DetailController

Tin từ các đơn vị

Kết quả thực hiện tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền

07/05/2024 15:11
Triển khai thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền, thời gian qua, tỉnh đã tăng cường chỉ đạo công tác phối hợp giữa các ngành, lực lượng chức năng, chính quyền các cấp, phát huy sức mạnh tổng hợp, chủ động thanh tra, kiểm tra, đấu tranh, ngăn chặn và kịp thời xử lý đối với các hành vi vi phạm.
Các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra cửa hàng kinh doanh nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng

Năm 2023 và từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới được kiểm soát, hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, sản xuất, kinh doanh dịch vụ … dần trở lại bình thường. Tình hình sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thuộc lĩnh vực thuốc tân dược, vị thuốc y học cổ truyền, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và hàng hóa liên quan đến thực phẩm vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Cùng với đó sự bùng nổ của dịch vụ Internet và hoạt động kinh doanh, quảng cáo trên các trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội khiến người tiêu dùng dễ dàng tiếp nhận thông tin và thực hiện việc mua bán các sản phẩm chăm sóc sức khỏe tuy nhiên có nhiều thông tin không chính xác về công dụng của nhiều loại mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, vị thuốc y học cổ truyền đã kích thích nhu cầu sử dụng các sản phẩm này ngày càng gia tăng mạnh trên thị trường. Hòa Bình là địa phương nằm sâu trong nội địa không có sân bay, bến cảng, cửa khẩu nên các hoạt động có liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đặc biệt là nhóm hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền tuy không phức tạp nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Số vụ vi phạm nhỏ, không có đường dây, ổ nhóm hoặc có tổ chức, số lượng hàng hóa vi phạm không lớn đã được phát hiện và xử lý kịp thời.

Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại trong tình hình mới. Ban hành kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật đối với các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân; các cơ sở sản xuất, kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng; dịch vụ Spa chăm sóc sắc đẹp, thẩm mỹ viện trên địa bàn tỉnh Hoà Bình. Thường xuyên chỉ đạo các Ngành thành viên, Ban Chỉ đạo 389 các huyện, thành phố tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền. Công tác tuyên truyền được thực hiện tại các cửa hàng kinh doanh, các chợ, siêu thị, các điểm phân phối, mua sắm lớn trên địa bàn tỉnh và được triển khai dưới nhiều hình thức khác nhau. Vận động các tổ chức, cá nhân kinh doanh trực tuyến thực hiện nghĩa vụ đăng ký kinh doanh, nghĩa vụ thuế với cơ quan quản lý nhà nước. Khuyến cáo người tiêu dùng nên mua hàng tại những trang web uy tín, được cấp phép hoạt động, có thông tin liên lạc rõ ràng như địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế… Kết quả đã kiểm tra 36 vụ, số vụ xử lý 29 vụ, số tiền xử phạt trên 65 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh không niêm yết giá hàng hóa tại địa điểm phải niêm yết giá; không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ (hàng hóa vi phạm là thực phẩm, mỹ phẩm); kinh doanh hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam.

Thị trường dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền hiện nay rất đa dạng về chủng loại, nhiều mẫu mã và giá cả phong phú đánh trúng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. Tuy nhiên công tác quản lý, cấp phép, kiểm tra xử lý vi phạm của các lực lượng chức năng còn gặp nhiều khó khăn do các quy định của pháp luật chưa đồng bộ, thống nhất, chế tài xử lý chưa cụ thể. Tỷ lệ phát hiện, xử lý còn thấp, vi phạm diễn ra ngày một đa dạng với phương thức thủ đoạn tinh vi, phạm vi rộng từ thành thị đến nông thôn, miền núi (vận chuyển hàng hóa trên xe thư báo, giao hàng nhanh …). Nhận thức về pháp luật của một bộ phận người dân và một số tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh còn hạn chế. Khó khăn trong công tác kiểm định nhất là mặt hàng mỹ phẩm, dược phẩm đòi hòi chi phí lớn; kinh phí, trang thiết bị, phương tiện và nguồn nhân lực trong công tác kiểm tra, kiểm soát còn hạn chế. Công tác tuyên truyền mới tập trung phản ánh vi phạm, chưa phát huy tốt vai trò giám sát, phát hiện và tố giác vi phạm của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân.

Thời gian tới, để tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền, tỉnh đề nghị Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia quan tâm bổ sung kinh phí cho công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trang cấp các phương tiện, kỹ thuật cho cán bộ công chức để thuận lợi hơn trong công tác phát hiện, đấu tranh, xử lý vi phạm. Thường xuyên tổ chức tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ trực tiếp làm công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với nhóm hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền./.