DetailController

Chính trị

Kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri về lĩnh vực chế độ chính sách

21/02/2024 15:35
Tại Kỳ họp thường lệ cuối năm 2023, HĐND tỉnh khóa XVII; Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện giải quyết, trả lời theo thẩm quyền 16 ý kiến, kiến nghị của cử tri về lĩnh vực chế độ chính sách. Cụ thể:

1. Đề nghị xem xét tăng hệ số hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm khi nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án từ mức hỗ trợ từ 03 lần, lên mức 05 lần giá đất nông nghiệp (Theo Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố (tại công văn số 786 ngày 17/7/2023) cơ quan chức năng của thành phố áp dụng về chính sách bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất dự án khu dịch vụ thiết chế văn hóa xã Quang Tiến là theo quy định cấp xã thực hiện mức hỗ trợ là 3 lần). Tuy nhiên, cử tri được biết đối với dự án khu công nghiệp Bình Phú, xã Mông Hóa lại được hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm mức 05 lần giá đất nông nghiệp. Đề nghị cấp có thẩm quyền làm rõ nội dung nêu trên (Cử tri xã Quang Tiến, thành phố Hòa Bình).

Trả lời: Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân được quy định tại khoản 1, Điều 19, Quyết định số 05/2018/QĐ-UBND ngày 23/01/2018 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hòa Bình (Được sửa đổi tại khoản 8, Điều 1, Quyết định số 46/2021/QĐ-UBND ngày 19/8/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, ban hành kèm theo Quyết định số 05/2018/QĐ-UBND ngày 23/01/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình), được quy định như sau:

“a) Đối với khu vực đô thị (gồm các phường thuộc thành phố Hòa Bình): Hỗ trợ bằng 2 (hai) lần giá đất nông nghiệp đối với đất rừng sản xuất. Hỗ trợ bằng 3,5 (ba phẩy năm) lần giá đất nông nghiệp đối với đất trồng màu, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản. Hỗ trợ bằng 4 (bốn) lần giá đất nông nghiệp đối với đất trồng lúa (đất trồng lúa 01 vụ và đất trồng lúa 02 vụ lúa trở lên).

b) Đối với các xã, thị trấn còn lại (không bao gồm các phường được quy định tại điểm a khoản này): Hỗ trợ bằng 02 (hai) lần giá đất nông nghiệp đối với đất rừng sản xuất. Hỗ trợ bằng 2,5 (hai phẩy năm) lần giá đất nông nghiệp đối với đất trồng màu, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản. Hỗ trợ bằng 3 (ba) lần giá đất nông nghiệp đối với đất trồng lúa (đất trồng lúa 01 vụ và đất trồng lúa 02 vụ lúa trở lên)”. Hiện nay, Ủy ban nhân dân tỉnh đang giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, tham mưu xây dựng dự thảo sửa đổi Quyết định số 05/2018/QĐ-UBND ngày 23/01/2018. Tuy nhiên, quy định này chưa được thông qua, do đó khi Nhà nước thu hồi đất người bị thu hồi đất sẽ được hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 05/2018/QĐ-UBND ngày 23/01/2018 của UBND tỉnh Hòa Bình.

* Đối với Khu công nghiệp Bình Phú được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ khác tại Quyết định số 1359/QĐ-UBND ngày 30/6/2023, đây là thẩm quyền riêng của Chủ tịch UBND tỉnh tùy theo tính chất, trường hợp cụ thể của từng dự án để xem xét.

2. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền xem xét, có chế độ mai táng phí đối với vợ liệt sỹ tái giá (Cử tri xã Xăm Khòe, huyện Mai Châu).

Trả lời: Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2021 đã mở rộng chế độ ưu đãi đối với vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác mà nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành hoặc có công chăm sóc cha đẻ, mẹ đẻ của liệt sĩ khi còn sống thì ngoài được hưởng chế độ trợ cấp tuất hàng tháng còn được hưởng thêm chế độ bảo hiểm y tế. Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân được xây dựng trên nguyên tắc phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, theo mức độ đóng góp, công lao cống hiến, hy sinh của đối tượng và cân đối trong mặt bằng chính sách nói chung đến nay đã và đang được điều chỉnh ngày càng mở rộng đối tượng và mức hưởng. Hiện nay chưa có chủ trương bổ sung chế độ mai táng phí đối với vợ liệt sĩ tái giá.

3. Đề nghị UBND tỉnh xem xét, giải quyết việc sau khi sáp nhập đơn vị hành chính trên địa bàn huyện Mai Châu, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tiến hành đại hội, có cán bộ hoạt động không chuyên trách được bầu giữ chức danh Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, trưởng các ngành đoàn thể và có quyết định chuẩn y của ngành dọc, tuy nhiên không được hưởng lương (Cử tri xã Mai Hịch, huyện Mai Châu).

Trả lời: Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, UBND huyện Mai Châu và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất và đưa ra lộ trình giải quyết dứt điểm kiến nghị của cử tri theo nội dung nên trên.

4. Đề nghị UBND tỉnh xem xét về tỷ lệ đóng góp khi làm đường giao thông nông thôn theo Chương trình xây dựng nông thôn mới nhà nước hỗ trợ 50%, nhân dân đóng góp 50% như vậy rất khó cho người dân thực hiện (Cử tri xã Mai Hịch, huyện Mai Châu).

Trả lời: Ngày 30/10/2023, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết 294/2023/NQ-HĐND Sửa đổi, bổ sung một số điểu của Nghị quyết số 182/2022/NQ-HĐND ngày 20/10/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định nội dung, mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước để thực hiện một số công trình, dự án xây dựng nông thôn mới tỉnh Hoà Bình, giai đoạn 2021 – 2025; thì mức hộ trợ như sau: Mức hỗ trợ tối đa đối với các xã vùng thôn đặc biệt khó khăn là đường xã 100%; đường thôn bản, liên thôn bản, ngõ xóm; trục đượng chính nội động là 100%. Mức hỗ trợ tối đa đối với các xã còn lại là đường xã 90%; đường thôn bản, liên thôn bản, ngõ xóm; trục đượng chính nội động là 90%. Vì vậy, các công trình giao thông thuộc Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh Hoà Bình, giai đoạn 2021 - 2025 được hỗ trợ theo định mức quy định tại Nghị quyết 294/2023/NQ-HĐND ngày 30/10/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh.

5. Đề nghị UBND tỉnh xem xét, giải quyết việc hỗ trợ bò sinh sản cho hộ nghèo, hộ cận nghèo giá cao 30 triệu/1 con, hộ dân đối ứng 10%, thực tế hộ nghèo và hộ cận nghèo không có nguồn đối ứng để thực hiện chương trình (Cử tri huyện Mai Châu).

Trả lời: Tại Khoản 1 Điều 4 Nghị quyết 303/2023/NQ-HĐND ngày 30/10/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh có quy định: “1. Định mức, nội dung hỗ trợ. Tổng mức chi phí các nội dung hỗ trợ từ điểm a đến điểm g Điều này cho (01) dự án: Hỗ trợ từ ngân sách nhà nước không quá 95% tổng chi phí thực hiện một (01) dự án trên địa bàn đặc biệt khó khăn, không quá 80% tổng chi phí thực hiện một (01) dự án trên địa bàn khó khăn, không quá 60% tổng chi phí thực hiện một (01) dự án trên địa bàn khác thuộc phạm vi đầu tư của các chương trình mục tiêu quốc gia. Phần còn lại do đối ứng của đối tượng hưởng lợi...”. Như vậy, người dân tham gia các dự án hỗ trợ bắt buộc phải có kinh phí đối ứng (có thể đối ứng bằng tiền mặt hoặc thức ăn, chuồng trại...quy ra giá trị bằng tiền) để thực hiện dự án. Tuy nhiên, Ủy ban nhân dân tỉnh giao các cơ quan triển khai thực hiện Dự án cần xem xét thực hiện hỗ trợ bò cho phù hợp với nhu cầu và khả năng đối ứng của các hộ dân.

6. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm, trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, tăng mức kinh phí chi cho hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân cấp xã (hiện nay đang thực hiện theo Nghị quyết số 18/NQ-HĐND, ngày 29/7/2021 Trưởng đoàn là 80.000đ, thành viên 50.000đ) để đảm bảo việc thực hiện nhiệm vụ ở cơ sở (Cử tri xã Hợp Tiến, huyện Kim Bôi).

Trả lời: Tại khoản 3, Điều 5, Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND ngày 29/7/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành quy định một số chế độ, định mức chi đảm bảo điều kiện, hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp tỉnh Hòa Bình nhiệm kỳ 2021-2026, theo đó đã quy định chế độ, định mức chi đảm bảo điều kiện hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã quy định mức chi cho công tác giám sát, cụ thể, Trưởng đoàn là 80.000 đồng/người/buổi và thành viên đoàn giám sát là 50.000 đồng/người/buổi. Ủy ban nhân dân tỉnh ghi nhận kiến nghị của cử tri, trong thời gian tới căn cứ khả năng cân đối ngân sách địa phương, sẽ trình Hội đồng nhân dân tỉnh tăng mức chi cho phù hợp.

7. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền xem xét có cơ chế đặc thù về lương, phụ cấp cho cán bộ, công chức ở đơn vị sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã như xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn (Hiện nay sau sáp nhập đã 3 năm, lương và phụ cấp cán bộ, công chức của xã sáp nhập đông nhưng vẫn bằng với xã không sáp nhập chỉ có 5-6 thôn trên 01 xã)  (Cử tri xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn).

Trả lời: Chính phủ đã quy định rất cụ thể về chế độ về tiền lương, phụ cấp đối với cán bộ, công chức cấp xã tại Mục IV, Chương II Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10/6/2023 của Chính phủ. Hiện nay, không có cơ sở để ban hành cơ chế đặc thù về lương, phụ cấp cho cán bộ, công chức ở đơn vị sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã như kiến nghị của cử tri xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn nêu trên. Ủy ban nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân huyện Lương sơn, phổ biến, quán triệt, triển khai đầy đủ các quy định của Trung ương và của tỉnh về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố theo quy định. Xem xét, xử lý trách nhiệm đối với các trường hợp cán bộ, công chức không nắm bắt đầy đủ các quy định liên quan đến vị trí việc làm hoặc nắm bắt đầy đủ, tuy nhiên cố tình đề xuất, kiến nghị các nội dung trái với quy định hiện hành của Nhà nước.

8. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm xem xét giải quyết một số vấn đề khi thực hiện dự án Hồ Cánh Tạng, cụ thể: Tiến độ thi công, đền bù, giải phóng mặt bằng còn chậm; khu tái định cư chưa đảm bảo các hạng mục như: nước sinh hoạt, đường giao thông, trường học... Các hộ có con tách hộ khẩu sau kiểm đếm để đền bù giải phóng mặt bằng không thuộc diện đền bù, không được ưu tiên lên nơi tái định cư (sau năm 2018). Việc đền bù, giải phóng mặt bằng không thu hồi hết diện tích (lấy một phần diện tích đất ở, đất vườn, ruộng...) gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân. Việc thu hồi hết diện tích đất ở của các hộ được phê duyệt phải di chuyển nhà ở lên Khu tái định cư (Ngập 1 phần và các hộ không ngập bị cô lập) gồm 80 hộ (Cử tri xã Bình Hẻm, huyện Lạc Sơn)

Trả lời: *Về nội dung: Tiến độ, thi công đền bù, giải phóng mặt bằng còn chậm; khu tái định cư chưa đảm bảo các hạng mục như: nước sinh hoạt, đường giao thông, trường học… Các hạng mục nước sinh hoạt, đường giao thông, trường học nằm trong giai đoạn 2 của dự án, đến tháng 7/2023 mới có Quyết định điều chỉnh dự án của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nên mới tiếp tục triển khai các hạng mục này. Các hạng mục hiện đang triển khai, dự kiến hoàn thành trong tháng trước ngày 31/3/2024.

* Về nội dung: Đề nghị cho các hộ mới phát sinh (tách hộ) sau năm 2018 được bốc thăm lô đất trên Khu tái định cư để xây dựng nhà ở. Tổng số lô đất tái định cư (sau điều chỉnh quy hoạch) toàn bộ dự án hồ chứa nước Cánh Tạng, tỉnh Hoà Bình là 624 lô, hiện nay số lô các hộ đã bốc thăm, nhận lô đất để làm nhà là 550 lô, còn lại 74 lô trên địa bàn cả 3 xã. Trên cơ sở đề nghị được cấp đất ở của các hộ phát sinh sau thời điểm Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyệt dự án. Ủy ban nhân dân tỉnh giao UBND huyện Lạc Sơn rà soát, tổng hợp, xây dựng phương án giao đất bổ sung cho các hộ dân có nhu cầu để làm nhà ở theo quy định.

* Về nội dung: Việc đền bù, giải phóng mặt bằng không thu hồi hết diện tích (lấy một phần diện tích đất ở, đất vườn, ruộng…) gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân và Đề nghị thu hồi hết diện tích đất ở của các hộ được phê duyệt phải di chuyển nhà ở lên Khu tái định cư (Ngập một phần và các hộ không ngập bị cô lập), gồm 80 hộ. Dự án Hồ chứa nước Cánh Tạng, tỉnh Hoà Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Quyết định số 652/QĐ-TTg ngày 08/6/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyệt điều chỉnh dự án tại Quyết định số 3002/QĐ-BNN-XD ngày 26/7/2023. Theo đó, phạm vi quy mô thực hiện dự án (phần lòng hồ và cụm công trình đầu mối) khoảng 898,8ha, tổng kinh phí được cấp để thực hiện chi trả bồi thường GPMB là 924,25 tỷ đồng. Như vậy, nếu thu hồi cả phần diện tích cô lập (gồm cả các hộ bị thu hồi 1 phần, phần còn lại bị cô lập) sẽ vượt quá tổng kinh phí được cấp để chi trả đền bù GPMB, kinh phí không thể đáp ứng để chi trả cho các hộ. Mặt khác, cao trình ngập lòng hồ đối với các điểm dân cư là 89,25 m, đối với các khu đất sản xuất nông nghiệp là 88,75 m, như vậy phần diện tích trên cao trình 88,75 m (phần đất nông nghiệp) 89,25 m (phần đất ở) không bị ngập, không nằm trong chỉ giới đường biên thu hồi đất, do đó không có cơ sở để Ủy ban nhân dân huyện Lạc Sơn thu hồi theo quy định của Luật Đất đai 2013.

9. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền xem xét về chế độ đối với Cựu chiến binh tham gia quân đội thuộc vùng nội tỉnh (Cử tri xã Xuất Hóa, huyện Lạc Sơn).

Trả lời: Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã ban hành nhiều chủ trương, chế độ chính sách đối với quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng, tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và làm nhiệm vụ Quốc tế ở Lào, Campuchia. Theo đó các quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng tham gia kháng chiến chống Pháp đã phục viên, (giải ngũ) từ 31/12/1960 trở về trước; quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhập ngũ từ 30/4/1975 trở về trước đều đã được xem xét giải quyết chế độ, chính sách theo các quy định hiện hành. Đối với quân nhân nhập ngũ sau ngày 30/4/1975, được xem xét giải quyết chế độ, chính sách theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg. Theo đó chỉ những quân nhân trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quôc, đó là trực tiếp làm nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại các địa bàn xảy ra chiến sự ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và làm nhiệm vụ Quốc tế ở Lào, Campuchia. Các quân nhân có cùng thời gian nhập ngũ nhưng không trực tiếp làm nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại các địa bàn xảy ra chiến sự và thời gian quy định thì không thuộc đối tượng xem xét giải quyết. Đối với ý của cử tri xã Xuất Hóa, huyện Lạc Sơn, qua rà soát, xác minh cử tri đề nghị UBND tỉnh quan tâm nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền xem xét chế độ đối với Cựu chiến binh ở vùng nội tỉnh (không trực tiếp làm nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại các địa bàn xảy ra chiến sự) được hưởng các chế độ chính sách như đối với đối tượng quy định tại Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg. Về nguyện vọng này Đảng, Nhà nước và Quân đội đã nắm được, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại chưa có chủ trương, quy định để xem xét, giải quyết.

10. Đề nghị UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo xử lý Công ty TNHH J.W GLOBAL GARMENT tại xóm Ngải nhiều lần nợ lương công nhân dẫn đến đình công gây mất an ninh trật tự trên địa bàn (Cử tri xã Xuất Hóa, huyện Lạc Sơn).

Trả lời: Kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh đã giao các cơ quan chuyên môn, địa phương xác minh từ đầu năm 2023 đến nay đã xảy ra 03 vụ việc người lao động tập trung đông người để đòi công ty TNHH J.W Global Garment thanh toán lương (lần 1: ngày 30/5/2023; lần 2: ngày 16/10/2023; lần 3: ngày 04/12/2023). Sau khi xảy ra các vụ công nhân tụ tập đông người để đòi quyền lợi, UBND huyện Lạc Sơn đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan tiến hành tiếp xúc với công nhân để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của công nhân và tuyên truyền cho người lao động không nên tập trung đông người gây mất an ninh trật tự trên địa bàn và phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Đồng thời, tiến hành gặp gỡ, trao đổi với doanh nghiệp để nắm tình hình nghe đề xuất phương án giải quyết và có những kiến nghị đối với doanh nghiệp trong việc chấp hành các quy định của pháp luật lao động trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh.

* Kết quả: Các sự việc xảy ra ngày 30/5/2023 và ngày 16/10/2023 Công ty đã chi trả lương cho công nhân đầy đủ như cam kết. Đối với sự việc xảy ra lần 3 (ngày 04/12/2023), Công ty đã cam kết trả lương cho công nhân trước ngày 15/12/2023.  Ủy ban nhân dân tỉnh giao UBND huyện Lạc Sơn chủ trì, phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và xã hội và các đơn vị liên quan thường xuyên nắm bắt tình hình, có biện pháp xử lý khi Công ty TNHH J.W Global Garment vi phạm các quy định về pháp luật lao động.

11. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo giải quyết chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo Nghị định 76/2019/NĐ-CP ngày 08/10/2019 đã nghỉ hưu, chuyển ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn (Cử tri xã Gia Mô, huyện Tân Lạc).

Trả lời: Ủy ban nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân huyện Tân Lạc chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan giao các phòng ban chuyên môn rà soát, tổng hợp các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn trên địa bàn huyện (trong đó có xã Gia Mô) theo Nghị định 76/2019/NĐ-CP để đề xuất các cơ quan có thẩm quyền giải quyết chế độ chính sách kịp thời cho cán bộ đúng theo quy định pháp luật hiện hành.

12. Đề nghị UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo việc triển khai thực hiện Công văn số 1090/VPUBND-NVK ngày 16/2/2023, Công văn số 394/SYT-KHTC ngày 22/02/2023 của Sở Y tế về việc triển khai thực hiện Nghị định số 05/2023/NĐ-CP và Nghị định 56/2021/NĐ-CP ngày 4/7/2011của Chính phủ quy định ưu đãi nghề đối với công chức, viên chức tại các cơ sở công lập, nhưng đến nay chế độ ưu đãi vẫn chưa được thực hiện (Cử tri xã Gia Mô, huyện Tân Lạc).

Trả lời: Về việc chi trả chế độ phụ cấp ưu đãi nghề cho cán bộ y tế theo Nghị định 05/2023/NĐ-CP ngày 15 tháng 02 năm 2023 của Chính phủ: Căn cứ theo đề xuất của các đơn vị, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có văn bản ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy về chủ trương cấp bổ sung kinh phí cho toàn ngành Y tế, tổng kinh phí là 150 tỷ đồng. UBND tỉnh cân đối, sắp xếp, bố trí kinh phí cấp phát trước cho Ngành Y tế 60 tỷ đồng (40% trên tổng số) để chi trả cho cán bộ. Số kinh phí còn lại sẽ tiếp tục bố trí vào năm 2024.

13. Đề nghị UBND tỉnh xem xét, trình bổ sung 04 chức danh: “Trưởng ban Kinh tế; Trưởng ban Pháp chế HĐND cấp xã; Trưởng ban Thanh tra nhân dân; Trưởng ban Giám sát đầu tư cộng đồng” quy định chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; việc kiêm nhiệm chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố và người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố kiêm nhiệm, người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố; mức phụ cấp của từng chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố và mức phụ cấp kiêm nhiệm người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố (Cử tri xã Ngọc Lương, huyện Yên Thủy)

Trả lời: * Về việc “Đề nghị UBND tỉnh xem xét, trình bổ sung 04 chức danh: “Trưởng ban Kinh tế; Trưởng ban Pháp chế HĐND cấp xã; Trưởng ban Thanh tra nhân dân; Trưởng ban Giám sát đầu tư cộng đồng” quy định chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã”. Căn cứ Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10/6/2023 của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, trong đó quy định “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quy định cụ thể các nội dung tại điểm c khoản 3 Điều này…”; Ủy ban nhân dân đã trình Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, cho chủ trương xây dựng 02 dự thảo Nghị quyết gồm: Nghị quyết Quy định chức danh, mức phụ cấp, việc kiêm nhiệm đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; việc kiêm nhiệm đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố; Nghị quyết Quy định mức khoán kinh phí hoạt động của tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã; mức hỗ trợ hàng tháng đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Hoà Bình.

Thường trực HĐND tỉnh đã có văn bản nhất trí đề nghị xây dựng 02 dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh nêu trên, Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Nội vụ hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh theo trình tự, thủ tục theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định trình tại cuộc họp Hội đồng nhân dân tỉnh gần nhất. Trong quá trình tổng hợp, tiếp thu ý kiến góp ý của 32 cơ quan, đơn vị trong tỉnh và qua Hội thảo để hoàn thiện hồ sơ xây dựng dự thảo Nghị quyết, các ý kiến góp ý, đề xuất bố trí số lượng người hoạt động không chuyên trách quy định trên bố trí các chức danh sau: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy; Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam (áp dụng đối với xã, phường, thị trấn có hoạt động nông, lâm, ngư nghiệp và có tổ chức Hội Nông dân Việt Nam); Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự; Chủ tịch Hội Người cao tuổi; Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ; Chủ tịch Hội Khuyến học; Hỗ trợ về công tác Tuyên giáo, dân vận và văn phòng Đảng uỷ; Hỗ trợ về công tác Thể thao, thông tin, truyền thông và quản lý nhà văn hoá; Hỗ trợ về công tác Văn thư, lưu trữ; Hỗ trợ về công tác Xây dựng - giao thông - nông nghiệp - môi trường (đối với xã) hoặc Hỗ trợ về công tác Xây dựng - giao thông - đô thị - môi trường (đối với phường, thị trấn).

Tất cả các ý kiến của 32 cơ quan, đơn vị và đại biểu dự Hội thảo đều không có ý kiến đề xuất các chức danh Trưởng ban Kinh tế; Trưởng ban Pháp chế HĐND cấp xã; Trưởng ban Thanh tra nhân dân; Trưởng ban Giám sát đầu tư cộng đồng là người họat động không chuyên trách ở cấp xã như cử tri xã Ngọc Lương, huyện Yên Thủy đề xuất.

* Về việc kiêm nhiệm chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố và người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố kiêm nhiệm, người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố; mức phụ cấp của từng chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố và mức phụ cấp kiêm nhiệm người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố”. Để đảm bảo quy định của Chính phủ tại Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10/6/2023 quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; các quy định hiện hành của pháp luật, điều kiện, tình hình thực tiễn tại tỉnh Hòa Bình, trong đó: Quy định rõ mức khoán kinh phí hoạt động của tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã; mức hỗ trợ hàng tháng đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố. Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao Sở Nội vụ thực hiện xây dựng dự thảo 02 Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh theo trình tự, thủ tục theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định; dự kiến sẽ trình tại cuộc họp HĐND tỉnh gần nhất. Dự thảo 02 Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh đã quy định cụ thể nội dung cử tri xã Ngọc Lương, huyện Yên Thủy đề xuất, kiến nghị.

14. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm hỗ trợ kinh phí hàng năm để tổ chức ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, nhất là khu dân cư được chọn làm điểm (Cử tri huyện Lạc Thủy).

Trả lời: Thực hiện Thông tư số 121/2017/TT-BTC ngày 15/11/2017 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, căn cứ khả năng ngân sách địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh đã trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 125/2018/NQ-HĐND ngày 06/12/2018 quy định mức chi hỗ trợ đối với Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam cấp xã và Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, theo đó, đã quy định cụ thể như sau: Mức chi hỗ trợ đối với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các xã, phường, thị trấn. Đối với các xã thuộc vùng khó khăn và các xã đặc biệt khó khăn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: 25 triệu đồng/năm/xã. Đối với các xã, phường, thị trấn còn lại: 20 triệu đồng/năm/xã. Mức chi hỗ trợ đối với Ban Công tác Mặt trận ở Khu dân cư. Khu dân cư có quy mô dân số dưới 700 hộ dân: 5 triệu đồng/năm/khu dân cư. Khu dân cư có quy mô dân số cứ tăng thêm 200 hộ dân: 6 triệu đồng/năm/khu dân cư. Đối với các khu dân cư của các xã thuộc vùng khó khăn, xã thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: 7 triệu đồng/năm/khu dân cư.

Các nội dung chi được quy định cụ thể tại Thông tư số 121/2017/TT-BTC ngày 15/11/2017 của Bộ Tài chính (trong đó có nội dung chi tổ chức ngày Hội đại đoàn kết toàn dân tộc cấp xã hàng năm). Như vậy, việc hỗ trợ kinh phí nêu trên là phù hợp với khả năng ngân sách địa phương trong giai đoạn hiện nay. Ngoài ra, tại Thông tư số 121/2017/TT-BTC ngày 15/11/2017 của Bộ Tài chính cũng quy định kinh phí huy động từ nguồn tự nguyện đóng góp của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình theo hình thức xã hội hóa và nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật (nếu có) thực hiện theo nguyên tắc cấp nào vận động cấp đó quản lý, đảm bảo sử dụng đúng mục đích, công khai, dân chủ, minh bạch theo đúng quy định hiện hành. Như vậy, các đơn vị có thể huy động từ các nguồn tự nguyện đóng góp của các tổ chức, cá nhân,… để thực hiện tổ chức ngày hội Đại đoàn kết dân tộc ở địa phương.

15. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm xem xét có chế độ hỗ trợ kinh phí di rời cho các hộ chuyển lên khu tái định cư của xóm Tuổng Bãi, Tuổng Đồi, Đầm Phế, tiếp tục hỗ trợ kinh phí di rời, giãn dân, xen ghép đối với những hộ có nguy cơ bị sạt lở cao trên địa bàn xã (Cử tri xã Mường Chiềng, huyện Đà Bắc).

Trả lời: Căn cứ Quyết định số 590/QĐ-TTg ngày 18/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2021 -2025, định hướng đến năm 2030. Không nêu hỗ trợ kinh phí di rời nhà ở cho các hộ dân di chuyển lên khu tái định cư tập chung. Vì vậy không có cơ sở để xây dựng phương án và kinh phí hỗ trợ theo kiến nghị của các hộ dân. Tiếp tục hỗ trợ kinh phí di rời, giãn dân, xen ghép đối với những hộ có nguy cơ bị sạt lở cao trên địa bàn xã: UBND tỉnh giao UBND huyện Đà Bắc rà soát, đánh giá các hộ nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao để xây dựng kế hoạch ổn định dân cư xen ghép. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND huyện Đà Bắc tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh có văn bản đề xuất với các Bộ, ngành Trung ương xem xét phân bổ kinh phí để thực hiện các dự án di dân, tái định cư và di dân xen ghép trên địa bàn tỉnh.

16.  Đề nghị UBND tỉnh quan tâm có cơ chế hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo, trên địa bàn các xã thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 (Cử tri huyện Đà Bắc).

Trả lời: * Đối với hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025: Ngày 27/3/2023, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 541/QĐ-UBND phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo (huyện Đà Bắc) của tỉnh Hòa Bình thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Dự kiến nguồn vốn thực hiện cho cả giai đoạn là 77.180 triệu đồng (xây mới: 49.880 triệu đồng; sửa chữa 27.300 triệu đồng). Với định mức hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo như sau: Nhà xây mới 40 triệu đồng/hộ; sửa chữa nhà 20 triệu đồng/hộ từ ngân sách Trung ương theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Thông tư 01/2022/TT-BXD ngày 30/6/2022 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 687/QĐ-UBND ngày 07/4/2023 về việc phê duyệt dự toán kinh phí sự nghiệp Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2023 tỉnh Hòa Bình với tổng số kinh phí là 27.080 triệu đồng. Tính đến hết tháng 11/2023 đã hỗ trợ được cho 860 hộ (trong đó xây dựng mới là 494 hộ; sửa chữa là 366 hộ).

* Đối với trường hợp hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo nhưng đã được hỗ trợ nhà ở theo các chương trình, chính sách hỗ trợ khác (Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn; Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở và các chương trình, chính sách khác).

Các trưởng hợp này theo quy định tại Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 01/2022/TT-BXD ngày 30/6/2022 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 thì không thuộc diện được hỗ trợ nhà ở từ nguồn kinh phí của Chương trình Mục tiêu quốc gai giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Các quy định nêu trên là để quy phạm hóa nguyên tắc mỗi đối tượng chính sách chỉ được hỗ trợ về nhà ở một lần. Do đó, trong tình hình kinh tế, nguồn vốn của chương trình hiện nay, trước mắt tập trung hỗ trợ cho nhóm đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa được hỗ trợ về nhà ở để bảo đảm tính công bằng, đồng thời tránh việc trông chờ, ỷ lại của người dân vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Công tác chăm lo cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn cũng là nhiệm vụ thường xuyên được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, chính quyền các cấp cùng nỗ lực triển khai các hoạt động nhằm góp phần cùng Đảng và Nhà nước thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Mặt trận Tổ quốc đã vận động xây dựng quỹ "Vì người nghèo", hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết và thực hiện tốt các hoạt động nhân đạo, từ thiện khác nhằm hỗ trợ, giúp đỡ, chăm lo cho người nghèo, gia đình chính sách, các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn.

Đối với những hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được hỗ trợ nhà ở nhưng thời gian đã lâu dẫn đến nhà ở hư hỏng, dột nát, có nguy cơ sụp đổ mà không được hỗ trợ từ kinh phí của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, Ủy ban nhân dân tỉnh giao UBND huyện Đà Bắc phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện xem xét, giải quyết theo thẩm quyền việc hỗ trợ về nhà ở cho các trường hợp hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được hỗ trợ nhà ở nhưng đến nay đã hư hỏng, dột nát.