DetailController

Các dự án kêu gọi đầu tư

Hòa Bình: Tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

18/08/2015 00:00
5 năm qua, với mục tiêu xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội, tạo bước đột phá trong thời gian tới, tỉnh Hòa Bình đã thực hiện Chương trình phát triển nguồn nhân lực đến năm 2020 và Đề án đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Tập trung xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ công chức cơ sở (huyện, xã); ưu tiên đào tạo nghề nông thôn gắn với giải quyết việc làm, chuyển dịch lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính Phủ.
Bồi dưỡng CNTT giúp nâng cao năng lực cho cán bộ công chức, viên chức tỉnh Hòa Bình

Từng bước đáp ứng yêu cầu

Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội, tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn tỉnh tăng từ 29,1% năm 2011 lên 45% năm 2015. Trong 5 năm, đã mở 415 lớp cho 33.507 lượt học viên được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ; 359 cán bộ, công chức, viên chức được cử đi tu nghiệp, bồi dưỡng trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, tỉnh ta đã tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các hoạt động dạy và học tại các nhà trường; rà soát các trường tiểu học và THCS có quy mô nhỏ để kiện toàn, sắp xếp lại cho phù hợp, tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Cùng với đó, mạng lưới cơ sở dạy nghề được đầu tư mở rộng. Đến nay toàn tỉnh có 40 đơn vị dạy nghề; cơ cấu ngành nghề ngày càng đa dạng và phong phú theo nhu cầu của xã hội. Chất lượng nguồn nhân lực trong tỉnh được xây dựng theo hướng toàn diện về đạo đức, trí tuệ, trẻ hóa có khả năng thích ứng với môi trường lao động. 100% cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh đạt chuẩn theo quy định. Trong đó, cán bộ công chức có trình độ chuyên môn đại học và trên đại học chiếm tỷ lệ 74,3%, cao đẳng, trung cấp chiếm 23,41%; trình độ lý luận chính trị cao cấp, cử nhân chiếm 14%; trung cấp chiếm 6,15%. Đội ngũ doanh nhân, chuyên gia quản trị doanh nghiệp có đủ trình độ ngày càng phát triển đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội, an ninh- quốc phòng của địa phương và năng lực cạnh tranh hội nhập ngày càng sâu rộng.

Những năm qua, nhờ sự quan tâm đầu tư phát triển nguồn nhân lực đã góp phần thúc đẩy nền kinh tế trên địa bàn tỉnh tăng trưởng khá nhanh. Theo đó, giai đoạn 2010- 2015, tăng trưởng kinh tế (tính theo GDP, không tính thủy điện Hòa Bình) đạt 7,2%/năm; tốc độ tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, các ngành kinh tế đều tăng trưởng khá và ổn định. Trong đó: công nghiệp- xây dựng chiếm 40,2%, dịch vụ chiếm 34,5%, nông nghiệp chiếm 25,3%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2015 ước đạt 32,2 triệu đồng/năm; cao gấp 2,5 lần so với năm 2010, cao hơn trung bình khu vực miền núi phía Bắc khoảng 6,2 triệu đồng; góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh giảm từ 31,5% đầu năm 2011 xuống còn 13,7% (năm 2015)...  Những kết quả có được là nhờ sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, bên cạnh đó là sự tham gia tích cực, có hiệu quả của các cấp, ngành và toàn xã hội.

Nâng cao số lượng và đảm bảo về chất lượng

Thời gian tới, tỉnh Hòa Bình sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Thực hiện tốt công tác dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Tập trung dạy nghề chất lượng cao, đột phá vào các ngành kinh tế mũi nhọn, các lĩnh vực trọng tâm của tỉnh như: vận tải, sản xuất điện, du lịch. Tiếp tục huy động các nhà khoa học, nghệ nhân, cán bộ kỹ thuật, thợ bậc cao tại các doanh nghiệp tham gia hướng dẫn, đào tạo nghề. Gắn đào tạo nghề với nhu cầu sản xuất và tạo việc làm cho người lao động. Bên cạnh việc thực hiện chính sách thu hút thu hút, nhân tài; ưu tiên tuyển dụng các sinh viên tốt nghiệp đại học loại khá, giỏi về công tác tại tỉnh, và đưa đi đào tạo, bồi dưỡng ở trong nước và nước ngoài. Đồng thời xây dựng đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ, đặc biệt là đội ngũ chuyên gia đầu ngành có khả năng tư vấn hoạch định, tổ chức triển khai thực hiện các chiến lược, quy hoạch, chương trình, đề án phát triển ở các ngành, lĩnh vực kinh tế, xã hội trọng yếu của tỉnh.

Mục tiêu cụ thể sẽ là tạo sự chuyển biến căn bản và toàn diện về chất lượng nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, vùng thủ đô và yêu cầu của hội nhập quốc tế. Phấn đấu đến năm 2020, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn tỉnh đạt 65%; trên 40% giảng viên cao đẳng tại các cơ sở đào tạo có trình độ từ thạc sỹ trở lên; tiếp tục mở rộng quy mô đào tạo; phấn đấu đạt 150 sinh viên đại học, cao đẳng/10.000 dân. Trên 90% sinh viên, học viên sau khi tôt nghiệp có đủ khả năng chuyên môn và ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu công việc. Cán bộ lãnh đạo cấp xã có trình độ trung cấp trở lên ở vùng I, vùng II đạt 90%; vùng III đạt 70%; đến năm 2020 tỷ lệ cán bộ lãnh đạo xã có trình độ đại học, cao đẳng vùng I, vùng II đạt 20% trở lên; 80% cán bộ lãnh đạo các xã vùng III có trình độ trung cấp chuyên môn, nghiệp vụ. Trong số cán bộ lãnh đạo, quản lý ở trên bảo đảm cơ cấu có từ 20 đến 30% cán bộ giữ chức danh lãnh đạo là nữ… Từ nay đến năm 2020, tỉnh Hòa Bình dự kiến huy động kinh phí 709 tỷ đồng cho bồi dưỡng phát triển toàn diện và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Với những giải pháp đồng bộ nêu trên, tỉnh ta đang từng bước tạo đột phá trong phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội và hội nhập quốc tế./.