DetailController

Chuyển đổi số

Kết quả thực hiện công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Hòa Bình năm 2023

05/12/2023 16:45
Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, là yêu cầu khách quan chung của sự phát triển. Nhận thức rõ điều đó, thời gian qua tỉnh Hòa Bình đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện chuyển đổi số với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh, thúc đẩy hoàn thành các chỉ tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ về phát triển chính quyền số, chuyển đổi số và bảo đảm an toàn thông tin mạng.
Các đơn vị viễn thông, công nghệ thông tin như VNPT Hoà Bình, Viettel Hoà Bình… đã góp sức tích cực vào đầu tư hạ tầng, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh

Ngay từ đầu năm 2023, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến các nghị quyết, quyết định, chương trình, kế hoạch của Trung ương, của tỉnh và nâng cao nhận thức, kiến thức về chuyển đổi số đến cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước, qua đó tạo được sự lan tỏa, đồng thuận của người dân, tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các cơ quan, đơn vị đã triển khai nhiều hình thức tuyên truyền, đổi mới nội dung trên các kênh truyền thông như: Trang thông tin điện tử, điện thoại thông minh, mạng xã hội Facecook, Zalo, đài truyền thanh cơ sở, treo pano, áp phích, tờ rơi.... Đồng thời tuyên truyền lồng ghép qua các hội nghị, sinh hoạt cộng đồng. Toàn tỉnh có 1.482 Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xóm, 151 tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, với gần 13.000 thành viên, là cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số các cấp, đóng vai trò then chốt đưa công nghệ số, kỹ năng số đến với người dân. Bên cạnh đó, Kênh truyền thông “Chính quyền điện tử tỉnh Hoà Bình” trên zalo của tỉnh Hoà Bình thường xuyên cập nhật tin tức về mọi lĩnh vực của đời sống xã hội nói chung và lĩnh vực chuyển đổi số nói riêng phục vụ Nhân dân,…

Toàn tỉnh hiện có có 571 thủ tục hành chính có yêu cầu về nghĩa vụ tài chính và được triển khai thanh toán trực tuyến, đạt tỷ lệ 100%. Trong đó, số thủ tục hành chính có phát sinh giao dịch trực tuyến là 286 thủ tục, đạt tỷ lệ 50%; tổng số hồ sơ đã giải quyết của các thủ tục hành chính là 275.798, trong đó số hồ sơ có phát sinh giao dịch thanh toán trực tuyến là 147.395, đạt tỷ lệ 53%.

Đến nay, có 90% cán bộ và doanh nghiệp nhận thức được lợi ích ứng dụng thương mại điện tử, 80% doanh nghiệp tiến hành giao dịch thương mại điện tử (trong đó: 70% doanh nghiệp sử dụng thư điện tử trong hoạt động sản xuất kinh doanh, trên 30% doanh nghiệp có trang thông tin điện tử cập nhật thường xuyên thông tin hoạt động và quảng bá sản phẩm, trên 30% doanh nghiệp tham gia các website thương mại điện tử để mua bán các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, trên 20% doanh nghiệp ứng dụng phần mềm chuyên dụng trong hoạt động sản xuất kinh doanh). Bước đầu hình thành các tiện ích hỗ trợ người tiêu dùng tham gia thương mại điện tử loại hình doanh nghiệp với người tiêu dùng. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư phần mềm chuyên ngành phục vụ quản lý sản xuất - kinh doanh cũng như quảng bá thương hiệu sản phẩm, phát triển thị trường, đẩy mạnh giao dịch hợp tác kinh doanh và khoảng 30% doanh nghiệp vừa và nhỏ có website riêng.

Hiện đã có nhiều tiện ích hỗ trợ người tiêu dùng tham gia thanh toán điện tử trên địa bàn tỉnh, trong đó: 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại cho phép người tiêu dùng thanh toán bằng thẻ thanh toán và thanh toán qua phương tiện điện tử; 100% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông trên địa bàn tỉnh đã thực hiện thanh toán phí dịch vụ của các hộ gia đình qua phương tiện điện tử; 100% cơ sở kinh doanh trong các lĩnh vực thương mại dịch vụ như vận tải, văn hoá, thể thao và du lịch phát triển các kênh giao dịch điện tử phục vụ người tiêu dùng.

Các cơ quan, đơn vị tiếp tục duy trì, cập nhật Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Hoà Bình, phiên bản 2.0 phù hợp Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0 để triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước nhằm đảm bảo định hướng phát triển Chính phủ điện tử/Chính phủ số; thường xuyên cập nhật các xu thế công nghệ như Cloud Computing, AI, Big Data để lựa chọn các giải pháp xây dựng hệ thống thông tin, CSDL hiện đại, tiên tiến phục vụ công tác quản lý nhà nước và vận hành hiệu quả hạ tầng mạng Truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, Nhà nước.

Hệ thống quản lý văn bản và điều hành triển khai tới 100% cơ quan hành chính nhà nước ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã. Các cơ quan nhà nước xử lý văn bản điện tử hoàn toàn trên môi trường mạng qua Hệ thống quản lý văn bản và điều hành, đồng thời thực hiện ký số văn bản điện tử, liên thông gửi lên trục liên thông quốc gia. Năm 2023, theo dõi trên toàn hệ thống phần mềm có 2.198.802 văn bản đến; 489.638 văn bản đi được cập nhật, xử lý và trao đổi trên môi trường mạng giữa các cơ quan, đơn vị.

Hạ tầng mạng thông tin di động có 04 doanh nghiệp (Viettel, Viễn thông Hòa Bình, Mobifone, Vietnammobile) đầu tư xây dựng hạ tầng cung cấp dịch vụ thông tin di động. Đến nay, 100% trung tâm các xã, phường, thị trấn và hầu hết các thôn, bản, cụm dân cư đã được phủ sóng thông tin di động và 151/151 số xã, phường, thị trấn có cáp quang đến khu vực trung tâm với trên 8.231 km cáp quang.

Hệ thống hội nghị truyền hình được kết nối xuyên suốt từ cấp tỉnh, cấp huyện và đến 100% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh để đáp ứng yêu cầu tổ chức các cuộc họp từ 04 cấp chính quyền theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các cơ quan chủ quản, vận hành hệ thống thông tin xây dựng phương án xử lý mã độc cho 100% các hệ thống thông tin đã được phê duyệt cấp độ (62/62) và được cài đặt, lưu trữ tại Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh nhằm ứng phó kịp thời khi có sự cố xảy ra./.