ. Lễ gồm có 6 mâm, 3 mâm để trên bàn thờ, 3 mâm để dưới chiếu. Trên bàn thờ, mâm ở giữa có một lá canh, 1 chai rượu, 1 bát cơm, 1 đôi đũa, 1 đĩa muối, 1 cái chén, đĩa cau trầu có 1 miếng, 1 bát nước đặt một chiếc tăm trên miệng; mâm bên phải có 1 lá canh, 1 chai rượu, 4 bát cơm, 4 đôi đũa, 1 đĩa muối, 4 cái chén, 1 đĩa cau trầu có 4 miếng, 1 bát nước đặt 4 chiếc tăm trên miệng; mâm bên trái đặt 2 cái chén, 1 đĩa trầu cau có 2 miếng, 1 bát nước đặt 2 chiếc tăm trên miệng. Dưới chiếu ở giữa có 1 bình rượu cần, 1 chiếc đũi hoẵng để sống, mâm bên phải cũng như mâm bên trái có 6 lá canh, 6 bát cơm, 6 đôi đũa, 1 đĩa muối, 1 bát nước đặt 6 chiếc tăm trên miệng.

            Phần lễ diễn ra tại miếu thờ Thành Hoàng làng, sau khi ông mo làm lễ, nhân dân tổ chức rước bóng Quốc Mẫu Hoàng Bà và tam vị thánh Tản Viên Sơn Thánh từ miếu thờ Thành Hoàng làng đến bờ suối (nơi Quốc Mẫu Hoàng Bà về trời), theo trình tự đi đầu là thầy mo, tiếp đến là đội cờ, phường bát âm, đội cồng chiêng, đội kiệu và cuối cùng là quan viên, chức sắc và nhân dân. Ra tới nơi, ông Mo thắp hương cúng Thánh Mẫu Hoàng Bà và tam vị Tản Viên Sơn Thánh đã về dự lễ hội Khai Hạ với dân làng. Sau đó ông lại xin âm dương để mời các ngài về Miếu, tiếp theo là mời các thần dân ăn cơm, cúng xong chức tước trong làng mới được vào dâng hương trong Miếu.

            Đây là nghi lễ xưa trong lễ hội Khai Hạ, ngày nay do nhiều yếu tố tác động, nên phần nào nghi thức lễ trong Khai Hạ cũng có sự ảnh hưởng. Trước đây phần cúng lễ được tiến hành từ ngày mùng 7, thì nay phần lễ rút gọn tiến hành vào sáng ngày mùng 8, sau đó là phần hội được tiến hành luôn. Và trước kia phải làm lễ rước Thánh ở bờ suối thì nay, lễ rước Thánh được đưa ra ngay sân vận động ở gần đó, về trang phục, lễ cúng cũng có nhiều sự thay đổi… có lẽ đây là sự ảnh hưởng của yếu tố giao thoa văn hóa giữa các tộc người sinh sống cạnh nhau, và cũng phần nào thể hiện sự tư duy đơn giản trong quan niệm của người Mường.

            Sau khi, các thủ tục trong phần lễ đã xong người dân chuyển sang phần hội. Hội là nơi họ gặp gỡ, giao lưu sau những ngày làm việc vất vả để cùng nhau thoải mái chơi những trò chơi dân gian mà họ yêu thích, đã được truyền lại từ đời này qua đời khác. Không những thể đây còn là dịp để mỗi người thể hiện tài năng, khả năng của mình trong mỗi trò chơi, hoạt động văn nghệ… qua đó mọi người càng thêm gắn bó, hăng say lao động cho một mùa vụ mới.

Một số trò chơi dân gian trong lễ hội Khai Hạ

Hội cồng chiêng: đây có thể được coi là di sản Văn hóa độc đáo nhất của người Mường, tiếng chiêng luôn có mặt trong tất cả các sinh hoạt của người Mường. Trong lễ hội Khai Hạ, đây là dịp để người dân ở Mường Bi có cơ hội khoe sự trầm hùng, hoành tráng, công phu trong dàn chiêng của mình. Khi tiếng chiêng vang lên, nó có một sức hút kỳ lạ, đưa mọi người xích lại gần nhau hơn, thấy một niềm gắn kết sâu sắc và thiêng liêng… ăn sâu vào trong tiềm thức, sinh hoạt của người dân Mường.

Hội ném còn: Sân thi ném còn là một bãi đất rộng, người thi ném còn gồm cả nam và nữ. Con trai, con gái ném còn cho nhau hoặc hai bên nam và nữ thi nhau ném còn. Tổ chức thi ném còn người ta tiếng hành như sau: ở giữa một bãi đất rộng, người ta trồng một cột tre, trên ngọn cao người ta buộc một cái vòng cũng được uốn bằng tre, đường kính khoảng 45 – 50cm, khuôn vòng được quấn giấy màu ngũ sắc. Quả còn làm bằng vải nhiều mảnh ghép lại, hình thang vuông chu vi khoảng 7x7cm, trong quả còn nhồi cát, ở các góc có các tua vải thò ra dài chừng 5cm, cứ cách khoảng 10cm có các tua vải. Lúc cầm quả còn người ta cầm vào đoạn cuối dây vải, quay quả còn theo chiều kim đồng hồ và tung lên ngọn cột làm sao cho quả còn bay vào vòng tròn là thắng cuộc.

 Ngoài ra còn các trò chời khác như: thi bắn nỏ, giã gạo, đan lồng gà, đánh cù, đánh mảng, kéo co, thi hát đối tiếng Mường, hát sắc bùa hay còn gọi là “Xéc púa”, thi các mâm cơm…

            Khi đi lễ hội, người dân luôn chuẩn bị những trang phục đẹp nhất cho mình. Thời trước, trang phục dự hội của người đàn ông tầng lớp quyền quý mặc áo dài chùm hông, vai có một miếng vải đệm ở trong, giữa lưng khâu ghép, xẻ tà hai bên, hai tay không khoét nách; tầng lớp đàn ông thường dân thì đội khăn gấp ba vòng đầu, mặc áo nâu hoặc đen, cổ tròn, xẻ tà hai bên, quần thắt dải rút (bằng vải thô nhuộm chàm hoặc nâu), may theo kiểu quần ống quòe. Trang phục dự hội của nữ tầng lớp quyền quý, chít khăn trắng, mặc áo ngắn vàng hoặc hồng ở trong, áo chùm dài khoác ngoài, váy đen, thắt dây lưng xanh màu mạ, cạp váy hình rồng, yếm đỏ hoặc trắng, tay đeo vòng bạc hoặc hạt cườm, bên hông đeo dây xà tích; tầng lớp phụ nữ thường dân chít khăn trắng, mặc áo ngắn nâu hoặc đen ở trong, áo chùm dài đen khoác ngoài, váy đen hoặc chàm, dây thắt lưng chàm, hoặc đen, cạp váy trái, yếm nâu hoặc đen.

Tang tuong phan Giam tuong phan
Đánh giá bài viết

0.0/5 (0 Lượt đánh giá)