DetailController

Các dự án kêu gọi đầu tư

Hòa Bình: Tập trung phát triển khu, cụm công nghiệp

29/12/2015 00:00
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã quy hoạch 08 khu công nghiệp (hoàn thành việc lập và công bố quy hoạch chi tiết) với diện tích phê duyệt 1.672 ha. Trong đó 07 khu công nghiệp quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500, riêng khu công nghiệp Lương Sơn quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000. Theo quy hoạch đến năm 2020, tỉnh Hòa Bình có 24 cụm công nghiệp với diện tích là 811,6 ha. Trong đó 18 cụm công nghiệp đã được quy hoạch với diện tích 474,6 ha; 06 cụm công nghiệp với diện tích 474,6 ha; 06 cụm công nghiệp với diện tích 337 ha dự kiến bổ sung quy hoạch trong những năm tiếp theo.
Khu công nghiệp Lương Sơn được đầu tư tương đối đồng bộ

Xác định công tác xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp là điều kiện quan trọng để xúc tiến thu hút đầu tư và triển khai dự án của các nhà đầu tư thứ cấp. Chính vì vậy, tỉnh Hòa Bình luôn quan tâm tới việc triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật cho các khu công nghiệp. Giai đoạn 2007 - 2015, UBND tỉnh đã triển khai tích cực thu hút dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng phục vụ sản xuất của các doanh nghiệp. Đến nay, có 03 khu công nghiệp có các chủ đầu tư hạ tầng (Lương Sơn, Bờ trái Sông Đà, Lạc Thịnh). Công tác đầu tư xây dựng hạ tầng đang được triển khai với tổng số vốn đầu tư là 542,748 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 162,913 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp là 379,835 tỷ đồng. Về hạ tầng kỹ thuật, mới chỉ có Khu công nghiệp Lương Sơn đã đầu tư tương đối đồng bộ, các khu công nghiệp khác đã hoàn thành việc cắm mốc ranh giới, đang tiến hành giải phóng mặt bằng, san nền. Hiện tại chỉ có Khu Công nghiệp Lương Sơn, Bờ trái Sông Đà là cơ bản hoàn thiện đường giao thông nội bộ, hệ thống điện. Khu công nghiệp Lương Sơn đã được đầu tư hệ thống cấp nước sạch, hệ thống thu, gom và hệ thống nước thải. Mạng lưới thông tin liên lạc tại các khu công nghiệp chưa được đầu tư.

Đối với 18 cụm công nghiệp, có 04 cụm công nghiệp chủ đầu tư là doanh nghiệp, 14 cụm công nghiệp chủ đầu tư là UBND các huyện, thành phố. Có 05 cụm công nghiệp đang được triển khai đầu tư hạ tầng. Năm 2015, tỉnh Hòa Bình được Trung ương hỗ trợ 3,5 tỷ đồng, nâng số vốn đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp giai đoạn 2007 - 2015 đạt 60,2 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 20,7 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp là 39,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, phần lớn vốn đầu tư của ngân sách và doanh nghiệp chỉ dành cho việc giải phóng mặt bằng, san lấp mặt bằng để thu hút các dự án đầu tư.

Trong 8 năm qua, với các chính sách ưu đãi, những điều kiện thuận lợi về kết cấu hạ tầng và thủ tục hành chính công khai, minh bạch, các khu, cụm công nghiệp trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Đến năm 2015, các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 70 dự án đầu tư, bao gồm 18 dự án FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) với vốn đăng ký trên 396 triệu USD và 52 dự án trong nước với vốn đăng ký 7.656 tỷ đồng. Trong số 70 dự án đăng ký đầu tư, có 50 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất ra nhiều sản phẩm và tạo việc làm cho lao động địa phương, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội và ngành công nghiệp của tỉnh. Doanh thu của các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp năm 2015 đạt khoảng 5.000 tỷ đồng; nộp ngân sách khoảng 200 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu ước đạt 100 triệu USD và tạo việc làm mới cho 7.000 lao động.  

Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Hòa Bình tái cơ cấu ngành công nghiệp nhằm tạo bước đột phá về tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ; đảm bảo phát triển nhanh, bền vững và tăng thu ngân sách Nhà nước. Tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp, tạo các điều kiện cần thiết và thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp. Triển khai đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh hạ tầng 05 khu công nghiệp (Lương Sơn, Bờ trái Sông Đà, Mông Hóa, Lạc Thịnh, Yên Quang); cơ bản đầu tư đồng bộ hạ tầng 06 cụm công nghiệp./.