DetailController

Kinh tế

Kế hoạch thực hiện Tiểu dự án 4, Dự án 5 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025

07/11/2023 16:30
Ngày 07/11, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 215/KH-UBND về Thực hiện Tiểu dự án 4, Dự án 5 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.

Thông qua đó nhằm đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trang bị kiến thức, kỹ năng triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Hoà Bình cho cộng đồng, cán bộ các cấp về Quy trình triển khai dự án, tiểu dự án của Chương trình; quy trình, kỹ năng làm chủ đầu tư, công tác duy tu bảo dưỡng công trình sau đầu tư, nghiệp vụ đấu thầu, quản lý tài chính và thanh quyết toán; quy trình lập kế hoạch; kiểm tra, giám sát, báo cáo kết quả thực hiện Chương trình và các kỹ năng về phát triển cộng đồng và các nội dung liên quan khác,... nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở có đủ năng lực quản lý, điều hành Chương trình đáp ứng yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ; giúp cho cộng đồng tiếp thu những kiến thức cơ bản về quản lý, tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất, đời sống; tạo điều kiện cho cộng đồng tham gia có hiệu quả các hoạt động của Chương trình, có đủ năng lực quản lý cộng đng, tuyên truyền vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện tốt công tác dân tộc, chính sách dân tộc, các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước trên địa bàn các xã, thôn xóm thuộc diện đầu tư của Chương trình.

Đối tượng của chương trình gồm có: Nhóm cộng đồngBan giám sát cộng đồng xã, đại diện cộng đồng, người dân, cộng tác viên giảm nghèo, các tổ duy tu, bảo dưỡng công trình hạ tầng tại thôn, xóm; người có uy tín trong cộng đồng, ưu tiên người dân tộc thiểu số và phụ nữ trong các hoạt động nâng cao năng lực.

Cán bộ triển khai Chương trình các cấp: Cán bộ thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc ở các cấp (bao gồm cán bộ thuộc các cơ quan, ban, ngành chủ trì và tham gia tổ chức thực hiện các nội dung của Chương trình) và cán bộ các tổ chức đoàn thể, lực lượng cốt cán, người có uy tín trong cộng đồng, các chức sắc, chức việc tôn giáo tham gia vào quá trình tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình.

Đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cho cộng đồng và cán bộ các cấp thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 theo khung chương trình đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cho cộng đồng và cán bộ các cấp triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 theo quy định tại Quyết định số 752/QĐ- UBDT ngày 11/10/2022 của Ủy ban Dân tộc, gồm: Nhóm cộng đồng: 19 chuyên đề; Nhóm cán bộ triển khai Chương trình các cấp: 18 chuyên đề. Tổ chức học tập trao đổi kinh nghiệm cho các đối tượng trực tiếp thực hiện Chương trình; tổ chức Hội thảo, Hội nghị chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm.

Ngoài các nội dung trong Khung chương trình đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng quy định tại Quyết định số 752/QĐ-UBDT ngày 11/10/2022 của Ủy ban Dân tộc; căn cứ vào tình hình thực tế và điều kiện đặc thù của các cơ quan, đơn vị, địa phương được giao nhiệm vụ thực hiện đào tạo, nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai Chương trình các cấp chủ động đề xuất, bổ sung các chuyên đề phù hợp trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét ban hành thực hiện theo kế hoạch hàng năm.

Tài liệu do Ủy ban Dân tộc ban hành (các chuyên đề theo khung chương trình tại Quyết định số 752/QĐ- UBDT ngày 11/10/2022 của Ủy ban Dân tộc); do các Bộ, Ngành liên quan biên soạn, phát hành; do các cơ quan, đơn vị, địa phương biên soạn, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành để thực hiện nội dung chuyên đề theo đặc thù của địa phương.

Hình thức tổ chức: Tổ chức triển khai thực hiện đào tạo, tập huấn phải linh hoạt, đa dạng, tùy theo năng lực, phẩm chất, kinh nghiệm của các cá nhân, từng nhóm đối tượng để có phương pháp, hình thức đào tạo, tập huấn phù hợp. Tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực bằng hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến.

Đối với cộng đồng: Sử dụng hình thức học tập đi đôi với thực hành, hạn chế giảng lý thuyết thuần túy.

Đối với cán bộ triển khai Chương trình các cấp: Sử dụng hình thức tập huấn ngắn hạn theo phương pháp lấy người học làm trung tâm, khuyến khích chia sẻ và thảo luận.

Thời gian tổ chức: Mỗi đợt đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng không quá 04 ngày với đối tượng là cộng đồng; không quá 05 ngày với đối tượng là cán bộ triển khai các cấp; không quá 10 ngày đối với mỗi đợt tổ chức đoàn đi học tập kinh nghiệm; không quá 03 ngày đối với Hội thảo, Hội nghị chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm.

Địa điểm tổ chức: Tùy theo đối tượng đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng có thể tổ chức tại từng thôn, liên thôn; từng xã, liên xã hoặc tập trung tại huyện, tỉnh. Việc chọn địa điểm đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng phải đảm bảo điều kiện đi lại thuận lợi cho người tham gia và tiết kiệm; đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất để tổ chức và phù hợp với nguồn lực đầu tư của Nhà nước.

Giảng viên, báo cáo viên là Lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức công tác tại cơ quan, đơn vị ở Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện và các cơ sở đào tạo có đủ tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật.

Kinh phí thực hiện được ngân sách Nhà nước bố trí hằng năm từ Tiểu Dự án 4, Dự án 5 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 và huy động, lồng ghép các nguồn vốn hợp pháp khác./.