DetailController

Kinh tế

Kết quả 3 năm thực hiện Đề án “Phát triển thị trường xuất khẩu nông sản chủ lực tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”

22/01/2024 15:42
Triển khai thực hiện Đề án "Phát triển thị trường xuất khẩu nông sản chủ lực tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030", trong 3 năm qua, tỉnh đã tập trung xây dựng thương hiệu, sở hữu trí tuệ đối với một số nông sản hàng hóa chủ lực của tỉnh Hòa Bình. Triển khai các chính sách hỗ trợ về đầu tư đổi mới công nghệ, hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đối với các đối tượng có liên quan đến sản xuất, xuất khẩu nông sản. Kết nối các nhà cung cấp để ứng dụng công nghệ mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển sản xuất, chế biến nông sản chủ lực.
Quản lý chặt chẽ chất lượng sản phẩm mang CDĐL cho sản phẩm Cam Cao Phong

Nhằm tạo cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả hỗ trợ các doanh nghiệp, địa phương xây dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ và khai thác hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ đối với một số nông sản hàng hóa chủ lực của tỉnh Hòa Bình, tỉnh đã chú trọng triển khai các hoạt động hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và các địa phương xây dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ và khai thác hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ đối với một số nông sản hàng hóa chủ lực của tỉnh Hòa Bình. Tăng cường triển khai công tác tư vấn hỗ trợ về tra cứu khả năng bảo hộ, hướng dẫn lập hồ sơ và tiến hành thủ tục đăng ký bảo hộ quyền Sở hữu công nghiệp (SHCN) cho 60 lượt doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hướng dẫn cho các tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh về các nội dung nhiệm vụ liên quan đến Sở hữu trí tuệ (SHTT), hỗ trợ các địa phương thực hiện quy trình, thủ tục xin phép UBND tỉnh sử dụng tên địa danh và phê duyệt bản đồ nhằm hoàn thiện hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho 14 sản phẩm nông sản đặc sản của tỉnh Hòa Bình  gắn với tên địa danh của tỉnh Hòa Bình, thành phố Hòa Bình và các huyện Lương Sơn, Yên Thủy, Mai Châu, Kim Bôi, Tân Lạc, Đà Bắc. Đối với các sản phẩm nông sản, truyền thống chủ lực của tỉnh sắp hết hiệu lực bảo hộ quyền SHTT, kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ các chủ sở hữu quyền thực hiện thủ tục gia hạn hiệu lực, cụ thể là: nhãn hiệu tập thể (NHTT) Mía tím Hòa Bình và NHTT Thổ cẩm Mai Châu, sửa đổi thông tin chủ sở hữu Giấy chứng nhận NHTT Quýt Nam Sơn, Tân Lạc. Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh Hòa Bình đã có 104 đơn  đăng ký bảo hộ quyền SHCN của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ trên địa bàn tỉnh nộp về Cục SHTT, có tổng số 41 văn bằng bảo hộ quyền SHCN được Cục SHTT bảo hộ và công bố chính thức trên thư viện số về SHTT của Việt Nam. Trong đó có 08 nhãn hiệu chứng nhận  đã được công bố cấp cho các sản phẩm nông sản đặc sản của tỉnh Hòa Bình, nâng tổng số nhãn hiệu chứng nhận (NHCN) gắn với tên địa danh thuộc tỉnh Hòa Bình lên 28 Nhãn hiệu; tổng số NHTT của tỉnh được bảo hộ đến nay là 19 Nhãn hiệu. Các chủ sở hữu NHCN đã triển khai sử dụng, quản lý, khai thác và phát triển quyền SHTT hiệu quả  nhằm khai thác và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong lĩnh vực SHTT. Năm 2021, Chỉ dẫn địa lý (CDĐL) Cao Phong cho sản phẩm Cam quả đặc sản của huyện Cao Phong đã được Cục Sở hữu trí tuệ công bố việc bổ sung giống Cam V2 vào danh mục các sản phẩm Cam quả của huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình được bảo hộ CDĐL. Khu vực bảo hộ CDĐL đã được mở rộng diện tích ra toàn huyện Cao Phong. Đây là kết quả đạt được của nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh “Nghiên cứu, điều chỉnh mở rộng chỉ dẫn địa lý Cao Phong cho sản phẩm Cam của huyện Cao Phong”.

Bên cạnh đó, phối hợp với các địa phương tổ chức hội nghị trao Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm Gạo của huyện Mai Châu, NHCN Chè Sông Bôi Lạc Thủy và Sả, tinh dầu Sả thành phố Hòa Bình, khoai lang Phú Cường. Các nội dung, giải pháp về tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ được bảo hộ của các chủ sở hữu đã được Sở lồng ghép, tuyên truyền phổ biến để các tổ chức, cá nhân kịp thời nắm bắt và triển khai, góp phần hiệu quả khai thác tiềm năng sản phẩm có thế mạnh của địa phương. Hiện toàn tỉnh có hơn 400 văn bằng bảo hộ  quyền SHCN. Các chủ sở hữu quyền đều có ý thức nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ. Thực hiện chuyển giao quyền sử dụng sáng chế cho Công ty cổ phần nghiên cứu phát triển dược liệu Hòa Bình (Dược liệu MEDICINE) sản xuất các sản phẩm, thực phẩm chức năng để khai thác giá trị thương mại của Sáng chế phục vụ nhu cầu của xã hội. Tổ chức ký kết hợp tác với Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ triển khai các hoạt động SHTT trên địa bàn tỉnh; đồng thời Sở đã ban hành Quyết định thành lập Trạm Khai thác thông tin và Dịch vụ sở hữu công nghiệp (Trạm IPPlatform) tại tỉnh Hoà Bình  với mục tiêu phục vụ và hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Hoà Bình và một số tỉnh thành lân cận về các hoạt động về bảo hộ và thực thi quyền SHTT  nhằm tăng cường tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ và khai thác hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ. Xây dựng và tăng cường quản lý và phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc các sản phẩm hàng hóa của tỉnh trên Website txng.hoabinh.vn. Từ năm 2022-2023, tổ chức Hội đồng đánh giá, xét chọn và đăng tải dữ liệu, cấp mã truy xuất nguồn gốc của tỉnh cho trên 80 sản phẩm nông sản, truyền thống chủ lực của tỉnh trên hệ thống truy xuất nguồn gốc các sản phẩm hàng hóa tỉnh. Triển khai kết nối 03 sản phẩm để đưa lên hệ thống truy xuất nguồn gốc quốc gia theo quy chuẩn GS1. Đây là cơ sở giúp sản phẩm nông sản thế mạnh của tỉnh được quảng bá, kết nối giao thương, tăng cơ hội xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Tổ chức nghiệm thu Dự án “Hỗ trợ xây dựng và phát triển mô hình trồng trọt, chăn nuôi giúp phục hồi sản xuất sau thiên tai, tạo sinh kế cho người dân tại huyện Đà Bắc”, đây là một dự án có rất nhiều ý nghĩa đối với người dân của huyện Đà Bắc, dự án đã xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình giúp cho người dân từng bước khắc phục những thiệt hại lớn do thiên tai, giúp tăng thu nhập, đảm bảo an ninh lương thực, tạo sinh kế việc làm ổn định tại chỗ. Phối hợp thực hiện các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh về SHTT góp phần tạo ra TSTT, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ . Tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ KH&CN về đăng ký bảo hộ NHCN, NHTT cho 09  sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù của tỉnh và sản phẩm gắn với Chương trình OCOP của tỉnh Hòa Bình. Triển khai khảo sát các chủ sở hữu quyền SHTT đối với NHTT, NHCN, CDĐL về đánh giá hoạt động quản lý, khai thác và phát triển các tài sản trí tuệ đã được bảo hộ. Các chủ sở hữu NHTT, NHCN và đơn vị quản lý CDĐL đã thực hiện phiếu khảo sát, đánh giá, trong đó, UBND huyện Cao Phong là cơ quan được UBND tỉnh giao quản lý Chỉ dẫn địa lý Cao Phong, đến nay đã ban hành quy định cấp và thu hồi quyền sử dụng CDĐL “Cao Phong” dùng cho các sản phẩm cam quả của huyện Cao Phong, tỉnh Hoà Bình để triển khai thực hiện phục vụ công tác quản lý và khai thác CDĐL Cao Phong đạt hiệu quả. Chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền đến các hội, nhóm hội sản xuất kinh doanh thành lập các hội trồng Cam, các Hợp tác xã nông nghiệp để quản lý chặt chẽ chất lượng sản phẩm mang CDĐL. Hiện nay trên địa bàn huyện đã thành lập được 01 Hội sản xuất và kinh doanh Cam Cao Phong và 04 Hội trồng cam./.