DetailController

Chính trị

Kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri về lĩnh vực đất đai, tài nguyên và môi trường

16/02/2024 16:30
Tại Kỳ họp thường lệ cuối năm 2023, HĐND tỉnh khóa XVII; Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện giải quyết, trả lời theo thẩm quyền 05 ý kiến, kiến nghị của cử tri về lĩnh vực đất đai, tài nguyên và môi trường. Cụ thể:

1. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm xem xét việc cấp giấy phép khai thác các mỏ đá, hiện nay trên địa bàn xã có nhiều mỏ đá hoạt động khai thác gây ô nhiễm môi trường, khói bụi, bụi, ô nhiễm tiếng ồn; xe chở đá trọng tải lớn làm hư hỏng đường giao thông nông thôn, gây khó khăn trong việc đi lại, nguy cơ mất an toàn giao thông (hiện nay xã Liên Sơn có 16 mỏ đá) (Cử tri xã Liên Sơn, huyện Lạc Thủy)

Trả lời: Trên địa bàn huyện Lương Sơn hiện nay có 45 mỏ còn hiệu lực Giấy phép khai thác khoáng sản: 44 mỏ của Ủy ban nhân dân tỉnh cấp; 01 mỏ của Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp (trong đó, 41 mỏ đang hoạt động và 2 mỏ đang được thực hiện xây dựng cơ bản). Năm 2022, UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác liên ngành theo Quyết định số 1088/QĐ-UBND để kiểm tra việc chấp hành quy định trong khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Kết quả kiểm tra 63 mỏ đá đang hoạt động đã phát hiện một số vi phạm trong lĩnh vực khai thác, sử dụng vật liệu nổ, an toàn lao động và gây ô nhiễm môi trường. UBND tỉnh xử phạt vi phạm hành chính về khoáng sản-môi trường với 82 quyết định xử phạt. Tổng số tiền xử phạt 14,46 tỷ đồng trong đó lĩnh vực khoáng sản trên 12 tỷ đồng; môi trường gần 1 tỷ đồng.  Đề xuất UBND tỉnh tạm dừng hoạt động khai thác của 16 mỏ, yêu cầu các mỏ phải thực hiện khắc phục xong vi phạm mới được cho phép hoạt động khai thác trở lại, đến nay mới có 05 mỏ được cho phép hoạt động trở lại. 

Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND huyện Lương Sơn tiếp tục tiến hành kiểm tra, giám sát, yêu cầu các cơ sở phải đầu tư và vận hành có hiệu quả các công trình bảo vệ môi trường, lắp đặt các dàn phun sương tại các vị trí phát sinh nhiều bụi, khí thải (khu vực nổ mìn, khai thác đá, các tuyến đường vận chuyển, bãi chứa sản phẩm…), nâng cấp đường giao thông trong khu vực. Tuân thủ giờ nổ mìn và hoạt động chế biến đá. Kiên quyết xử lý các chủ mỏ vi phạm các quy định về khai thác khoáng sản, đình chỉ hoạt động hoặc thu hồi Giấy phép khai thác đối với các mỏ có vi phạm về Khai thác khoáng sản, nguy cơ cao về mất an toàn lao động; nợ đọng thuế phí, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gây bức xúc cho người dân.

2. Cử tri tiếp tục đề nghị UBND tỉnh xem xét, có chính sách giải quyết dứt điểm việc cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất cho các hộ dân thuộc Nông trường Sông Bôi (cũ) (Cử tri xã Phú Nghĩa, xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy)

Trả lời: Căn cứ kiến nghị của cử tri cũng như khiếu nại của công dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 2566/QĐ-UBND ngày 08/11/2023 về việc giải quyết khiếu nại của ông Phạm Minh Sơn, trú tại thôn 2A, xã Cố Nghĩa (nay là xã Phú Nghĩa), huyện Lạc Thuỷ, tỉnh Hoà Bình (lần 2) trong đó giao Ủy ban nhân dân huyện Lạc Thuỷ khẩn trương giải quyết kiến nghị, phản ánh của cử tri và nghiêm túc triển khai Kế hoạch số 178/KH-UBND ngày 29/11/2023 của UBND huyện Lạc Thủy về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi là Giấy chứng nhận) cho các hộ dân thuộc Nông trường quốc doanh Sông Bôi (nay là Công ty TNHH HTV Sông Bôi - Thăng Long). Trong đó đã đề ra kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn như sau:

Từ ngày 01/12/2023 đến ngày 31/3 năm 2024 tiếp tục tổ chức đo đạc địa chính và cập nhật hồ sơ địa chính đối với các hộ chưa được đo đạc. Đối với các hộ đã được đo đạc, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn phối hợp với Công ty TNHH HTV Sông Bôi - Thăng Long tổ chức triển khai rà soát các hộ dân có đất thuộc Nông trường Sông Bôi trước đây để xác minh nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất, thu thập các loại giấy tờ có liên quan, lập danh sách niêm yết công khai làm căn cứ để hướng dẫn thủ tục lập hồ sơ cấp GCNQSDĐ. Trường hợp có những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện thì tổng hợp báo cáo và đề xuất biện pháp giải quyết khó khăn vướng mắc cụ thể để xử lý cấp Giấy chứng nhận. Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với với Chi nhánh VPĐK đất đai, UBND các xã, thị trấn, Công ty TNHH HTV Sông Bôi - Thăng Long kiểm tra, thẩm định, xét duyệt và hoàn thiện hồ sơ báo cáo Thanh tra huyện xem xét tham mưu cho UBND huyện theo nội dung chỉ đạo tại mục 2, Văn bản số 1677/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 12/4/2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, xem xét áp dụng quy định của pháp luật để cấp Giấy chứng nhận theo các tiết a, b, c,d, tiểu mục 1.2, mục 1, phần III của Kế hoạch này. Từ 01/4/2024 đến ngày 31/8/2024 cấp GCN được 15% trên tổng số hộ dân và tổ chức họp sơ kết rút kinh nghiệm.

Từ 01/9/2024 đến 31/12/2024 cấp GCN được 40% trên tổng số các hộ dân ở các xã, thị trấn. Tổng hợp những trường hợp còn tồn tại, vướng mắc; xem xét cụ thể đề xuất biện pháp giải quyết từng trường hợp báo cáo Ủy ban nhân dân huyện xem xét, quyết định; những trường hợp giải quyết xong tồn tại, vướng mắc và đủ điều kiện thì hướng dẫn người sử dụng đất lập hồ sơ để cấp Giấy chứng nhận. Từ 01/01/2025 đến 30/6/2025 cấp GCN được 50% trên tổng số các hộ dân ở các xã, thị trấn. Từ 01/7/2025 đến 31/12/2025 cấp GCN được 60% trên tổng số các hộ dân ở các xã, thị trấn. Từ 01/01/2026 đến 30/6/2026 cấp GCN được 80% trên tổng số các hộ dân ở các xã, thị trấn. Từ 01/7/2026 đến 31/12/2026 phấn đấu hoàn thành xong việc cấp Giấy chứng nhận.

Đối với các hộ chưa xác minh được nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất thì căn cứ quy định tại khoản 4, Điều 21 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP và quy định của pháp luật có liên quan thực hiện kiểm tra, xác minh nguồn gốc, quá trình sử dụng đất để giải quyết theo quy định của pháp luật. Tổ chức họp tổng kết, tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Tài nguyên và Môi trường) để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh; báo cáo Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31/3/2027.

3. Đề nghị xem xét, kiểm tra, xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường, nguồn nước do hoạt động của Công ty Môi trường công nghệ cao Hòa Bình, cử tri đã nhiều lần kiến nghị nhưng chưa được xem xét giải quyết gây bức xúc trong Nhân dân (Cử tri huyện Lạc Thủy)

Trả lời: Nhà máy xử lý rác thải của Công ty Cổ phần Môi trường Công nghệ cao tỉnh Hòa Bình đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép môi trường số 113/GPMT-BTNMT ngày 20/4/2023. Công suất xử lý 200 tấn rác sinh hoạt/ngày. Ngày 30/11/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 3637/QĐ-BTNMT thành lập Đoàn kiểm tra cấp giấy phép môi trường “Nhà máy xử lý chất thải” của Công ty, trong đó có đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Lạc Thủy tham gia. Ngày 13/12/2023, Đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra thực tế tại Nhà máy. Tỉnh Hòa Bình đã báo cáo và kiến nghị, đề xuất Đoàn kiểm tra, Bộ Tài nguyên và Môi trường giải quyết những tồn tại về môi trường như ý kiến cử tri phản ánh trong thời gian qua. Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, thẩm định kỹ lưỡng các công trình, hệ thống xử lý chất thải của công ty trước khi cấp Giấy phép môi trường. Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường việc giám sát, kiểm tra theo phân cấp quản lý về môi trường đối với Công ty Cổ phần Môi trường Công nghệ cao tỉnh Hòa Bình, trường hợp phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định.

4. Đề nghị xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 50 hộ di dân năm 2014 từ xã Tân Mai, xã Phúc Sạn, huyện Mai Châu về thôn Suối Tép, xã Đồng Tâm đến nay đã gần 10 năm để người dân yên tâm canh tác sinh sống. Đồng thời xem xét quy hoạch đất Khu Suối Tép cho 70 hộ chuyển từ xã Tân Mai, xã Phúc Sạn về như dự kiến nhưng đến nay đã gần 10 năm vẫn để đất trống, không thấy có dân chuyển về. Cử tri thôn đề nghị nếu không chuyển 70 hộ dân về thì bàn giao lại khu đất đó để đưa vào sử dụng (Cử tri huyện Lạc Thủy)

Trả lời: Dự án xây dựng khu tái định cư để di dân vùng sạt lở 2 xã Tân Mai, Phúc Sạn, huyện Mai Châu gồm 03 Tiểu dự án Xây dựng các khu tái định cư di chuyển 268 hộ dân của 2 xã Tân Mai (nay là xã Tân Thành) và Phúc Sạn (nay là xã Sơn Thủy), huyện Mai Châu, nằm trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng do lở đất, đá lăn và lũ quét trong các mùa mưa lũ. Ngày 05/12/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có công văn số 2171/UBND-KTN về việc rà soát, việc quản lý sử dụng đất đối với các khu tái định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số do thiên tai trên địa bàn tỉnh. Trong đó đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chủ động làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Phát triển nông thôn, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thống nhất hồ sơ, thủ tục bàn giao, tiếp nhận các dự án tái định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số do thiên tai tại các địa phương; chủ động bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách cấp huyện để thực hiện các thủ tục đo đạc, lập hồ sơ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân theo quy định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân theo quy định.

5. Cử tri đề nghị xem xét việc đo đạc, cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, do cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Quyết định số 672 đến nay vẫn chưa cấp được (Cử tri nhiều địa phương)

Trả lời: Theo kết quả rà soát, tổng hợp, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã cấp được 1.327.719 giấy chứng nhận với tổng diện tích 305.497,13 ha; còn khoảng trên 30 nghìn thửa đất chưa được cấp giấy chứng nhận, trong đó đối với đất lâm nghiệp còn trên 22.500 thửa đất chưa được cấp giấy chứng nhận. Ngày 08/11/2023, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 218/KH-UBND về Kế hoạch đo đạc lập bản đồ địa chính, đăng ký, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận và xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính trên địa bàn tỉnh Hoà Bình giai đoạn đến năm 2030, với nguồn tổng kinh phí dự án này khoảng 861 tỷ, trong đó đối với cấp huyện bố trí là 532 tỷ (riêng đối với huyện Mai Châu và huyện Đà Bắc, UBND tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí; thành phố Hòa Bình và huyện Lương Sơn tự túc kinh phí bằng nguồn lực kinh phí thu từ đất để thực hiện dự án; các huyện còn lại UBND tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí).

Tiến độ thực hiện: Đến hết năm 2025 hoàn thành hệ thống bản đồ địa chính và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại thành phố Hòa Bình, huyện Lương Sơn và một phần huyện Đà Bắc; Đến hết năm 2028 hoàn thành hệ thống bản đồ địa chính và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất toàn tỉnh; Đến năm 2030 hoàn thành đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, công tác xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu địa chính để đảm bảo việc vận hành, cập nhật, kết nối cơ sở dữ liệu các cấp từ địa phương đến Trung ương./.

(TLTK: Báo cáo số 49/BC-UBND ngày 7/02/2024 kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thường lệ cuối 2023, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 – 2026)