DetailController

Hoạt động của lãnh đạo tỉnh

Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam

22/12/2023 15:55
Sáng 22/12, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam theo hình thức trực tiếp và kết nối trực tuyến tới trụ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các điểm cầu tại trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cùng dự và điều hành hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành liên quan; lãnh đạo các hội, hiệp hội, tổ chức; đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam; lãnh đạo các tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến công nghiệp văn hóa; cùng các chuyên gia, nghệ sĩ hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành tỉnh.
Đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh

Trong 7 năm qua, triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam (Chiến lược 1755), với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, sự đồng hành của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, công tác phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam đã đạt được một số kết quả nổi bật. Năm 2015, các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 2,68% GDP. Sau 3 năm 2016, 2017, 2018 triển khai Chiến lược 1755, năm 2018, 12 ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 3,61% GDP. Trong giai đoạn từ năm 2018 - 2022, giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đóng góp ước đạt 1,059 triệu tỷ đồng (44 tỷ USD). Bình quân tốc độ tăng trưởng về số lượng các cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa đạt 7,21%/năm. Chỉ tính riêng năm 2022, thống kê có khoảng 70.321 cơ sở đang hoạt động có liên quan đến ngành công nghiệp văn hóa và bình quân lực lượng lao động thu hút khoảng 1,7 triệu đến 2,3 triệu người, tăng 7,44%/năm. Thực hiện các quy định của pháp luật về di sản văn hóa, các Bộ, ngành, địa phương đã tiến hành xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện các quy hoạch, dự án, đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Các di tích, danh lam thắng cảnh được quan tâm tu bổ, tôn tạo đã trở thành địa chỉ đỏ trong việc thu hút ngày càng đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế tới tham quan, nghiên cứu. Năm 2019, riêng 08 Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới ở Việt Nam đã đón hơn 21 triệu khách du lịch (trong đó có hơn 10 triệu khách quốc tế), với doanh thu từ vé tham quan và phí dịch vụ trực tiếp khoảng 3.123 tỷ đồng.

Tại hội nghị, bên cạnh bức tranh toàn cảnh về sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa trong những năm qua, các đại biểu cũng đánh giá thực trạng phát triển của từng lĩnh vực thuộc ngành công nghiệp văn hóa gồm điện ảnh; du lịch văn hóa; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; quảng cáo; kiến trúc; thiết kế; xuất bản; thời trang; truyền hình và phát thanh; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ: Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam được tổ chức hôm nay là Hội nghị đầu tiên, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận và đánh giá cao sự chuẩn bị, báo cáo và các ý kiến tại hội nghị; giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến; sớm hoàn thiện để trình ban hành văn bản phù hợp sau Hội nghị, tinh thần là sau Hội nghị có chuyển biến về nhận thức, tư duy và hành động, tạo ra sản phẩm, kết quả cụ thể cho phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, có trọng tâm, trọng điểm hơn nữa; chủ động, phối hợp chặt chẽ, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp văn hóa, khuyến khích mọi sự tìm tòi, sáng tạo, tôn trọng tự do sáng tạo; chú trọng những ngành có nhiều tiềm năng, lợi thế (như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, phần mềm và các trò chơi giải trí), để đến năm 2030 giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp cao vào GDP. Các bộ ngành, cơ quan, địa phương liên quan phải tập trung tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hoàn thiện thể chế, tăng cường quản lý nhà nước, xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi, cách tiếp cận phù hợp, binh đẳng về chính sách thuế, đầu tư, đất đai, tiếp cận tín dụng và các chính sách khác./.