DetailController

Hoạt động của lãnh đạo tỉnh

Hội nghị trực tuyến về công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng

06/05/2024 11:01
Chiều 05/5, tại Hội trường UBND tỉnh Kon Tum, đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị trực tuyến về công tác quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024. Tham dự tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình.
Đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh

Thời gian qua, công tác QLBVR, PCCCR luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Đảng, Chính phủ. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về QLBVR, PCCCR được hoàn thiện tạo hành lang pháp lý trong đầu tư, huy động nguồn lực xã hội phục vụ QLBVR, PCCCR. Nhận thức về vai trò của rừng trong đời sống xã hội, các ngành, địa phương ngày càng nâng cao trách nhiệm QLBVR. Năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024, các Bộ, ngành, các địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện chủ trương, chính sách về QLBVR, PCCCR và phát triển lâm nghiệp bền vững. Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng; phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp.

Năm 2023, 60/60 tỉnh, thành phố có rừng đã công bố hiện trạng rừng với tổng diện tích 14.860.309ha, tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt 42,02%. Tuy nhiên, năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024, cả nước phát hiện 3.977 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, thiệt hại 1.230 ha rừng và xảy ra 399 vụ cháy rừng, thiệt hại hơn 1.145 ha rừng. Nguyên nhân chính dẫn đến cháy rừng là do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino. Nền nhiệt và số ngày nắng nóng cao hơn trung bình nhiều năm, nhất là từ tháng 2 đến tháng 4 cùng với sự bất cẩn của người dân trong đốt nương làm rẫy, sử dụng lửa trong rừng, gần rừng.

Tại hội nghị, các địa phương chia sẻ kinh nghiệm trong PCCCR như ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động tuần tra, kiểm tra, theo dõi diễn biến rừng, tổ chức tập huấn PCCCR vào mùa khô khi có sự cố có thể huy động ngay lực lượng tập huấn tham gia chữa cháy. Các địa phương phản ánh có tình trạng bỏ việc, chuyển việc trong lực lượng quản lý bảo vệ rừng do thu nhập còn thấp; kiến nghị Trung ương quan tâm, tăng mức hỗ trợ đối với lực lượng quản lý bảo vệ rừng để lực lượng này yên tâm công tác. Đề nghị Trung ương sớm phê duyệt quy hoạch quốc gia về lâm nghiệp; sớm thực hiện kiểm kê rừng trên toàn quốc để đánh giá đúng thực trạng rừng; sớm ban hành cơ chế, chính sách về tín chỉ carbon để tạo nguồn tài chính cho công tác bảo vệ và phát triển rừng; xem xét bố trí nguồn vốn dự phòng cho phòng, chống thiên tai, sự cố còn dư cho các địa phương phòng cháy rừng; tăng cường đầu tư nâng cao năng lực hệ thống cảnh báo, chữa cháy rừng.

Cũng tại hội nghị, lãnh đạo các Bộ, ngành phản hồi những vướng mắc, kiến nghị của các địa phương; cập nhật tình hình sửa đổi, bổ sung, ban hành những văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu các Bộ, ngành triển khai thực hiện các biện pháp QLBVR, PCCCR và phát huy tối đa giá trị đa dạng sinh thái rừng. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCCCR, nâng cao nhận thức cho các cơ quan, đơn vị, người dân, chủ rừng. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hoạt động đốt nương làm rẫy đảm bảo an toàn, không cho đốt nương vào những ngày hanh khô, gió lớn. Các địa phương trong cả nước xác định QLBVR, PCCCR là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Trong đó, chủ rừng chịu trách nhiệm QLBVR đối với diện tích rừng được giao, cho thuê; kiểm lâm là lực lượng nòng cốt trong tham mưu triển khai QLBVR và PCCCR. Tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, nhất là lúc cao điểm về nắng nóng. Thường xuyên kiểm tra, giám sát về PCCCR từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở và xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Quan tâm, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào tuần tra, kiểm soát, theo dõi diến biến rừng, nâng cao hiệu quả QLBVR, giảm áp lực cho lực lượng chuyên trách. Tăng cường hiệu quả phối hợp giữa các ngành, cơ quan, đơn vị, nhất là việc huy động các lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ, các tổ chức, cá nhân; nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong phòng, chống cháy rừng./.