DetailController

Tin Nông nghiệp - Nông thôn

Hòa Bình: Ứng dụng khoa học và công nghệ góp phần gia tăng giá trị thủy sản

23/04/2024 11:00
Hoà Bình có tiềm năng mặt nước phát triển nuôi trồng thủy sản đa dạng, phong phú, phân bố tương đối đồng đều trên khắp các huyện và thành phố. Phát huy lợi thế trên, những năm gần đây, tỉnh tập trung phát triển sản xuất thủy sản khá đa dạng trên các loại hình mặt nước.
Tuyên truyền, hướng dẫn người nuôi trồng phòng chống dịch bệnh thủy sản, đặc biệt là về chất lượng con giống, xử lý nguồn nước, các biện pháp tiêu độc, khử trùng xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản

Năm 2023 diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 2.695 ha, sản lượng thủy sản đạt 9.750 tấn, số lồng cá 4.987 lồng, đã góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế ở các vùng nông thôn; khoa học công nghệ tiên tiến và một số đối tượng có giá trị kinh tế cao đã được đưa vào sản xuất, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế ở các vùng nông thôn; giải quyết việc làm cho các vùng nông thôn, đời sống của người lao động tham gia sản xuất thủy sản được cải thiện rõ rệt, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn, miền núi trong tỉnh.

Trong giai đoạn qua, tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức và ý thức về phòng chống dịch bệnh thủy sản cho người nuôi, đặc biệt là về chất lượng con giống, xử lý nguồn nước, các biện pháp tiêu độc, khử trùng và xử lý khi có dịch bệnh trong cơ sở, xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản. Tổ chức các lớp phổ biến kiến thức quản lý chất lượng nước trong nuôi trồng thủy sản tại xã các xã vùng hồ. Tuyên truyền, vận động người dân phải tuân thủ, chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản; phổ biến quy trình xử lý môi trường ao nuôi trước; khuyến khích các hộ thực hiện nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP, sử dụng các chế phẩm sinh học trong danh mục cho phép để xử lý lượng thức ăn dư thừa trong quá trình nuôi. Giai đoạn 2016-2024, sản xuất thuỷ sản tỉnh Hòa Bình có nhiều chuyển biến tích cực. Sản xuất thủy sản phát triển tăng cả về quy mô, năng suất, sản lượng và đạt tốc độ tăng trưởng cao đã góp phần quan trọng làm tăng sản lượng thuỷ sản, đa dạng hình thức và đối tượng nuôi, cung cấp các sản phẩm thuỷ sản có chất lượng, giá trị kinh kế cao đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng như: Cá chép, cá rô phi, cá lăng, cá trắm đen, cá tầm, cá Chiên, cá ngạnh..... cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Năm 2023, diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản là 2.695 ha mặt nước ao hồ nuôi trồng thủy sản và 4,897 nghìn lồng cá nuôi, sản lượng nuôi trồng thủy sản 9.750 tấn, đạt 96% so với cùng kỳ và 100% kế hoạch đề ra. Để đạt được mục tiêu chiến lược đề ra, ngành thủy sản Hòa Bình chú trọng phát huy thế mạnh tiềm năng mặt nước NTTS, ứng dụng công nghệ mới vào các hoạt động thủy sản nhằm đa dạng sản phẩm. Tăng năng suất trên đơn vị diện tích, tăng giá trị thu nhập. Phát triển hợp lý nghề nuôi cá lồng trong các thủy vực lớn, đặc biệt là trên lòng hồ thủy điện sông Đà. Đa số các lồng nuôi cá hiện nay đều làm theo công nghệ mới, lồng lưới khung sắt đã thay thế dần các lồng bương tre. Hộ tham gia nuôi trồng đáp ứng yêu cầu Quy chuẩn kỹ thuật, quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm. Nhiều đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao như cá Chiên, cá Lăng, cá Trắm đen, cá Rô phi, cá Tầm, cá vược… được phát triển mạnh.

Thực hiện chương trình OCOP gắn với phát triển du lịch sinh thái, tới nay tỉnh đã có 09 sản phẩm OCOP được chứng nhận 3 sao và 4 sao như: cá Phi lê, ruốc cá…Hiện nay trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có 10 cơ sở sơ chế, chế biến và bảo quản sản phẩm thủy sản (bao gồm: 03 doanh nghiệp; 01 Hợp tác xã và 06 hộ kinh doanh). Sản phẩm sơ chế, chế biến  chủ yếu là: cá fillet, chả cá, ruốc cá, cá kho, cá nướng, cá khô, tôm khô, cá tươi, tôm tươi, cá đóng gói đông lạnh... Có 05 sản phẩm thủy sản chế biến (cá Phi lê, ruốc cá) được chứng nhận OCOP đạt 4 sao. Sản lượng sơ chế, chế biến thủy sản hàng năm trung bình khoảng 850 tấn, chiếm tỷ lệ 11,33 % sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác trên Hồ Hòa Bình. Thị trường tiêu thụ chủ yếu các thành phố lớn, thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, đóng góp của công nghiệp chế biến để làm tăng giá trị của thuỷ sản hàng hoá còn thấp. Chất lượng sản phẩm chưa cao, tính cạnh tranh kém, giá trị thấp. Sản phẩm chế biến còn đơn điệu, việc đầu tư chế biến sâu, sản xuất ra các sản phẩm có GTGT cao còn chiếm tỷ lệ thấp so với tổng sản lượng sản phẩm.

Giai đoạn 2026 -2035, tỉnh đặt mục tiêu phát triển thủy sản thành một ngành sản xuất hàng hóa, có thương hiệu uy tín, có khả năng cạnh tranh cao trong hội nhập kinh tế, trên cơ sở phát huy lợi thế của một ngành sản xuất, tạo sự phát triển đồng bộ, đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phát triển thủy sản theo hướng chất lượng và bền vững, trên cơ sở giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa nâng cao giá trị gia tăng với đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, bảo vệ và phát triển nguồn lợi và an sinh xã hội; chủ động thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu. Từng bước hiện đại hóa làm chủ công nghệ sản xuất giống thủy sản nhằm chủ động đáp ứng đủ giống tốt, kịp thời vụ, đa dạng về giống thủy sản, phục vụ cho nhu cầu nuôi thương phẩm thâm canh trong ao và nuôi cá lồng trên địa bàn tỉnh.  Xây dựng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất giống, nuôi thương phẩm và tiêu thụ sản phẩm; để đảm bảo nuôi an toàn đối với sản phẩm thủy sản và tạo được thị trường bền vững…/.