DetailController

Chuyển đổi số

Kết quả ban đầu trong phát triển kinh tế số và xã hội số trên địa bàn tỉnh

11/10/2023 16:30
Thời gian qua, tỉnh Hòa Bình đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thúc đẩy đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư, đảng viên, hộ gia đình và các doanh nghiệp về chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ số một cách rộng rãi trong đời sống, sản xuất, kinh doanh, thương mại - dịch vụ cũng như thực thi công vụ. Qua đó, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương mạnh mẽ và bền vững trong giai đoạn mới.
Toàn tỉnh hiện có 4.195 sản phẩm trên sàn thương mại điện tử, có 12.345 giao dịch thành công.

Tỉnh Hòa Bình đặc biệt coi trọng phát triển các mô hình nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, tập trung chủ yếu ở 3 lĩnh vực được ứng dụng các mô hình thông minh là trồng trọt, chăn nuôi và chế biến nông sản. Nhờ đó mà sản phẩm của các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp đã được dán tem truy xuất nguồn gốc, như: HTX trồng chuối Viba (huyện Lương Sơn) đã xây dựng nhà sơ chế, đóng gói, bảo quản chuối, sử dụng tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; HTX chăn nuôi gà Lạc Thủy (huyện Lạc Thủy) sử dụng máy uống tự động, ăn tự động, tem truy xuất nguồn gốc và bán hàng qua website giới thiệu sản phẩm.

Các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử được tăng cường. Tỉnh tập trung xây dựng website thương mại điện tử để bán hàng trực tuyến phù hợp với mô hình, sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng còn hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng marketing trực tuyến, xây dựng thương hiệu trên môi trường Internet phù hợp với các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và tỉnh Hòa Bình nói riêng, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ. Tỉnh cũng kết nối với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam và Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel để tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên các sàn thương mại điện tử postmart.vn, voso.vn. Đây là một kênh thông tin để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, thương hiệu tới mọi khách hàng trong và ngoài nước và thị trường tiềm năng. Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, Hoà Bình có 4.195 sản phẩm trên sàn thương mại điện tử, đứng thứ 04/25 các tỉnh miền Bắc và đứng thứ 05 toàn quốc; có 12.345 giao dịch thành công, đứng thứ 18/25 các tỉnh miền Bắc và đứng thứ 28 toàn quốc.

Ngoài ra, tỉnh đã đẩy mạnh triển khai thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công như: Thuế, điện, nước, viễn thông, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội. Toàn tỉnh hiện có hơn 91 nghìn tại khoản thuộc nhà mạng Viettel, VNPT và MobiFone. Các tài khoản khách hàng đăng ký đều sử dụng thường xuyên, phát sinh giao dịch qua ứng dụng. Thanh toán điện tử trở nên phổ biến trong Nhân dân bởi những lợi ích hỗ trợ đem lại.

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, đến nay có khoảng 284 doanh nghiệp của tỉnh hoạt động trong lĩnh này. Trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp kinh doanh phân phối các sản phẩm công nghệ thông tin với 270 doanh nghiệp, 9 doanh nghiệp sản xuất công nghệ thông tin và 5 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ về công nghệ thông tin.

Trên trụ cột xã hội số, nhiều ứng dụng, phần mềm đã được các sở, ngành của tỉnh xây dựng và triển khai, góp phần đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân một cách nhanh chóng, kịp thời. Tại Bệnh viện tỉnh, đã triển khai bệnh án điện tử tiến tới thay thế hoàn toàn bệnh án giấy và hướng tới xây dựng Bệnh viện thông minh. 100% các trường học trên địa bàn xã đã trang bị nền tảng học trực tuyến để phục vụ công tác dạy và học trên môi trường mạng. 100% các bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế trên địa bàn tỉnh đã triển khai phần mềm quản lý khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế. Trong lĩnh vực du lịch, đã xây dựng và duy trì hiệu quả Cổng Du lịch thông minh với tên miền hoabinhtourism.vn và ứng dụng Du lịch Hòa Bình trên thiết bị di động. Đây là cơ sở dữ liệu về khu, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch, khách du lịch và kết nối liên thông giữa cơ quan Nhà nước về du lịch với doanh nghiệp du lịch. Hệ thống wifi công cộng tại các điểm du lịch trọng điểm của tỉnh hình thành, vận hành phục vụ mục tiêu phát triển ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Toàn tỉnh đang duy trì tổng số thuê bao điện thoại trên 800 nghìn thuê bao, tỷ lệ máy điện thoại sấp sỉ đạt 100 máy/100 dân. Số lượng thuê bao Internet ước đạt trên 600 nghìn thuê bao. Tỷ lệ người sử dụng dịch vụ điện thoại di động có điện thoại thông minh đạt 71%.

Để tiếp tục bứt phá thành công phát triển kinh tế số, xã hội số trong thời gian tới, cộng đồng dân cư, cộng đồng doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị của tỉnh tiếp tục chung sức, đồng lòng triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm; nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội./.