DetailController

Chuyển đổi số

Kết quả công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Hòa Bình

04/10/2023 16:56
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác chuyển đổi số trong tất cả các nhiệm vụ chính trị tại địa phương, trong thời gian qua, công tác chuyển đổi số đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền từ quận đến cơ sở của tỉnh quan tâm lãnh đạo, thực hiện. Công tác chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, gắn với cải cách hành chính nhằm xây dựng chính quyền số, hướng đến phát triển đô thị thông minh và cung cấp các dịch vụ tiện ích phục vụ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh bước đầu đã phát huy hiệu quả…
VNPT Hòa Bình cung cấp mạng giáo dục vnEdu góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo

9 tháng đầu năm 2023, Ban chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh đã đã kịp thời ban hành đầy đủ các văn bản để chỉ đạo, triển khai thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh. Hướng dẫn 29/29 Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đã kiện toàn Ban Chỉ đạo chuyển đổi số và ban hành quy chế, kế hoạch triển khai hoạt động của Ban chỉ đạo. Các Sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố cũng đã ban hành tương đối đầy đủ các văn bản để tổ chức thực hiện chuyển đổi số tại cơ quan, đơn vị. Do đó, công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Hoà Bình trong thời gian qua đã được tổ chức chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, qua đó đã đạt được một số kết quả ban đầu quan trọng, tạo nền tảng để tổ chức triển khai thực hiện công cuộc chuyển đổi số của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo. Nhận thức của các cấp, các ngành và người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về chuyển đổi số được nâng lên rõ rệt.

Tỉnh Hoà Bình đã triển khai thí điểm Trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành của Uỷ ban nhân dân dân tỉnh (IOC): Trung tâm IOC cập nhật số liệu theo thời gian thực từ các nền tảng số qua đó phân tích số liệu, theo dõi, so sánh số liệu của các huyện, thành phố, các sở, ngành để kịp thời chỉ đạo điều hành với 9 nội dung: phát triển kinh tế - xã hội, văn bản điều hành điện tử, dịch vụ hành chính công, giám sát an toàn giao thông, thông tin báo chí trên mạng, an toàn thông tin, hệ thống giáo dục, thông tin du lịch, trả lời các kiến nghị của người dân và doanh nghiệp. Hệ thống quản lý văn bản và điều hành triển khai tới 100% cơ quan hành chính nhà nước ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã. Các cơ quan nhà nước xử lý văn bản điện tử hoàn toàn trên môi trường mạng qua Hệ thống quản lý văn bản và điều hành, đồng thời thực hiện ký số văn bản điện tử, liên thông gửi lên trục liên thông quốc gia.

Hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh được duy trì hoạt động ổn định, 100% cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã đều được cấp hộp thư điện tử công vụ phục vụ trao đổi công việc mở rộng đến các đơn vị sự nghiệp, cơ quan Đảng, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, số tài khoản thư điện tử đã cấp cho các cơ quan đơn vị trên địa bàn toàn tỉnh là trên 13.000 tài khoản. Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên sử dụng thư điện tử trong trao đổi công việc đạt trên 50%.

Hiện nay, tỷ lệ số máy tính/CBCC là 100%; Tỉ lệ các đơn vị trực thuộc có mạng LAN là 100%; Tỉ lệ máy tính kết nối internet tốc độ cao (không bao gồm máy tính dùng để soạn thảo tài liệu mật) là 100%; hệ thống sử dụng thiết bị firewall để bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; Hiện đang sử dụng Mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, Nhà nước.

Công tác bảo đảm an toàn thông tin được triển khai bảo đảm an toàn thông tin theo mô hình 4 lớp (lực lượng tại chỗ, giám sát chuyên nghiệp, độc lập kiểm tra, kết nối với hệ thống giám sát quốc gia). Thông qua hệ thống phòng chống mã độc tập trung toàn tỉnh (hệ thống SOC), toàn bộ máy chủ và máy trạm được cài đặt nền tảng phòng chống mã độc tập trung toàn tỉnh được kiểm soát và thông báo hàng  tuần để các cơ quan, đơn vị có phương án xử lý khắc phục kịp thời.

Theo Kế hoạch của Ủy ban chuyển đổi số Quốc gia thì Chủ đề của năm 2023 - Năm quốc gia về dữ liệu số là “Tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới”, trong đó tập trung vào các nội dung chủ yếu: (1) Bảo vệ dữ liệu cá nhân; (2) Công bố và xây dựng các cơ sở dữ liệu cấp bộ, ngành và địa phương; (3) Mở dữ liệu; và (4) An toàn dữ liệu. Do đó, Ban chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các Sở, ngành, địa phương tạo ra sự thay đổi căn bản trong tạo lập, khai thác dữ liệu số từ đó tạo ra giá trị mới, thúc đẩy chuyển đổi số tại tỉnh Hòa Bình. Để có thể đạt được các mục tiêu quan trọng, có tính chất quyết định nêu trên, Ban chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh và các cơ quan, địa phương cần triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như sau:

Các thành viên Ban chỉ đạo là lãnh đạo các Sở, ngành, cơ quan, đơn vị tập trung lãnh đạo, tổ chức triển khai các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch số 71/KH-BCĐCĐS ngày 17/4/2023 của Ban chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh về hoạt động của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Hòa Bình năm 2023.

Các Sở, ban, ngành chủ động phối hợp với các Bộ, ngành chủ quản nền tảng số quốc gia thúc đẩy phát triển và đưa các nền tảng sốquốc gia vào sử dụng. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh lựa chọn, sử dụng các nền tảng số quốc gia phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của tỉnh; thực hiện việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống, cơ sở dữ liệu của tỉnh với các nền tảng số quốc gia nhằm đồng bộ, liên thông dữ liệu; tạo hệ sinh thái dữ liệu và đẩy nhanh quá trình thực hiện chuyển đổi số của tỉnh...

Sở Thông tin và Truyền thông: Tập trung tham mưu xây dựng, ban hành các văn bản liên quan đến việc thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số tại tỉnh theo đúng kế hoạch: Quyết định ban hành Quy chế bảo đảm an toàn thông tin mạng trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Hòa Bình; Kế hoạch triển khai thực hiện mô hình Chuyển đổi số cấp xã trên địa bàn tỉnh Hòa Bình (phiên bản 1.0); Bộ chỉ số đánh giá Chuyển đổi số của các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tỉnh Hòa Bình,…Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số trong công tác cải cách hành chính, cung cấp các ứng dụng, dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp. Tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh các dự án đầu tư nâng cấp nâng cấp trang thiết bị công nghệ thông tin tại Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh đảm bảo đáp ứng các yêu cầu của Công văn số 1552/BTTTT-THH ngày 26/4/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông về hướng dẫn kỹ thuật triển khai Đề án 06. Xây dựng hệ thống phần mềm đánh giá Chuyển đổi số của các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tỉnh Hòa Bình để có thể thực hiện đánh giá các chỉ tiêu ngay trong năm 2023.

Ban chỉ đạo Chuyển đổi số các huyện, thành phố phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ trong Kế hoạch Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển Chính quyền điện tử hướng tới xây dựng Chính quyền số và đảm bảo an toàn thông tin mạng của địa phương; Tập trung các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các Tổ công nghệ số cộng đồng để hướng dẫn, phổ cập kỹ năng số cho người dân./.