DetailController

Các dự án kêu gọi đầu tư

Huyện Cao Phong kêu gọi thu hút đầu tư vào Quần thể di tích Núi Đầu Rồng

21/01/2015 00:00
Quần thể di tích Núi đầu Rồng nằm ở phía Đông Nam của Thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong, cách Quốc lộ 6 khỏang 500m về phía Đông. Quần thể di tích núi đầu Rồng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Danh lam thắng cảnh cấp quốc gia tại Quyết định số 2134/QĐ-BVHTTDL ngày 6/6/2012. Từ đó tới nay, quần thể nhận được sự quan tâm đặc biệt của chính quyền tỉnh và huyện, thu hút được nhiều lượt khách du lịch. Để quần thể di tích Núi Đầu Rồng tiếp tục phát huy khai thác, gìn giữ và phát huy thế mạnh về văn hóa, du lịch, huyện Cao Phong tích cực kêu gọi các nhà đầu tư đến nghiên cứu vào đầu tư vào quần thể di tích này.
Hệ thống nhũ đá trong hang

Dãy núi Đầu Rồng trải dài như con rồng khổng lồ đang phủ phục tạo nên bức tường thành trấn ngữ phía Đông Nam cho thị trấn Cao Phong. Dãy núi này dài hơn 1km, độ cao sấp xỉ 200m so với chân núi. Trong dãy núi có nhiều hang động đẹp liên kết với nhau tạo thành quần thể. Mỗi hang động là một kỳ quan tuyệt vời của tạo hóa với các tên như: Hoa Sơn thạch động, Động Không Đáy, Phong sơn động, Nhãn Long Sơn động, Hang nước, Động Thanh Thủy. Các di tích được phân bố khá đều trong dãy núi, chỉ cách nhau vài trăm mét. Cùng với nét đẹp của văn hóa Mường Thàng, với nhiều địa danh về lịch sử cách mạng, văn hóa như khu căn cứ cách mạng Cao Phong Thạch Yên, Vườn hoa núi cối, chùa Khánh, Đền Thác Bờ…đã tạo nên sức hấp dẫn cho du khách. Nay góp thêm thắng cảnh quần thể di tích núi đầu Rồng chắc chắn sẽ thêm phần phong phú trong chương trình du lịch cảnh quan, sinh thái.

Thắng cảnh Quần thể di tích Núi Đầu Rồng tới nay vẫn giữ được những nét đẹp nguyên sơ, các hang động vẫn giữ được nguyên vẹn hệ thống nhũ đá do Chính quyền và nhân dân thị trấn Cao Phong rất có ý thức bảo vệ dãy núi thiêng này. Hiện nay, dãy núi và hệ thống hang động trong dãy núi này được UBND thị trấn giao cho khu III, thị trấn Cao Phong bảo vệ, giữ gìn. Quần thể di tích núi đầu Rồng vừa hiển hiện một vẻ đẹp tự nhiên tuyệt vời vừa được xem như một bảo tàng sống- nơi lưu giữ những bằng chứng về điều kiện khí hậu, địa chất, động thực vật, dấu vết của con người trong diễn trình lịch sử lâu dài ở mảnh đất này. Quần thể di tích núi đầu Rồng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Danh lam thắng cảnh cấp quốc gia, danh lam thắng cảnh này đã và đang được nhà nước, chính quyền và nhân dân địa phương quan tâm đầu tư công sức, kinh phí để bảo tồn, phát huy giá trị, tiềm năng để đưa nơi đây trở thành điểm đến thăm qua, khám phá thu hút khách du lịch.

Ông Dương Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội Nông dân Thị trấn Cao Phong, người phát hiện ra hệ thống hang động Núi Đầu rồng chia sẻ: Vào năm 1980, trong quá trình đi kiếm củi, chúng tôi tình cờ phát hiện ra một cửa hang rất rộng. Tò mò và hứng thú chúng tôi tiếp tục tìm hiểu và khám phá ra các hang động như Phong Sơn động, động không đáy. Tới năm 1985 sau khi đi bộ đội về, tôi tiếp tục hành trình khám phá tiếp hệ thống hang động. Tôi đã từng đi nhiều nơi, thăm thú nhiều hang và cảm thấy quê hương mình may mắn có một hệ thống hang tuyệt đẹp. Nhận thức rõ điều này, tôi có trò chuyện và báo cáo với các đồng chí lãnh đạo huyện. Được sự quan tâm của chính quyền, cuối năm 2009, đầu năm 2010, huyện đã tổ chức một đoàn thực hiện dọn đường, quay và thực hiện chương trình về Núi đầu rồng. Sau hơn 2 năm tìm hiểu, chúng tôi đã khám phá ra tổng thể có 9 hang khô, 2 hang nước sau này có thể đi thuyền trong đó với chiều dài khoảng 1km. Hiện nay có 6 hang đã được Bộ VH,TT&DL lịch xếp hạng là Danh lam thắng cảnh cấp quốc gia, các hang còn lại đang tiếp tục được tìm hiểu và sẽ đưa vào phục vụ khách thăm quan.

Theo Quyết định số 2060/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hòa Bình về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2014 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030 có nhấn mạnh phải tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch; trong đó giao nhiệm vụ cho UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển du lịch của tỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đảm bảo quốc phòng, an ninh và phát huy tiềm năng, thế mạnh, điều kiện tự nhiên và xã hội của mỗi địa phương để khai thác du lịch có hiệu quả. Ban hành cơ chế chính sách về ưu đãi đầu tư và khuyến khích hoạt động du lịch, hỗ trợ thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh. Trước những tiềm năng và lợi thế so sánh đặc biệt này, thời gian qua huyện Cao Phong đã có những động thái tích cực nhằm phát huy thế mạnh, quảng bá và thu hút đầu tư. Ông Khương Xuân Lịch, Phó Chủ tịch UBND Thị trấn Cao Phong cho biết: Sau khi quần thể hang động được khám phá, được sự quan tâm của các cấp chính quyền và người dân, huyện đã đầu tư đường lên hang và hệ thống điện để du khách lên thăm di tích núi Đầu Rồng nhằm giới thiệu và thu hút đầu tư. Hiện mới đầu tư được trên 5 tỷ đồng, huyện đã giao cho Thị trấn cùng Phòng VH-TT huyện thành lập một tổ khai thác và quảng bá, bố trí Tổ bảo vệ và một số nhân sự dẫn khách vào thăm quan. Tuy nhiên bước đầu mới chỉ là bước đầu để khách thập phương tới thăm thú, khám phá. Chúng tôi mong muốn trong tương lai, các cấp, ngành từ TƯ, địa phương quan tâm, đầu tư vào hệ thống quần thể hang động này, khai thác cả các hang cạn và hang nước. Hứa hẹn quần thể di tích Núi Đầu Rồng sẽ là điểm đến hấp dẫn của du khách khắp nơi./.