DetailController

Văn hóa

Khám phá nét đẹp văn hóa Lễ hội Khai hạ Mường Bi Tân Lạc – Hòa Bình

24/07/2012 00:00

Phần II: Các yếu tố bản sắc văn hóa trong lễ hội khai hạ của người Mường ở Mường Bi Tân Lạc – Hòa Bình

Trong lễ hội Khai Hạ ở Mường Bi ta nhận thấy có những yếu tố văn hóa cơ bản trong lối lối sống, lối tư duy, ảnh hưởng đến cách thức thể hiện phần lễ, phần hội trong lễ hội Khai Hạ.

 

Miếu thờ Thành Hoàng làng ở xóm Lũy, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc

Quan niệm vạn vật hữu linh: Người Mường không theo một thứ tôn giáo độc thần, khắp các làng bản của người Mường không tìm thấy một ngôi chùa, hay một bia đá,… cho thấy dấu hiệu của Phật giáo, hay Nho giáo, Đạo giáo, nó không giống với các làng của người Việt. Điều đó cũng phần nào cho thấy, đối với người Mường mọi hoạt động văn hóa tâm linh, chỉ là những tín ngưỡng dân gian không hề liên quan gì tới một thứ tôn giáo độc thần, duy nhất. Sở dĩ nói lễ hội Khai Hạ thể hiện tín ngưỡng dân gian là vì trong suốt quá trình lịch sử của người Mường các tôn giáo ngoại lai không xâm nhập được vào các bản Mường.

           Để tiếp cận được với một tôn giáo bên ngoài, phải có những điều kiện tiền đề về tự nhiên và xã hội. Xét về điều kiện tự nhiên, thì người Mường cư trú trong điều kiện địa hình đồi núi, gần như tách biệt hoàn toàn với bên ngoài, nhất là với vùng đồng bằng Sông Hồng thì càng khó tiếp cận. Trước đây, vùng đồng bằng Sông Hồng sớm đã tiếp cận Phật giáo, rồi Nho giáo bằng nhiều con đường khác nhau (cả bằng con đường cưỡng bức và tự nguyện) từ Ấn Độ và Trung Quốc truyền bá sang và cả sau này là đạo Thiên Chúa giáo. Với cư dân ở vùng miền núi Hòa Bình, họ sống trong điều kiện địa hình thung lũng, xung quanh là các dãy núi, chính là những bức tường thành tạo nên sự khép kín đối với hoạt đồng giao thương của cư dân Mường với miền xuôi. Nếu có sự giao thương thường xuyên thì không thể tránh khỏi sự xâm nhập về văn hóa, đặc biệt là sự ảnh hưởng của các tôn giáo. Đó không chỉ là điều kiện tự nhiên, mà nó còn thể hiện cả tính cách của người Mường trong đó, tâm lý nhút nhát không thích va chạm, thu mình, ngại giao lưu, ngại thay đổi nó cũng là cái nét tính cách chung ở hầu khắp các dân tộc thiểu số.

Xét ở góc độ lịch sử, xưa kia phương Bắc đô hộ người Việt, họ cũng không thể nào với tay đến xứ Mường một cách chắc chắn, mà hầu hết công việc của người Mường đều do bộ máy cai trị quan Lang của người Mường tự quyết định. Đến lượt người Pháp, họ đã nhiều lần vạch kế hoạch tổ chức, sắp xếp lai xứ Mường, nhằm thẳng vào thiết chế xã hội Mường, để dễ bề cai trị. Nhưng tất cả chỉ là trên giấy tờ, chính người Pháp đã phải công nhận việc thâm nhận vào thiết chế xã hội Mường, chế độ quan Lang là một điều rất khó, họ không thể đạt được mục đích của mình.

Xét ở nhiều khía cạnh khác nhau, thì người Mường không dễ tiếp thu văn hóa ngoại lai, cũng như không dễ tiếp thu một tôn giáo nước ngoài, nhất là để biến nó thành thứ tôn giáo độc tôn. Mối quan hệ giữa quan Lang – dân Mường là mối quan hệ bền vững, nó tồn tại như một điều hiển nhiên trong thiết chế xã hội của người Mường xưa kia. Người dân Mường coi quan Lang là người lãnh đạo cả về tinh thần và thể xác, quan Lang đại diện cho ông trời, đại diện cho thần linh, quan Lang là xứ giả của các đấng siêu nhiên, quan hệ xã hội Mường cứ êm đềm trôi đi như vậy, vì thế họ cũng không cần có thêm một hệ tư tưởng nào, một sự tôn sùng nào khác.

            Cũng giống nhiều dân tộc khác ở nước ta, người Mường nói chung và người Mường ở Tân Lạc nói riêng theo đa thần giáo, họ tin vào thuyết vạn vật hữu linh. Người Mường không biết đến Ngọc Hoàng – đấng tối cao ở trên trời, trong tiền thức của họ chỉ có vị chúa tể cai quản vũ trụ ba tầng (gồm : Mường trời trên cao dành cho các vị thần linh; Mường đất dành cho những người đã mất, thuộc về thế giới âm; Mường người là thế giới của người sống), tầng vũ trụ trên cùng cao nhất là trời. Quan niệm vạn vật hữu linh này của người Mường cùng giống như quan niệm của người Kinh và nhiều dân tộc khác, nhưng người Mường vẫn có những tín ngưỡng, quan niệm riêng của mình.

            Quan niệm vạn vật hữu linh là yếu tố đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa tâm linh của người dân Mường nói chung và người dân Mường Bi nói riêng, đã được kết tụ và thể hiện trong lễ hội Khai Hạ Mường Bi.

            Xuất phát từ quan niện vạn vật hữu linh từ đó nhận thấy nét đặc trưng mang đậm tín ngưỡng dân gian trong lễ hội Khai Hạ Mường Bi. Trong lễ hội Khai Hạ, tín ngưỡng dân gian còn hết sức phổ biến, mang những nét hồn nhiên mộc mạc. Điều này  nhận thấy rõ như trong mâm cỗ cúng, hay các món ăn nấu thì giữa các xóm, đây đều là những nguyên liệu người ta kiếm để ăn hàng ngày và là cái để họ sinh sống, tồn tại của mình. Chúng được săn bắt từ trong rừng, dưới suối, trong ruộng và xung quanh khu vực sinh sống. Nó vừa mang tính chất tương nguyên của thiên nhiên,vừa chứa đựng sự tinh khiết, mộc mạc như tấm lòng những người vùng sớn cước dâng lên thần thánh của họ.

            Các vị thần được người dân thờ cúng và biết ơn đều gắn liền với các hiện tượng thiên nhiên như: mưa, gió, nắng,…, hay những sự vật cụ thể: dòng sông, ngọn núi, hòn đá, cây rừng, là những con vật hay bất kể cái gì có ảnh hưởng hàng ngày đến cuộc sống của người dân. Nó thể hiện một cuộc sống hòa mình vào thiên nhiên, coi mình là một bộ phận của thiên nhiên, chứ hoàn toàn không áp đặt và phá hoại thiên nhiên. Vị thần mà người Mường tôn thờ trong lễ hội Khai Hạ chính là Vị Thánh Tản Viên và Quốc Mầu Hoàng Bà, họ là những người đã giúp đỡ dân làng chống lại thiên tai, lũ lụt, phù hộ cho mùa màng bội thu, có công với làng bản, nên được họ tôn thờ.

Tang tuong phan Giam tuong phan
Đánh giá bài viết

0.0/5 (0 Lượt đánh giá)