DetailController

Sức khỏe - Đời sống

Kết luận nội dung giải trình tại phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh liên quan đến công tác quản lý, vận hành và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung trên địa bàn tỉnh

15/06/2025 13:59
Ngày 03/6/2025, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Kết luận số 207/KL-HĐND nội dung giải trình tại phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh tháng 5/2025.
Từng bước giải quyết vấn đề khó khăn về nước sinh hoạt, nâng cao chất lượng cuộc sống, sức khỏe của người dân, cộng đồng

Theo đó, thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/02/2025; Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 20/11/2015. Ngày 22/5/2025, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức họp Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh để lãnh đạo Uỷ ban nhân dân và các thành viên Uỷ ban nhân dân tỉnh giải trình nội dung “Công tác quản lý, vận hành và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung trên địa bàn tỉnh Hòa Bình” tại Kế hoạch số 108/KH-HĐND ngày 13/3/2025 của Hội đồng nhân dân tỉnh. Đồng chí Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh chủ trì phiên họp. Tham dự phiên họp gồm Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh; đại diện Lãnh đạo Uỷ ban nhân dân tỉnh; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; Lãnh đạo các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh; đại diện Lãnh đạo các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh và Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố; Lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh; Lãnh đạo Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh, Lãnh đạo các phòng chuyên môn thuộc Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh. Sau khi nghe đại diện Lãnh đạo Uỷ ban nhân dân tỉnh; Lãnh đạo các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và Uỷ ban nhân dân một số huyện, thành phố giải trình các nội dung theo yêu cầu của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, ý kiến phát biểu của các đại biểu. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất kết luận các nội dung giải trình, như sau:

Đánh giá chung: Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh ghi nhận và đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của các cơ quan trong việc chuẩn bị nội dung giải trình về “Công tác quản lý, vận hành và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung trên địa bàn tỉnh Hòa Bình” và các nội dung liên quan. Lãnh đạo các sở, ngành, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố được yêu cầu giải trình đã thể hiện tinh thần cầu thị, trách nhiệm, nghiêm túc trả lời đầy đủ, giải trình làm rõ những vấn đề mà đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và cử tri quan tâm; lãnh đạo Uỷ ban nhân dân tỉnh đã giải trình, làm rõ thêm những ý kiến giải trình của Thủ trưởng các sở, ngành, thẳng thắn nhận rõ trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành của Uỷ ban nhân dân tỉnh và đưa ra các giải pháp để sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém, kịp thời đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tạo sự chuyển biến trong thời gian tới.

Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh ghi nhận và đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện của Uỷ ban nhân dân tỉnh, các Sở, ngành, cũng như tinh thần trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị tại các huyện, thành phố trong việc quán triệt, triển khai thực hiện theo chủ trương của Đảng và các quy định của pháp luật về công tác quản lý, vận hành và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Kinh phí xây dựng các công trình cấp nước tập trung cũng đã được quan tâm, đầu tư, góp phần nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước hợp vệ sinh từ 82% năm 2014 lên 95,9% năm 2024 (vượt 0,9% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh đề ra), góp phần từng bước giải quyết vấn đề khó khăn về nước sinh hoạt, nâng cao chất lượng cuộc sống, sức khỏe của người dân, cộng đồng.

Để tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng và các quy định của pháp luật về công tác quản lý, vận hành và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung trên địa bàn tỉnh Hòa Bình trong thời gian tới, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành của tỉnh tập trung triển khai thực hiện một số nội dung sau:

Về hoàn thiện chính sách pháp luật: Cần tập trung rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn các cơ chế, chính sách còn thiếu hoặc còn mâu thuẫn, chồng chéo trong quản lý, vận hành và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung. Chỉ đạo các đơn vị liên quan kịp thời tham mưu xây dựng để sớm ban hành đơn giá nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh làm cơ sở cho các đơn vị thực hiện. Ban hành chính sách cụ thể để hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc và hạn chế nhằm thu hút mạnh mẽ, đông đảo các thành phần kinh tế tham gia đầu tư dự án cung cấp nước sạch cho vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Về hiệu quả đầu tư: Tăng cường đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung có quy mô lớn, đồng bộ; ưu tiên nguồn lực từ ngân sách nhà nước, vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài đặc biệt là nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; kết hợp kêu gọi nguồn lực xã hội hóa đầu tư vào các công trình cấp nước nông thôn để giảm chi phí từ ngân sách nhà nước. Rà soát lại toàn bộ các công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung trên địa bàn tỉnh. Trong đó, phân loại và có phương án xử lý cụ thể đối với từng nhóm công trình (hoạt động bền vững, hoạt động trung bình, hoạt động kém hiệu quả, không hoạt động); đặc biệt là 110 công trình không hoạt động và không có hồ sơ. Trên cơ sở đó, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đối với việc thất lạc hồ sơ, sai phạm, vi phạm trong đầu tư, quản lý, vận hành, khai thác các công trình cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh Hòa Bình (nếu có). Chỉ đạo các đơn vị có liên quan, Chủ đầu tư và UBND các huyện, thành phố ngay từ khâu khảo sát và thiết kế xây dựng cần khảo sát, thẩm định đảm bảo chất lượng tránh trường hợp khảo sát, thiết kế không sát với thực tế, dẫn đến khi hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng công trình đã không đạt được hiệu quả như thiết kế ban đầu hoặc có công trình đưa vào sử dụng một thời gian ngắn nhưng không hoạt động gây lãng phí.


Tỉnh đầu tư kinh phí xây dựng các công trình cấp nước sạch, nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước hợp vệ sinh

Về quản lý, vận hành, sử dụng: Tăng cường đào tạo chuyên môn chuyên sâu cho cán bộ quản lý, vận hành đối với các công trình giao Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý để đảm bảo việc vận hành đúng quy trình kỹ thuật. Khuyến khích phát triển mô hình công ty cổ phần, hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân quản lý khai thác, vận hành các công trình nước sạch nông thôn. Triển khai thực hiện ban hành đơn giá nước sạch nông thôn đảm bảo nguyên tắc “tính đúng, tính đủ” theo quy định; hỗ trợ kinh phí quản lý vận hành công trình sau đầu tư tại các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi (dân cư thưa thớt, đường ống dẫn nước dài dẫn đến chi phí vận hành lớn). Chỉ đạo đơn vị liên quan rà soát việc quản lý thu, chi tiền nước; hạch toán, tính khấu hao tài sản, bảo trì các công trình cấp  nước  sạch  nông  thôn  tập  trung  trên địa  bàn  theo đúng quy định của pháp luật. Có giải pháp xử lý đối với tổ chức, cá nhân khi để xảy ra tình trạng thất thoát, lãng phí, mất cắp tài sản, thi công làm hư hỏng hệ thống đường ống cấp nước sinh hoạt và thực hiện không đúng quy định về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng các công  trình  cấp  nước  sạch  nông  thôn  tập  trung trên địa bàn tỉnh (nếu có). Chỉ đạo xử lý kịp thời những tồn tại, yếu kém trong công tác quản lý công trình của các địa phương. Chỉ đạo các cấp, ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, rà soát hoạt động quản lý công trình cấp nước trên địa bàn. Rà soát, xem xét hỗ trợ kinh phí để duy tu, sửa chữa nâng cấp các công trình cấp nước tập trung nông thôn còn khả năng khai thác hiệu quả để khai thác tối ưu công suất của công trình; gắn trách nhiệm của các địa phương được bàn giao các công trình nước sạch trong việc quản lý, khai thác, vận hành các công trình nước sạch nông thôn còn hoạt động.

Thực hiện rà soát, phân loại tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch nông thôn tập trung theo quy định tại khoản 3 Điều 26 Nghị định số 43/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ. Đồng thời phân loại và đề xuất các giải pháp về cơ chế, chính sách, bổ sung nguồn lực ngân sách nhà nước để sửa chữa nâng cấp, bảo trì, bảo dưỡng, bán, chuyển quyền quản lý, khai thác các công trình nước sạch hoạt động kém hiệu quả, không hoạt động; giao trách nhiệm cụ thể cho các tổ chức, cá nhân trong việc tháo gỡ đưa các công trình đầu tư không hiệu quả vào khai thác, sử dụng; thực hiện xử lý tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch theo quy định tại Mục 5 Nghị định số 43/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ. Nghiên cứu và triển khai áp dụng công nghệ khử đá vôi; công nghệ xử lý nước hộ gia đình đảm bảo vận hành đơn giản, hiệu quả. Thiết lập hệ thống kiểm soát, cảnh báo chất lượng, trữ lượng nguồn nước sinh hoạt, kiểm soát ô nhiễm nguồn cấp nước sinh hoạt từ các hoạt động dân sinh và có phương án thay thế nguồn nước trong trường hợp xảy ra sự cố ô nhiễm nguồn nước hoặc nguồn nước bị thay đổi. Đồng thời, xây dựng và ban hành Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt. Xây dựng kế hoạch chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và khắc phục hậu quả thiếu nước sinh hoạt do ảnh hưởng thiên tai, lũ, ngập lụt, úng; đảm bảo duy trì tối thiểu nguồn cấp nước sinh hoạt trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh. Đồng thời, tuyên truyền nhân dân nâng cao ý thức trong việc trồng rừng, bảo vệ rừng, đặc biệt là rừng đầu nguồn; trong việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước sạch cũng như các công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung đã được xây dựng. Phân cấp cho cơ quan chuyên môn về cấp nước sạch hoặc UBND cấp huyện theo quy định tại Nghị định số 43/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ; Thông tư số 73/2022/TT-BTC ngày 15/12/2022 của Bộ Tài chính.

Đối với Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố: Tăng cường kiểm tra, giám sát các công trình nước sạch trên địa bàn, nắm bắt kịp thời các phản ánh kiến nghị của nhân dân để giải quyết các kiến nghị ngay từ cơ sở theo đúng thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp thẩm quyền xử lý vi phạm theo quy định. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ các công trình, sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hợp lý; tăng cường xã hội hóa trong quản lý, đầu tư các công trình cấp nước sinh hoạt… Phối hợp chặt chẽ trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc quản lý, vận hành và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung trên địa bàn; kịp thời phát hiện các vi phạm và kiên quyết xử lý hoặc báo cáo các cấp có thẩm quyền đối với các trường hợp vi phạm trong quản lý, vận hành và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung đúng quy định; làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đối với việc thất lạc hồ sơ, sai phạm, vi phạm trong đầu tư, quản lý, vận hành, khai thác các công trình cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn.

Đối với các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu và Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh: Phát huy vai trò của đại biểu dân cử, tăng cường công tác giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, hoạt động của các cơ quan liên quan đến công tác quản lý nhà nước về quản lý, vận hành và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung trên địa bàn tỉnh, báo cáo kết quả với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh để xem xét, báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh theo quy định.

Báo cáo kết quả triển khai thực hiện Kết luận: UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan, UBND các huyện, thành phố cung cấp thông tin, tổng hợp báo cáo kết quả triển khai thực hiện đối với các nội dung kết luận tại phiên giải trình gửi Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, thời gian cuối năm 2025 theo quy định. Trường hợp nếu sắp xếp lại đơn vị hành chính các cấp thì UBND tỉnh và các đơn vị được giao quản lý tiếp tục thực hiện báo cáo theo quy định./.

Tang tuong phan Giam tuong phan
Đánh giá bài viết

0.0/5 (0 Lượt đánh giá)