DetailController

Tin từ các đơn vị

Kết quả 3 năm thực hiện công tác giúp đỡ các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh

13/12/2023 16:20
Sau 3 năm thực hiện công tác giúp đỡ các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh; các cơ quan, đoàn thể trong tỉnh đã có những hoạt động tích cực, đóng góp thiết thực, hiệu quả cả về vật chất, tinh thần đối với địa phương được phân công nhận kết nghĩa, góp phần nâng cao đời sống người dân vùng khó khăn.
Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tặng quà cho xã Mai Hịch, huyện Mai Châu.

Căn cứ vào khung  Chương trình giúp đỡ, các cơ quan, đơn vị đã chủ động xây dựng và ban hành Kế hoạch giúp đỡ xã cho cả giai đoạn 2021-2025 và hằng năm. Đặc biệt khi Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 718-QĐ/TU ngày 14/12/2022 về việc phân công cán bộ, lãnh đạo các cơ quan trong tỉnh theo dõi các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh và Quy định 26-QĐ/TU ngày 14/12/2022 về Quy định cán bộ lãnh đạo các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh theo dõi các xã, phường, thị trấn. Trên cơ sở hướng dẫn của Ban Tổ chức tỉnh ủy, các cơ quan, đơn vị đã thực hiện triển khai lồng ghép công tác theo dõi và giúp đỡ xã đặc biệt khó khăn.

Để nắm bắt thực trạng về kinh tế -xã hội, những vấn đề quan trọng của địa bàn, các cơ quan, đơn vị đã tổ chức các buổi làm việc với Cấp ủy, chính quyền và Nhân dân. Dựa trên kết quả khảo sát, trao đổi thông tin, các cơ quan, đơn vị đã hướng dẫn UBND các xã xây dựng và điều chỉnh kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với quy hoạch và tình hình thực tế của địa phương. Các nội dung triển khai hướng đến việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới của từng địa bàn, củng cố an ninh quốc phòng.

Các cơ quan, đơn vị đã tích cực thực hiện cung cấp thông tin, tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho cán bộ và Nhân dân của xã. Phối hợp với Cấp ủy, chính quyền địa phương nắm chắc tình hình cơ sở, tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc và tôn giáo. Hướng dẫn, góp ý vào quá trình rà soát, bổ sung, điều chỉnh các đề án, quy hoạch lớn của các xã; các chỉ tiêu, mục tiêu kinh tế - xã hội; việc triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Nhiều mô hình được hình thành, có sự gắn kết phát triển sinh kế với nâng cao đời sống Nhân dân, như: Mô hình chăn nuôi Vịt Bầu Bến của Thanh tra tỉnh và Trung tâm Khuyến nông tỉnh (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); mô hình chăn nuôi Lợn Bản địa của Kho bạc Nhà nước tỉnh; mô hình “Hỗ trợ phát triển rừng nâng cao thu nhập cho hộ nghèo” của Ban Dân vận Tỉnh ủy; mô hình chăn nuôi Trâu sinh sản của Hội nông dân; Chuỗi sản xuất liên kết trong hợp tác xã nông nghiệp của Liên minh Hợp tác xã; Nhóm nuôi Gà an toàn, nhóm Trồng rau, lớp dạy nghề Mây giang đan của Hội Liên hiệp Phụ nữ. Ngoài ra, các đơn vị khác đều có những hoạt động lồng ghép để thúc đẩy việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm của địa phương, hướng dẫn xã đủ điều kiện, hoàn thiện hồ sơ công nhận sản phẩm OCOP. Các chính sách ưu đãi vay vốn, hỗ trợ kinh doanh của các ngân hàng đã hỗ trợ vốn cho hội viên, đoàn viên để phát triển kinh tế, cải thiện sinh kế. Qua đó đã giúp Nhân dân gia tăng thu nhập, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, kinh doanh, thay đổi cách nghĩ, cách làm.

Các các đơn vị tham gia giúp đỡ xã đều có hoạt động hỗ trợ về tiền và vật chất; tổ chức thăm hỏi, trao tặng quà cho cấp ủy, chính quyền xã, các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo vượt khó. Hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa và sửa chữa nhà cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn, trao tặng cây giống, con giống; hỗ trợ vật tư, trang thiết bị, nhân công để xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, vệ sinh môi trường, công trình chiếu sáng, công trình nước sạch... Đồng thời triển khai các hoạt động văn hoá -xã hội, y tế - giáo dục ở cơ sở, như: Tập huấn chống đuối nước cho trẻ em, giáo dục giới tính, sức khoẻ sinh sản vị thành niên, chống xâm hại trẻ em, phòng chống tác hại của ma túy, giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết, phòng chống bạo lực gia đình, tuyên truyền bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bài trừ hủ tục lạc hậu trong đồng bào dân tộc thiểu số. Văn phòng Tỉnh ủy, Cục Quản lý thị trường, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh, Trường Chính trị, Hội Nông dân, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh… tổ chức thăm, khám chữa bệnh miễn phí và cấp phát thuốc cho Nhân dân.

Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị đã bố trí làm việc với cấp ủy, chính quyền các huyện, thành phố và xã được giao giúp đỡ để nắm bắt tình hình an ninh chính trị tại địa phương. Hướng dẫn cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chỉ đạo và có kế hoạch củng cố Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, tuyên truyền đấu tranh với các thế lực thù địch, những luận điểm sai trái, cảnh giác trước những thông tin độc hại. Tổ chức, triển khai nhiều mô hình để đẩy mạnh Phong trào toàn dân đoàn kết, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn. Điển hình mô hình “Tổ Liên gia tự quản”, “Dòng họ tự quản về an ninh trật tự” của Công an tỉnh triển khai tại xã Hang Kia và Pà Cò (huyện Mai Châu). Nhiều đơn vị cung cấp các ấn phẩm, tạp chí, bản tin để tuyên truyền nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, đảm bảo ổn định chính trị, an ninh trật tự trên địa bàn.

Đối với các thôn đặc biệt khó khăn, huyện đã chủ động phân công các phòng chuyên môn triển khai các nội dung cụ thể giúp đỡ thôn đặc biệt khó khăn, góp phần tăng hiệu quả công tác giúp đỡ xã, thôn. Trong đó, UBND huyện Đà Bắc  phân công, nhiệm vụ các cơ quan, đơn vị được giao giúp đỡ các xóm đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn. UBND huyện Cao Phong cũng phân công 9 cơ quan, đơn vị giúp đỡ các xóm đặc biệt khó khăn của 3 xã. Các hoạt động đóng góp thiết thực, hiệu quả cả về vật chất, tinh thần đối với xóm được phân giúp đỡ góp phần xóa đói, giảm nghèo, từng bước ổn định và nâng cao đời sống đồng bào vùng đặc biệt khó khăn./.