DetailController

Chính trị

Kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri về lĩnh vực xây dựng, giao thông, thủy lợi trước Kỳ họp thường lệ cuối 2023, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 – 2026

15/02/2024 16:50
Tại Kỳ họp thường lệ cuối năm 2023, HĐND tỉnh khóa XVII; Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện giải quyết, trả lời theo thẩm quyền 12 ý kiến, kiến nghị của cử tri về lĩnh vực xây dựng, giao thông, thủy lợi.

1. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo, ưu tiên triển khai thi công tuyến đường 445 Pheo - Chẹ hiện đã xuống cấp trầm trọng, Nhân dân rất mong chờ. Cụ thể: Đoạn đường tránh qua UBND xã Hợp Thành đã hư hỏng nghiêm trọng, cầu qua đoạn UBND xã Hợp Thành (khu vực đường tránh) có nguy cơ sập đổ, mất an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông. Cử tri được biết, đây là dự án cấp bách, tại các kỳ tiếp xúc trước, đại biểu HĐND tỉnh và lãnh đạo UBND tỉnh đã tiếp thu, trả lời với cử tri dự án đã được bố trí nguồn vốn và tiến hành khởi công vào quý I/2023. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại dự án vẫn chưa được triển khai (Nội dung cử tri đã kiến nghị nhiều lần) (Cử tri xã Thịnh Minh, thành phố Hòa Bình)

Trả lời: Dự án cấp bách đê ngăn lũ chống ngập úng Pheo - Chẹ hạ du sông Đà, huyện Kỳ Sơn (nay là thành phố Hòa Bình) do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư. Trong quá trình triển khai thực hiện dự án gặp một số khó khăn vướng mắc: năm 2021 và 2022: Không được bố trí vốn đầu tư dự án. Năm 2023 được cấp 123.500 triệu đồng, trong đó Nguồn vốn xây dựng cơ bản tập trung là 12.000 triệu đồng đã được chi và thực hiện giải ngân có giá trị 9.996 triệu đồng. Riêng nguồn vốn từ thu sử dụng đất 111.500 triệu đồng chưa được chi nguyên nhân do việc giải ngân nguồn vốn này phụ thuộc vào kết quả thu tiền đất sử dụng đất theo công văn số 4137/STC-QLNS ngày 23/11/2023 của Sở Tài chính (đến ngày 22/11/2023, nguồn thu tiền sử dụng đất điều tiết ngân sách tỉnh mới thu được 60.363 triệu đồng, đạt 2,7% kế hoạch giao). Do đó, nguồn vốn bố trí thực hiện cho dự án trong năm 2023 chưa được dẫn đến khó khăn trong quá trình thực hiện. Dự án cấp bách đê ngăn lũ chống ngập úng Pheo - Chẹ hạ du sông Đà đã thực hiện xong các công việc như: Cắm mốc giải phóng mặt bằng (GPMB) toàn tuyến đê; thi công xong rà phá bom mìn đợt 1 (8,4km đầu tuyến); lập xong hồ sơ trích đo giải phóng mặt bằng toàn tuyến đê; phê duyệt xong bản vẽ thiết kế thi công và dự toán các hạng mục: Tuyến đê và các công trình trên tuyến; Cầu Ngòi Mại và đường dẫn hai đầu cầu; Đã phê duyệt thiết kế và bản vẽ thi công phương án di chuyển công trình điện để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng. Ngày 16/01/2024 đã tổ chức triển khai thi công gói thầu thi công xây dựng: Tuyến đê và các công trình trên tuyến đợt 1 (từ Km0 đến Km6+200), hạng mục cầu Ngòi Mại và đường dẫn hai đầu cầu. Ủy ban nhân dân tỉnh giao UBND thành phố Hòa Bình đẩy nhanh công tác đền bù, giải phóng mặt bằng; Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung triển khai thực hiện dự án theo đúng tiến độ đề ra.

2. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo khảo sát, đầu tư xây dựng mới đập Lũng Trong, xóm Bùi Cút, xã Ngọc Mỹ để lưu trữ và cung cấp nước phục vụ sản xuất cho trên 100 ha đất nông nghiệp của hai xóm: Bùi Cút, Mu Biệng hiện nay thường xuyên bị thiếu nước (Cử tri xã Ngọc Mỹ, huyện Tân Lạc)

Trả lời: Qua rà soát nắm bắt thông tin, công trình Đập Lũng Trong (Hói Kha), xã Ngọc Mỹ được phê duyệt đầu tư tại quyết định số 444/QĐ-UBND ngày 09/3/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh, Dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8), tỉnh Hòa Bình. Công trình đã được khởi công ngày 26/01/2021 và hoàn thành ngày 19/01/2022. Ý kiến của cử tri về việc đầu tư xây dựng thêm công trình liên hồ để đưa nước về Đập hồ Lũng Trong (Hói Kha) nhằm tăng thêm trữ lượng nước phục vụ tưới tiêu sản xuất cho nhân dân là cần thiết. Ủy ban nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân huyện Tân Lạc chỉ đạo các phòng ban chức năng và chính quyền địa phương có biện pháp tích nước, tưới nước đảm bảo phục vụ sản xuất cho người dân; đồng thời rà soát, nghiên cứu đánh giá sự phù hợp, cần thiết phải xây dựng công trình để bổ sung vào quy hoạch, kế hoạch của huyện làm cơ sở thực hiện thủ tục đầu tư.

3. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo khảo sát, đầu tư khắc phục tình trạng sạt lở đất do nước xả tràn đập Hồ Bưng gây ra. Đập Hồ Bưng, xã Đông Lai có độ cao lớn nên khi mùa mưa lũ đập xả tràn trực tiếp xuống tạo thành hố sâu nguy hiểm, đồng thời ảnh hưởng đến tuyến đường đi xóm Muôn Chếch và khu vực Đồi Mọi (Cử tri xã Đông Lai, huyện Tân Lạc)

Trả lời: Sau khi nhận được kiến nghị của cử tri, Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao cơ quan chuyên môn rà soát, nắm bắt thông tin, công trình đập Hồ Bưng, xã Đông Lai được cử tri nhắc đến trong ý kiến là công trình hồ Vưng, xã Đông Lai, huyện Tân Lạc. Qua kiểm tra, kênh dẫn sau tiêu năng tràn đập hồ Vưng là suối tự nhiên chưa được kè bảo vệ hai bên, hai bên bờ suối là tà luy đồi của các hộ dân. Do vậy, khi nước chảy tràn lớn kết hợp với mưa to kéo dài sẽ làm xói mòn một số vị trí hai bên bờ tà luy đồi gây sạt lở chân đồi, làm bồi lắng lòng suối kéo theo đất đá về phía hạ du làm ảnh hưởng hoa màu và giao thông của người dân. Ủy ban nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân huyện Tân Lạc phối hợp với Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Hòa Bình kiểm tra rà soát, sớm lập các thủ tục đầu tư xây dựng công trình này theo quy định hiện hành để đảm bảo an toàn cho công trình, tài sản, tính mạng của người dân sinh sống gần hạ lưu đập, chống sạt lở xói mòn đất hai bên sau đường tràn.

4. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo sửa chữa, bổ sung rãnh thoát nước một số đoạn thuộc xã Bình Thanh do không có rãnh thoát nước đất đá tràn ra đường gây khó khăn, nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông; bổ sung rào chắn đoạn qua Trường Mầm non xóm Tiện, xã Thung Nai thuộc đường tỉnh lộ 435 nguy cơ mất an toàn giao thông (Cử tri huyện Cao Phong)

Trả lời: * Kiến nghị của cử tri, Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan giải quyết theo đúng thẩm quyền. Cụ thể, văn bản số 3797/SGTVT-QLKCHTGT ngày 08/12/2023 của Sở Giao thông vận tải chỉ đạo Công ty Cổ phần xây dựng Giao thông Hòa Bình thực hiện: Tổ chức buổi làm việc với các xã nói chung, xã Thung Nai nói riêng dành quỹ đất để làm hệ thống thoát nước. Tăng cường công tác khơi thông hệ thống thoát nước trên các tuyến đường được giao quản lý, đào rãnh đất trên ĐT.435 (đường tỉnh 435) đoạn qua địa bàn xã Bình Thanh để tăng khả năng thoát nước của tuyến đường; đồng thời tăng cường công tác tuần đường, kịp thời vệ sinh mặt đường khi có đất đá tràn ra đường để đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến. Đối với đoạn qua Trường Mầm non xóm Tiện, xã Thung Nai thuộc đường tỉnh 435, yêu cầu bổ sung hệ thống cọc tiêu; biển báo W.225 tại vị trí này để tăng tính cảnh báo, đảm bảo an toàn giao thông qua trường học.

* Ủy ban nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân huyện Cao Phong nghiêm túc triển khai thực hiện các kiến nghị của Sở Giao thông vận tải tại công văn số 3796/SGTVT-QLKCHTGT ngày 08/12/2023, trong đó có các nội dung: Khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ven các tuyến đường bộ, các phòng chuyên môn, Ủy ban nhân dân cấp xã yêu cầu đảm bảo không vùi lấp các cửa xả thoát nước đường bộ có sẵn. Dành quỹ đất để bố trí cửa xả thoát nước cho hệ thống cống rãnh tại Km6+900 và Km7+300, đường tỉnh 435 đảm bảo thoát nước, an toàn giao thông cho khu vực qua xã Bình Thanh, huyện Cao Phong. Tăng cường tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức của nhân dân trên địa bàn trong công tác bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ như: Không vùi lấp cửa xả thoát nước đường bộ, trường hợp cần san lấp phải đặt cống hoặc xây rãnh thoát nước để hạn chế xảy ra úng ngập; Không vùi đất, để vật liệu, củi, gỗ, rác xuống hệ thống rãnh hở, thượng hạ lưu cống để đảm bảo khả năng thoát nước của các công trình đường bộ.

5. Đề nghị UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo cơ quan chuyên môn nghiên cứu, có giải pháp tạo điều kiện đăng ký, đăng kiểm đối với tàu thuyền tại Cảng du lịch xã Thung Nai để giúp cho các hộ dân có phương tiện sản xuất kinh doanh đảm bảo cuộc sống (Cử tri xã Thung Nai, huyện Cao Phong)

Trả lời: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hoà Bình có đa số các phương tiện thủy nội địa được đóng theo phương thức truyền thống đã hoạt động nhiều năm, không có hồ sơ thiết kế ban đầu, hoạt động tự phát, chưa được quản lý cấp đăng ký, đăng kiểm theo quy định. Tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về đăng kiểm phương tiện thủy được nâng lên với yêu cầu cao về chất lượng, bởi vậy lượng phương tiện vận tải thủy của bà con nhân dân chưa được đăng ký, đăng kiểm hoặc đã hết hạn kiểm định nhưng không kiểm định lại được vẫn còn tồn tại nhiều. Cùng với đó, việc thực hiện đăng kiểm phương tiện thủy còn lại rất khó khăn do người dân phải sửa chữa hoán cải với chi phí lớn. Cùng với đó, khi sử dụng phương tiện, người dân thường xuyên thay đổi thông số kỹ thuật và công dụng phương tiện như thay động cơ, kích thước, chuyển đổi công dụng từ chở hàng thành chở khách khi vào mùa lễ hội và ngược lại khi vào mùa vụ khai thác nông sản,…; đồng thời do có chênh lệch khá cao trong tiêu chuẩn các phương tiện thủy nội địa giữa các vùng miền, vì vậy vẫn còn nhiều khó khăn trong công tác đăng kiểm phương tiện thủy nội địa trên địa bàn cả nước nói chung và tỉnh Hòa Bình nói riêng.

Thời gian qua, để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác đăng ký, đăng kiểm phương tiện thuỷ nội địa, nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thuỷ trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều văn bản gửi Cục Đăng kiểm Việt Nam, Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam để có các giải giải pháp tháo gỡ khó khăn trong công tác đăng ký, đăng kiểm phương tiện thuỷ nội địa trên địa bàn tỉnh như:  Báo cáo, đề xuất Bộ Giao thông vận tải miễn giảm hoặc gia hạn việc trang bị thiết bị AIS cho các phương tiện hoạt động trên vùng hồ Hòa Bình. Báo cáo đề xuất Bộ Giao thông vận tải ban hành quy định áp dụng cho vùng SIII là vùng hồ kín, chiều cao sóng chỉ khoảng 0,6m để tháo gỡ khó khăn cho việc trong việc kiểm định phương tiện thủy nội địa trên địa bàn cả nước nói chung và tỉnh Hòa Bình nói riêng. Đề nghị Cục Đăng kiểm Việt Nam tăng cường phối hợp chặt chẽ với Sở Giao thông vận tải Hòa Bình tuyên truyền, hướng dẫn chủ phương tiện thủy nội địa, đơn vị tư vấn thiết kế các quy định về trình tự thẩm định thiết kế, thủ tục kiểm tra và cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường nhằm nâng cao nhận thức và nắm bắt được các quy định của pháp luật trong công tác đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy nội địa theo quy định. Thường xuyên bố trí cán bộ, định kỳ hàng tuần lên Hòa Bình nhằm kịp thời nắm bắt, hướng dẫn và thực hiện công tác đăng kiểm cho các phương tiện thủy nội địa trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao chất lượng các phương tiện vận tải trên khu vực Hồ Hòa Bình, đặc biệt tăng cường dịp trước trong và sau tết và mùa lễ hội xuân năm 2023. Đề nghị Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam tăng cường phối hợp với địa phương thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn Luật giao thông Đường thủy nội địa tới các tổ chức người dân trên địa bàn tỉnh Hòa Bình để người dân kịp thời nắm bắt, cập nhật và triển khai có hiệu quả các quy định liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải đường thuỷ nội địa theo quy định. Đồng thời, chỉ đạo ban hành các văn bản đôn đốc các cơ sở đóng tàu trên địa bàn tỉnh khẩn trương gửi yêu cầu và hồ sơ năng lực cơ sở về Cục Đăng kiểm Việt Nam để thực hiện các thủ tục thông báo năng lực cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện thủy theo quy định. Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan đơn vị liên quan để tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh những cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các hợp tác xã, doanh nghiệp và các hộ cá nhân hoạt động trong lĩnh vực vay vốn để đóng mới, sửa chữa phương tiện thủy và vận tải đường thủy; tiếp tục nghiên cứu, tham mưu đề xuất cơ quan có thẩm quyền các giải pháp nhằm tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong công tác đăng ký, đăng kiểm phương tiện thuỷ nội địa theo quy định pháp luật hiện hành và tình hình thực tế tại địa phương.

6. Đề nghị UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo cho sửa chữa, nâng cấp đoạn đường xóm Thiều Nau và xóm Vỏ, xã Thu Phong, huyện Cao Phong (Đoạn đường này vào khu căn cứ hậu cần 129 ha thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hòa Bình quản lý) tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại, giao thương hàng hóa (Cử tri xã Thu Phong, huyện Cao Phong)

Trả lời: Việc đầu tư xây dựng, nâng cấp sửa chữa hạ tầng giao thông theo ý kiến, kiến nghị của cử tri là hết sức cần thiết và đã được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện. Ủy ban nhân dân tỉnh giao UBND huyện Cao Phong chỉ đạo bộ phận chuyên môn thực hiện rà soát, kiểm tra hiện trạng; đồng thời có kế hoạch huy động các nguồn lực, bố trí kinh phí và chủ động nghiên cứu lồng ghép các nguồn vốn để từng bước đầu tư sửa chữa, nâng cấp tuyến đường theo nguyện vọng của cử tri, đảm bảo hạ tầng giao thông phục vụ sinh hoạt, đi lại giao thương hàng hóa của người dân ngày càng được tốt hơn.

7. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo cơ quan chuyên môn xem xét Dự án cải tạo nâng cấp Hồ Sung vì hiện nay cử tri nhận thấy có 02 hạng mục chưa hợp lý:  Đường tràn thấp, đề nghị nâng cao đường tràn lên 40 cm. Có 03 cống dẫn nước từ hồ ra để phục vụ tưới tiêu, trong đó có 01 cống đặt cao hơn, đề nghị hạ bằng nhau để đảm bảo dẫn nước phục vụ sản xuất (Cử tri thị trấn Hàng Trạm, huyện Yên Thủy)

Trả lời: Công trình hồ Sung thị trấn Hàng Trạm, huyện Yên Thuỷ thuộc dự án WB8 tỉnh Hòa Bình. UBND tỉnh giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển Nông thôn làm Chủ đầu tư. Ngày 27/10/2023, Ban Quản lý đã phối hợp làm việc với các bên liên quan gồm UBND thị trấn Hàng Trạm, huyện Yên Thủy, Ban Quản lý khu phố Khang Chóng và đơn vị thi công đã họp bàn và thống nhất các nội dung/giải pháp thực hiện theo ý kiến của cử tri thị trấn Hàng Trạm (có biên bản làm việc ngày 27/10/2023 kèm theo), một số nội dung cụ thể như sau:

Về nội dung Hạ thấp đáy cống số 3 cho phù hợp để cung cấp nguồn nước phục vụ sản xuất của Nhân dân. Theo hồ sơ khảo sát hiện trạng và thiết kế được phê duyệt, cao độ thiết kế cống số 3 giai đoạn TKBVTC có cao trình cửa vào: +39,75m, cửa ra (điểm đấu nối với hệ thống kênh cũ đã có): +39,70m.  Qua kiểm tra thực tế đã thi công, cao trình cửa vào: +39,73m, cửa ra (điểm đấu nối với hệ thống kênh cũ đã có): +39,70m (chênh cao giữa cửa vào và cửa ra 3cm). Như vậy nhà thầu thi công đã thi công đúng theo hồ sơ thiết kế được duyệt và đảm bảo lấy nước tối đa theo cao trình đáy kênh hiện trạng. Để đảm bảo việc lấy nước giữa các cống số 1, số 2, số 3 được đều nhau, các bên thống nhất đổ cánh phai nâng cao trình cửa vào của cống số 01 và cống số 02 lên bằng cao trình cửa vào cống số 3.

Về nội dung nâng chiều cao bờ tràn của hồ khoảng 0,4 m để đảm bảo việc tích trữ được lượng nước: Công trình hồ Sung gồm các hạng mục: Đập, cống và tràn xả lũ. Do dự án WB8 tỉnh Hòa Bình sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới, theo tiêu chí của Ngân hàng Thế giới là nâng cấp, sửa chữa các hồ mất an toàn, cao trình ngưỡng tràn và cao trình đỉnh đập giữ nguyên theo hiện trạng. Theo đó, khi thiết kế sửa chữa tràn đã giữ nguyên cao trình ngưỡng tràn hiện trạng (cao trình +40,55m). Mặt khác, việc nâng cao cao trình ngưỡng tràn lên 40cm sẽ gây ảnh hưởng đến chân cột điện đường dây 500KV trong lòng hồ, liên quan đến an ninh Quốc gia do vậy dự án không thực hiện nâng cao cao trình ngưỡng tràn. Như vậy kiến nghị của cử tri về công trình hồ Sung, huyện Yên Thủy đã được tiếp thu và giải quyết hoàn thành.

8. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm đầu tư mở 02 tuyến đường liên huyện gồm: tuyến đường từ xóm Dân Lập, xã Lạc Sỹ, huyện Yên Thủy đi xóm Niếng, xã Hưng Thi, huyện Lạc Thủy và tuyến đường từ xóm Sào Vót, xã Lạc Sỹ, huyện Yên Thủy đi xã Cuối Hạ, huyện Kim Bôi để nhân dân thuận tiện giao thương hàng hóa, nông sản (Cử tri xã Lạc Sỹ, huyện Yên Thủy)

Trả lời: Việc đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông kết nối các địa phương đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lai, giao thương hàng hoá và phát triển kinh tế xã hội là hết sức cần thiết. UBND tỉnh giao UBND huyện Yên Thủy chỉ đạo bộ phận chuyên môn thực hiện rà soát quy hoạch nông thôn mới và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương để có kế hoạch huy động nguồn lực, bố trí kinh phí từng bước đầu tư xây dựng tuyến đường đáp ứng nguyện vọng của cử tri. Hiện nay trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 điều chỉnh bổ sung lần thứ 5 của tỉnh Hoà Bình được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 304/NQ-HĐND ngày 30/10/2023 và Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2618/QĐ-UBND ngày 13/11/2023 có nhiều chương trình, dự án đầu tư công phải tạm ngừng thực hiện để tập trung vốn triển khai thực hiện các dự án công trình trọng điểm của tỉnh do đó yêu cầu Uỷ ban nhân dân huyện Yên Thuỷ xem xét, cân đối nguồn lực để triển khai thực hiện.

9. Đề nghị UBND tỉnh xem xét, bố trí kinh phí cải tạo, nạo vét lòng hồ Sậm Vợn và hồ Sậm Cả, xóm Lương Thành đã bị vùi lấp, khả năng tích nước trong hồ không đảm bảo phục vụ sản xuất (Cử tri xã Lạc Lương, huyện Yên Thủy)

Trả lời: Việc đầu tư cải tạo, nạo vét lòng hồ Sậm Vợn (tên gọi khác: Sập Vợn, Sầm Vợn) và hồ Sậm Cả, xóm Lương Thành để đảm bảo phục vụ sản xuất của cử tri xã Lạc Lương, huyện Yên Thủy là rất cần thiết. Ủy ban nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân huyện Yên Thủy nghiên cứu, cân đối các nguồn lực để sớm lập thủ tục đầu tư cải tạo, nạo vét các công trình này theo quy định hiện hành, đáp ứng nguyện vọng của cử tri.

10.  Dự án “Kè đê kết hợp giao thông Phú Lão - Phú Thành” năm 2020 đã cơ bản hoàn thành xong các hạng mục trên địa phận xã Phú Thành, các đoạn qua xã Phú Lão (cũ) và một số đoạn thuộc xã Cố Nghĩa (cũ) không được triển khai thực hiện. Đề nghị UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo triển khai thực hiện, phục vụ dân sinh (Cử tri huyện Lạc Thủy)

Trả lời: Dự án nâng cấp tuyến đê phòng chống lũ cấp bách kết hợp làm đường giao thông xã Phú Lão, huyện Lạc Thủy được Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 276/QĐ-UBND ngày 29/01/2018, với tổng mức đầu tư là 120,0 tỷ đồng, (vốn dự phòng ngân sách trung ương năm 2016 là 20,0 tỷ đồng; vốn ngân sách huyện và vốn huy động các nguồn lực hợp pháp khác là 100 tỷ đồng). Dự án có chiều dài 3,13Km nằm dọc theo bờ trái Sông Bôi đoạn từ Đền Niệm xã Phú Thành tới cầu Đầm Đa xã Phú Nghĩa, thiết kế theo tiêu chuẩn đê phòng lũ cấp IV kết hợp làm đường giao thông cấp V đồng bằng. Trong năm 2018, dự án được giao kế hoạch vốn 20,0 tỷ đồng và triển khai thi công từ quý IV/2018, đã hoàn thành tuyến với chiều dài 1,2km nằm trên đoạn xã Phú Thành, huyện Lạc Thủy. Tuy nhiên, từ năm 2019 đến nay, dự án chưa được bố trí thêm kế hoạch vốn để tiếp tục thực hiện. Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình đã và sẽ tiếp tục có các văn bản đề nghị Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí, hỗ trợ kinh phí còn lại để thực hiện dự án, đảm bảo sớm đưa dự án vào khai thác sử dụng đạt được hiệu quả đầu tư cao nhất... Giao Ủy ban nhân dân huyện Lạc Thủy tập trung huy động nguồn vốn ngân sách huyện để bố trí phần vốn đối ứng thực hiện hoàn thành các hạng mục còn lại của dự án.

11. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo việc đầu tư nâng cấp, sửa chữa tuyến đường 438B đoạn từ đường Hồ Chí Minh (chợ Bông Bạc, xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy) tới các xã Thống Nhất, An Bình huyện Lạc Thủy (Dự án hiện nay đang tạm dừng) (Cử tri huyện Lạc Thủy)

Trả lời: Tuyến đường cử tri có ý kiến, kiến nghị thuộc Dự án Cải tạo, nâng cấp đường Liên Phú 3, xã Thống Nhất đi đường Hồ Chí Minh, huyện Lạc Thủy do Ủy ban nhân dân huyện Lạc Thủy làm chủ đầu tư. Năm 2023, Ủy ban nhân dân huyện Lạc Thủy đã tổ chức lập và phê duyệt hồ sơ thiết kế xây dựng, lựa chọn nhà thầu xây lắp và các đơn vị tham gia thực hiện dự án. Hiện nay trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 điều chỉnh bổ sung lần thứ 5 của tỉnh Hoà Bình được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 304/NQ-HĐND ngày 30/10/2023 và Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2618/QĐ-UBND ngày 13/11/2023 có nhiều chương trình, dự án đầu tư công phải tạm ngừng thực hiện để tập trung vốn triển khai thực hiện các dự án công trình trọng điểm của tỉn, trong đó, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của dự án Cải tạo, nâng cấp đường Liên Phú 3, xã Thống Nhất đi đường Hồ Chí Minh. Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Lạc Thủy và các cơ quan liên quan xem xét, cân đối bố trí kinh phí theo đúng quy định và tình hình tài chính ngân sách của tỉnh để sớm triển khai công trình theo tiến độ đã được phê duyệt.

12. Đề nghị UBND tỉnh xem xét việc đầu tư xây dựng tuyến đường Mường Chiềng – Đồng Chum, hiện nay tuyến đường này chỉ thiết kế xây rãnh thoát nước tại khu dân cư Chiềng Cang, các khu dân cư còn lại chỉ có rãnh đất, nguy cơ bị xói mòn gây ảnh hưởng đến chất lượng công trình và đời sống nhân dân (Cử tri huyện Đà Bắc)

Trả lời: Dự án đường trung tâm xã Đồng Chum đi xã Mường Chiềng, huyện Đà Bắc do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư, thời gian giao thực hiện từ năm 2021 - 2025. Hiện tại, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất huyện Đà Bắc đang thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, nhà thầu thi công đang triển khai thi công xây dựng các vị trí nhân dân tạm ứng trước mặt bằng. Để đánh giá nguy cơ xói lở đồng thời có phương hướng, giải pháp giải quyết đồng bộ trên cả tuyến công trình. Ủy ban nhân dân tỉnh giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan kiểm tra, rà soát toàn bộ hạng mục rãnh thoát nước của công trình, xây dựng phương hướng, giải pháp giải quyết tối ưu nhất cho công trình./.